Ách tắc trong triển khai chính sách nhà ở xã hội

(BĐT) - Nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 hiện rất lớn, nhưng do nguồn lực ngân sách có hạn nên rất khó giải quyết kịp thời.
Băn khoăn lớn của các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hiện nay chính là điều kiện phải gửi tiết kiệm để được vay vốn ưu đãi. Ảnh: Đinh Tuấn
Băn khoăn lớn của các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hiện nay chính là điều kiện phải gửi tiết kiệm để được vay vốn ưu đãi. Ảnh: Đinh Tuấn

Nên có chính sách như gói 30.000 tỷ đồng

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ cùng một số bộ, ngành và ngân hàng cuối tuần qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay, việc triển khai thực hiện chính sách NOXH đang bị ách tắc vì chưa bố trí được nguồn vốn từ ngân sách. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, việc Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện cho vay chương trình NOXH là không hợp lý, vì đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NĐ100). Đặc biệt, việc kiến nghị giao Bộ Xây dựng phối hợp với NHCSXH và các cơ quan liên quan huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ NOXH như đề xuất của một số bộ, ngành là không phù hợp với các quy định của Luật Nhà ở năm 2014.

Thực tế cho thấy, nguồn vốn phục vụ kế hoạch thực hiện chính sách NOXH giai đoạn 2016 - 2020 và hàng năm phụ thuộc vào khả năng chi ngân sách nhà nước (NSNN). Trong khi đó, năm 2016 có thể coi là năm đầu tiên thực hiện chính sách mới về NOXH theo Luật Nhà ở 2014, nên HoREA thống nhất với ý kiến của Bộ Xây dựng là kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét đề xuất bố trí khoảng từ 500 - 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trong năm 2016 để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất nhằm thực hiện chính sách NOXH.

Đối với chính sách tạo nguồn vốn tín dụng, cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) được chỉ định tham gia NOXH, HoREA đề nghị NHNN nước sớm quy định cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất đối với các TCTD được chỉ định để thúc đẩy thực hiện chính sách NOXH.

Điều kiện để được thụ hưởng nhà ở xã hội còn rối rắm

Một trong những băn khoăn lớn nhất của các đối tượng mua, thuê, thuê mua NOXH hiện nay chính là điều kiện phải gửi tiết kiệm để được vay vốn ưu đãi. Cụ thể, Khoản 2 Điều 74 Luật Nhà ở 2014 quy định: "NHCSXH được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua NOXH để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định". Điều này, theo HoREA, có thể hiểu là sau thời gian tối thiểu 12 tháng đã gửi tiết kiệm thì hộ gia đình, cá nhân mới đạt được điều kiện để vay vốn ưu đãi (gửi tiết kiệm trước).

Thế nhưng, Khoản 5 Điều 13 NĐ100 lại quy định: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay". Ở đây lại có thể hiểu là hộ gia đình, cá nhân phải gửi tiết kiệm kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng (gửi tiết kiệm sau), nên tại Mục 3.a của Văn bản 2526 ngày 27/07/2016 của NHCSXH đã quy định người vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó có điều kiện "phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với NHCSXH".

Riêng về mức gửi tiết kiệm cũng là một câu chuyện gây nhiều tranh cãi. NHCSXH quy định khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi phải thực hiện gửi tiết kiệm với "mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn". Quy định này sẽ dẫn đến mức gửi tiết kiệm khác nhau do giá mua NOXH khác nhau. Do vậy, cần quy định một mức gửi tiền tiết kiệm hàng tháng mà mọi đối tượng thụ hưởng NOXH đều thực hiện như nhau.

Tin cùng chuyên mục