Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường khiến dư luận bức xúc. Ảnh: Nhã Chi st |
Không cho phép tiếp tục sai lầm
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong gần 7 tháng đầu năm 2016, cả nước có 1.408 dự án FDI được cấp mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,69 tỷ USD, tăng 31,8% về số dự án và 25,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, có 660 lượt dự án đăng ký tăng vốn với hơn 4,24 tỷ USD.
Bên cạnh tín hiệu lạc quan về thu hút FDI, vẫn còn “dư âm” từ những dự án tỷ đô dở dang hoặc chỉ nằm “trên giấy” (đơn cử như Lọc hóa dầu Nhơn Hội ở Bình Định hoặc Thép Guang Lian Dung Quất ở Quảng Ngãi) hay những dự án đã hoặc sắp hoàn thành với những nghi ngại về ô nhiễm môi trường (như Nhà máy Thép Formosa ở Hà Tĩnh hay Dự án Nhà máy Bột giấy Lee & Man ở Hậu Giang).
Giới chuyên gia từng khuyến cáo, bên cạnh mục đích là tạo nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thì chính bệnh thành tích đã khiến cho không ít địa phương lao vào thu hút vốn FDI mà thiếu đi sự chọn lọc để đón nguồn vốn ngoại có chất lượng. Chính điều này đã để lại hậu quả là ô nhiễm môi trường hoặc những siêu dự án dở dang.
Trao đổi xoay quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc R&D thuộc Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM cho rằng, bài học từ vụ Formosa không cho phép chúng ta tiếp tục sai lầm vì muốn thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá. Điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý phải thật sự ý thức được trách nhiệm của mình trong chính sách tiền kiểm và hậu kiểm với các siêu dự án FDI.
Về việc UBND tỉnh Bình Định quyết định chấm dứt thu hút Dự án Lọc hoá dầu Victory của Tập đoàn PTT (Thái Lan) vào Khu kinh tế Nhơn Hội sau một thời gian dài chờ đợi, ông Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam luôn ưu ái, cởi mở đối với các nhà đầu tư ngoại, nhưng nên cẩn trọng để tránh tái diễn các siêu dự án chỉ tồn tại “trên giấy”.
Cần đưa vào vòng kiểm soát
Và, điều lo lắng này hoàn toàn đúng khi siêu dự án trên vẫn chỉ dừng lại ở bản kế hoạch trên giấy. Trong khi đó, Tập đoàn PTT liên tục trì hoãn, không giống như khí thế lúc đầu khi đưa ra “bánh vẽ” về con số khủng để đầu tư dự án là 28 tỷ USD.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan nên có những điều chỉnh cần thiết nhằm đưa các siêu dự án tỷ đô như vậy vào vòng kiểm soát, để cơ quan quản lý theo dõi, kiểm tra tiến độ đầu tư có đúng với cam kết, như kế hoạch được phê duyệt ban đầu hay không. Điều này nhằm tránh lãng phí cũng như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Hơn nữa, cần làm rõ trách nhiệm nhà đầu tư ngoại trong các siêu dự án như vậy, thậm chí nếu có phát sinh thiệt hại thì phải bồi thường cho Nhà nước.
Cần lưu ý, trong động thái mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 09/2016/TT-BKHĐT ngày 30/6/2016 nhằm hướng dẫn công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Mục đích là kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài của các cấp, các ngành; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài; bảo đảm quá trình đầu tư của dự án được tuân thủ theo các quy định của pháp luật; phát hiện những vấn đề bất hợp lý, các vi phạm trong việc tổ chức thực hiện để kịp thời chấn chỉnh…