Nhiều nhà thầu từng phản ánh, nhiều lần đến trụ sở bên mời thầu để mua HSMT nhưng cán bộ bán HSMT nói: “Hồ sơ chưa photo kịp”. Ảnh: Tiên Giang |
Bên trọng, bên khinh từ việc bán HSMT
Từ những lùm xùm không bán HSMT tại Ban Quản lý dự án (QLDA) chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà Báo Đấu thầu vừa phản ánh cho thấy sự phức tạp của tình trạng nói trên. Trao đổi với Báo Đấu thầu, BMT này khẳng định, HSMT chuẩn bị trước thời điểm bắt đầu phát hành đã bán hết trong ngày đầu tiên phát hành HSMT (ngày 2/8/2019). Đây không phải là trường hợp hi hữu.
Trong tháng 8/2019, tại một BMT của tỉnh Bình Dương, ngay từ ngày đầu tiên phát hành HSMT một gói thầu về trang bị máy ghi hình, nhà thầu đã tố không thể mua được HSMT. Phóng viên Báo Đấu thầu trong vai nhà thầu thâm nhập thực tế cũng nhận được câu trả lời “không có HSMT” từ BMT. Tuy nhiên, khi trả lời Báo Đấu thầu, BMT đã đưa ra danh sách 5 nhà thầu đã mua được HSMT trong ngày đầu tiên. “Chúng tôi đã bán ngay 5 bộ HSMT trong ngày đầu tiên thì sao gọi là hạn chế, không tạo điều kiện cho nhà thầu đến mua HSMT được?”, BMT rất quả quyết. Tuy nhiên, chính BMT không thể trả lời được câu hỏi: “Tại sao trong những ngày phát hành HSMT, nhà thầu liên tục phản ánh không thể tiếp cận được cán bộ bán HSMT?”. Ngay trong 5 biên lai thu tiền thể hiện việc bán HSMT này, Báo Đấu thầu cũng nhận ra, có rất nhiều chữ ký giống hệt nhau. Thậm chí có nhà thầu còn cho rằng, việc lập phiếu thu này là cùng thời điểm vì thực chất một nhà thầu đã tung chiêu mua sạch HSMT.
Một hiện tượng phổ biến hiện nay là tư vấn đấu thầu chỉ chuẩn bị vài bộ HSMT sẵn cho BMT/chủ đầu tư để bán. Sau khi các nhà thầu “được bật đèn xanh” từ trước mua được HSMT trong ngày đầu tiên phát hành, dù HSMT đã hết hay chưa thì BMT nhất quyết không bán thêm cho bất kỳ nhà thầu nào. Khi Báo Đấu thầu vào cuộc, BMT có câu trả lời quen thuộc là “vẫn bán HSMT bình thường, rất nhiều nhà thầu đã mua được. Hiện tại thì HSMT tạm thời hết, phải đợi tư vấn chuẩn bị thêm”.
Trong nhiều trường hợp, việc mua được HSMT ngay từ ngày đầu tiên phát hành là điều không thể xảy ra với những nhà thầu lạ, đến từ địa phương khác hoặc không có mối “thâm tình” với BMT.
Hệ lụy của việc bán hết HSMT trong ngày đầu tiên
Tình trạng đối xử không công bằng giữa các nhà thầu ngay từ khâu mua HSMT đang gây ra nhiều hệ lụy. Đối với nhà thầu có HSMT ngay từ ngày đầu tiên, có rất nhiều thời gian chuẩn bị và lập hồ sơ dự thầu (HSDT). Ngược lại, nhiều nhà thầu sau khi quyết liệt đòi hỏi quyền lợi hợp pháp thì vẫn ngậm ngùi bỏ cuộc hoặc đi lại trầy trật nhiều lần mới mua được HSMT khi thời điểm đóng thầu chỉ còn 1 - 2 ngày. Đến lúc này, vắt chân lên cổ, nhà thầu chưa chắc đã chuẩn bị kịp HSDT, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến thư bảo lãnh dự thầu từ ngân hàng. Sự phân biệt đối xử này gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, không minh bạch, bị kiến nghị kéo dài tại một số cuộc thầu.
Theo chân các nhà thầu đi mua HSMT trong nhiều năm, phóng viên Báo Đấu thầu nhận thấy hiện tượng này đã manh nha từ rất lâu. Đây là một hành vi thể hiện rõ việc “quây thầu” ngay từ khi phát hành HSMT. Theo đó, một nhà thầu “quân đỏ” huy động hàng loạt nhà thầu vây cánh, lấy giấy giới thiệu khác nhau và “vét sạch” HSMT, không chừa một bộ nào. Lý do “không lường trước được số lượng nhà thầu đến mua HSMT” dẫn đến “không photo kịp” rất khó chấp nhận khi chính BMT không xác nhận với các nhà thầu về thời gian cụ thể để quay lại nhận HSMT. Thậm chí có BMT từ chối bán HSMT với lý do “không còn bộ nào”, nhưng khi nhà thầu liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) địa phương, cán bộ bán HSMT lại lập tức thông báo “hình như vẫn còn HSMT”. Nhiều Sở KH&ĐT buộc phải vào cuộc từ những phản ánh không bán HSMT của các nhà thầu.
Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu chỉ thực sự tốt khi toàn bộ quá trình phát hành HSMT được làm đúng từ đầu, khi mọi nhà thầu có nhu cầu mua HSMT đều được đáp ứng nhu cầu này một cách thông suốt, thuận lợi.