Ngày 14/7, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản yêu cầu các sở ngành báo cáo tiến độ triển khai dự án sân bay Hồ Tràm, huyện Đất Đỏ. Theo đó, lãnh đạo tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Đất Đỏ rà soát, báo cáo kết quả thực hiện các nội dung công việc được giao về dự án sân bay Hồ Tràm.
Cụ thể, triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, kế hoạch triển khai dự án trong thời gian tới, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp thúc đẩy, báo cáo trình UBND tỉnh trước ngày 20/7.
Vị trí xây dựng dự án sân bay Hồ Tràm. |
Trước đó, ngày 23/3, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành Thông báo số 123/TB-UBND về kết luận của đồng chí Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại buổi làm việc với Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm về dự án sân bay Hồ Tràm.
Trong đó, giao Sở Giao thông Vận tải làm đầu mối cùng với đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh kết nối, làm việc với cán bộ đầu mối của Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm để xây dựng các bước công việc cụ thể và phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, bảo đảm hoàn thành trong quý 2/2022.
Vào năm 2016, Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm đã đề xuất xin được đầu tư sân bay chuyên dụng tại huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Mục đích đầu tư sân bay để đón khách quốc tế cho tổ hợp nghỉ dưỡng Hồ Tràm Strips do công ty này làm chủ đầu tư đang hoạt động tại huyện Xuyên Mộc.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ có 2 sân bay là Vũng Tàu và Côn Đảo. Do đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến chỉ đạo Bộ Quốc phòng sớm tổ chức họp hội đồng thẩm định làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bổ sung vào quy hoạch.
Đến tháng 10/2020, Bộ Quốc phòng đã có quyết định phê duyệt vị trí xây dựng sân bay Đất Đỏ tại 2 xã Láng Dài và xã Lộc An, huyện Đất Đỏ. Tháng 5/2021, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư sân bay Hồ Tràm, huyện Đất Đỏ.
Trong tương lai, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có 3 sân bay. |
Sân bay Hồ Tràm có diện tích khoảng 244 ha, phía Nam giáp đường Phước Hội-Lộc An, phía Tây giáp đường đất, phía Đông và phía Bắc giáp đất của dân. Tổng vốn đầu tư dự kiến do Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm làm chủ đầu tư là 4.250 tỷ đồng, quy mô sân bay Hồ Tràm đạt cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO với một đường băng có chiều dài 2.400 m, rộng 45 m, hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay hoàn chỉnh, khu nhà ga hành khách, đài kiểm soát tại sân bay, công trình phụ trợ kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật…
Sân bay Hồ Tràm có khả năng tiếp nhận các loại máy bay Airbus A320-20W, Airbus 321-20W, Boeing 737, phù hợp với đa số các dòng máy bay đang lưu hành trong nước và quốc tế.
Bà Rịa-Vũng Tàu có 3 sân bay
Ngoài dự án sân bay Hồ Tràm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn đang có dự án sân bay Gò Găng, với tổng diện tích toàn sân bay khoảng 248,5ha, dự kiến được xây dựng tại thuộc xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu. Ước toán tổng mức đầu tư xây dựng hoàn chỉnh sân bay Gò Găng hơn 9.005 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.258 tỷ đồng. Mục tiêu xây dựng sân bay Gò Găng là sân bay chuyên dùng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không chung để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Quy mô là sân bay trực thăng cấp III, sân bay quân sự cấp II khi có nhu cầu và sân bay dân dụng cấp 3C (ICAO) trong tương lai.
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang yêu cầu đẩy nhanh việc triển khai xây dựng mới 1 đường lăn song song và 3 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song và sân đỗ máy bay mới ở sân bay Côn Đảo. Theo đó, thời gian đóng cửa sân bay Côn Đảo dự kiến từ tháng 4/2023 đến tháng 12/2023 để triển khai xây dựng mới 1 đường lăn. Sau khi hoàn thành, sân bay Côn Đảo sẽ được mở rộng để đạt công suất 2 triệu khách/năm (gấp 5 lần hiện nay), có 8 vị trí đỗ máy bay (thêm 6 vị trí mới); đường băng kéo dài thêm 15m và mở rộng thêm 5m so với hiện nay, đáp ứng khả năng khai máy bay bay A320/321 và tương đương; bổ sung đèn tín hiệu, công trình quản lý bay để có thể khai thác vào ban đêm. Tổng mức đầu tư dự án trên hơn 3.794 tỷ đồng. Trong đó, một phần sử dụng vốn ngân sách (kéo dài đường băng, mở rộng sân đỗ, hệ thống đèn), một phần sử dụng vốn doanh nghiệp (nhà ga hành khách, công trình quản lý bay).