Bản tin thời sự sáng 15/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam khuyến cáo công dân cảnh giác giữa xung đột Israel - Iran; phát hiện thêm 22 hang động với tổng chiều dài hơn 3.000 m ở Quảng Bình; giao dịch trái phiếu tăng mạnh quý đầu năm; ký kết hợp đồng BOT Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng…

Việt Nam khuyến cáo công dân cảnh giác giữa xung đột Israel - Iran

Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân tạm thời không đến các khu vực xảy ra xung đột, khi căng thẳng Israel - Iran leo thang với vụ tập kích của Tehran.

Các hệ thống phòng không tại thành phố Ashkelon của Israel hoạt động vào hôm 14/4 sau khi Iran tấn công
Các hệ thống phòng không tại thành phố Ashkelon của Israel hoạt động vào hôm 14/4 sau khi Iran tấn công

Công dân Việt Nam ở Trung Đông "cần theo dõi sát tình hình, chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết, tuân thủ quy định của chính quyền sở tại, không tụ tập đông người và hạn chế đi lại", Bộ Ngoại giao ngày 14/4 khuyến cáo, sau khi Iran tiến hành đợt tập kích quy mô lớn vào lãnh thổ Israel.

Bộ Ngoại giao cho biết, đến nay, tình hình công dân Việt Nam tại các địa bàn ở Trung Đông vẫn an toàn. Các đại sứ quán Việt Nam tại khu vực tăng cường biện pháp bảo hộ công dân, liên lạc thường xuyên với các đầu mối cộng đồng người Việt để cập nhật thông tin.

Khi gặp khó khăn, công dân cần liên hệ ngay với đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran để được trợ giúp.

Đêm 13/4, rạng sáng 14/4, Iran mở cuộc tấn công đường không quy mô lớn nhắm vào lãnh thổ Israel để đáp trả vụ tập kích tòa lãnh sự thuộc đại sứ quán Iran ở Syria hồi đầu tháng.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, nước này ghi nhận Iran khai hỏa khoảng 300 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa các loại, trong đó khoảng 99% vũ khí bị đánh chặn bởi mạng lưới phòng không của Israel cùng lực lượng đối tác.

Đòn tấn công của Iran được đánh giá là "kiềm chế và chừng mực", gây ra thiệt hại tối thiểu cho Israel, dường như chỉ nhằm phát thông điệp răn đe tới Tel Aviv mà không gây leo thang xung đột khu vực, theo giới quan sát.

Phát hiện thêm 22 hang động với tổng chiều dài hơn 3.000 m ở Quảng Bình

Trong đợt khảo sát hang động vào tháng 3, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt phối hợp với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550 m.

Có 22 hang động mới được phát hiện trong đợt này

Có 22 hang động mới được phát hiện trong đợt này

Ngày 14/4, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN-KB) cho biết, qua khảo sát và thám hiểm hang động ở khu vực VQG PN-KB và các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã phát hiện được 22 hang động mới.

Các hang động khảo sát có chiều dài dao động từ 30 - 572 m, trong đó có 4 hang dài nhất gồm: hang Va (516 m), hang 12/2 Dry (404 m) thuộc VQG PN-KB, hang Vuc Hung (430 m) ở xã Thượng Trạch thuộc vùng đệm VQG PN-KB, hang Ong Dau (572 m) ở xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa). Độ cao cửa hang dao động từ 46 - 550 m, độ sâu dao động từ 32 - 154 m.

Trong đợt này, khu vực vùng lõi VQG PN-KB có 7 hang động được khảo sát với chiều dài 1.415 m, vùng đệm VQG PN - KB có 7 hang động được khảo sát với chiều dài 1.027 m, khu vực phụ cận thuộc xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) có 11 hang động được khảo sát với chiều dài 1.108 m.

Theo ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG PN-KB, các hang động mới được phát hiện trên chỉ mới nằm trong phạm vi nghiên cứu tiếp cận, xác định vị trí, mô tả sơ bộ. Do vậy, cần phải có khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu để làm rõ hơn giá trị, qua đó có những nhận định chính xác trong việc bảo tồn và khai thác bền vững cảnh quan, hang động này.

Giao dịch trái phiếu tăng mạnh quý đầu năm

Quy mô giao dịch thị trường trái phiếu doanh nghiệp bình quân 3 tháng đầu năm nay đạt 9.800 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023.

Quy mô giao dịch thị trường trái phiếu doanh nghiệp bình quân 3 tháng đầu năm nay đạt 9.800 tỷ đồng

Quy mô giao dịch thị trường trái phiếu doanh nghiệp bình quân 3 tháng đầu năm nay đạt 9.800 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, quy mô giao dịch thị trường trái phiếu tháng 3 đạt 10.900 tỷ đồng, tăng trên 16% so với tháng trước đó.

Đến ngày 22/3, 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu đạt 16.100 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về phát hành trái phiếu quý đầu năm, chiếm hơn 67%, tiếp theo là xây dựng gần 11%.

Bình quân 3 tháng, thị trường đạt 9.800 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Lãi suất phát hành trung bình khoảng 10,57% một năm. 70% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo. Lượng trái phiếu mua lại trước hạn 17.600 tỷ đồng, giảm gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý I tương đối khả quan so với tình trạng đóng băng cùng kỳ năm ngoái khi hầu như không có đợt phát hành nào.

Tính tới cuối 2023, quy mô kênh trái phiếu doanh nghiệp đạt 11% GDP. Chính phủ đặt mục tiêu tăng quy mô thị trường này lên 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Theo Công ty Xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings, năm nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước vào chu kỳ phát triển mới với triển vọng tín dụng cải thiện. Dù vậy, áp lực đáo hạn trái phiếu vào cuối năm nay rất lớn, khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng 4% so với năm ngoái, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MSB. Áp lực trả nợ, lãi trái phiếu sẽ rơi vào quý II, với 74.000 tỷ đồng và quý III là 52.000 tỷ đồng.

Ký kết hợp đồng BOT Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT sẽ sớm khởi công trong tháng 4 này.

Phối cảnh Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng

Phối cảnh Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng

UBND tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Xây dựng Đèo Cả - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Xây dựng công trình 568 - Công ty CP Lizen vừa ký kết hợp đồng dự án để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT vào ngày 14/4.

Dự án do UBND tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan có thầm quyền với tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng. Trong số đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án 5.495 tỷ đồng (3.500 tỷ đồng ngân sách trung ương, 2.000 tỷ đồng ngân sách địa phương); vốn nhà đầu tư thu xếp 5.529 tỷ đồng. Giá trị phần vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình là 3.719 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026, thời gian thu phí là 25 năm 8 tháng.

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT được thực hiện trên địa bàn các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn với tổng chiều dài 60 km. Trên tuyến bao gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17 m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17 km, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 14,5 m.

Khi Dự án hoàn thành đi vào hoạt động sẽ kết nối các cửa khẩu Hữu Nghị - Cốc Nam - Tân Thanh đến các trung tâm kinh tế Hà Nội - Bắc Giang - Bắc Ninh.

Mỗi ngày Vàng Bạc Đá quý DOJI lãi 1,3 tỷ đồng

Công ty CP Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI báo lãi sau thuế hơn 491 tỷ đồng năm 2023, tức bình quân mỗi ngày hơn 1,3 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI báo lãi sau thuế hơn 491 tỷ đồng năm 2023

Công ty CP Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI báo lãi sau thuế hơn 491 tỷ đồng năm 2023

Thông tin trên được Công ty CP Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI gửi đến các trái chủ mới đây. Mức lãi năm ngoái của doanh nghiệp này giảm gần một nửa so với 2022 (trên 1.016 tỷ đồng), nhưng vẫn cao thứ hai tính từ 2018.

Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này lãi hơn 1,3 tỷ đồng, giảm khoảng 50% so với 2022.

Tính đến cuối năm ngoái, vốn chủ sở hữu của DOJI đạt 6.745 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả đội lên hơn 15.850 tỷ đồng, gấp 2,35 lần vốn và tăng 28% so với năm 2022.

Điểm sáng là Công ty sạch nợ trái phiếu. Giai đoạn 2020 - 2021, doanh nghiệp từng phát hành 5 lô trái phiếu với tổng giá trị ban đầu 2.850 tỷ đồng. Lãi suất khoảng 8,75 - 9,5% một năm.

Trừ một lô đáo hạn trong tháng 7/2023, các khoản huy động còn lại kéo dài đến năm 2026. Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, doanh nghiệp này nhiều lần mua lại trước hạn tất cả lô trái phiếu. Riêng năm ngoái, họ dành 640 tỷ đồng trả gốc và khoảng 40,5 tỷ đồng trả lãi cho trái chủ.

Lợi nhuận DOJI giảm trong khi giá vàng năm ngoái bứt tốc. Vàng miếng chốt phiên cuối năm 2023 ở 76 triệu đồng mỗi lượng, tăng khoảng 10 triệu so với đầu năm. Riêng tháng 12, kim loại quý tiến sát mốc 80 triệu đồng, tạo ra tâm lý giao dịch sôi động khắp thị trường.

So với một trong những đối thủ lớn nhất trên thị trường bán lẻ vàng, bạc, trang sức hiện nay - Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), khoản lợi nhuận của DOJI chỉ bằng một phần tư. PNJ đã có 5 năm liền lãi trên nghìn tỷ đồng, riêng năm ngoái gần chạm mốc 2.000 tỷ đồng.

Nguồn cung căn hộ TP.HCM thấp nhất 15 năm

3 tháng đầu năm, 500 căn hộ chung cư được chủ đầu tư chào bán tại TP.HCM, mức thấp nhất tính theo quý trong 15 năm qua, theo CBRE.

Một dự án căn hộ gần Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức (TP.HCM).

Một dự án căn hộ gần Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức (TP.HCM).

Báo cáo thị trường mới đây của CBRE - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ về tư vấn bất động sản, quản lý đầu tư - cho biết, lượng căn hộ đưa ra thị trường trong quý I đều thuộc dự án đã chào bán từ năm ngoái.

Khoảng 500 căn hộ mới được chào bán, trong đó 80 căn thuộc phân khúc cao cấp, chỉ bằng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức này xuống thấp nhất trong 15 năm trở lại đây, theo CBRE.

Dự án mới hạn chế nên số căn bán được cũng rất ít, giảm 75% so với quý IV/2023.

Dữ liệu của đơn vị tư vấn Savills cũng chỉ ra, nguồn cung căn hộ mới tại TP HCM lao dốc trong quý I, giảm 78% theo quý. Tình hình bán hàng ảm đạm khi 9 dự án tạm ngưng ra rổ hàng, do chưa hoàn thiện yêu cầu pháp lý hoặc điều chỉnh chính sách. 2 dự án khác bị trì hoãn mở bán.

Ngoài ra, hầu hết nguồn cung sơ cấp tập trung ở quận 9, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Lượng bán căn hộ quý vừa qua cũng sụt tới 63% so với cuối năm ngoái.

Nguồn cung xuống thấp, tâm lý thị trường chưa cải thiện, nên giá bán căn hộ TP.HCM không biến động nhiều trong quý I, thậm chí giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND 6 huyện, thị xã, thành phố ở Quảng Ngãi bị phê bình

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản phê bình 6 Chủ tịch UBND huyện vì chậm trễ trong phối hợp giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai của hộ gia đình, cá nhân.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ - kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi

Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ - kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi

Văn bản này do ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi (người được giao nhiệm vụ điều hành UBND Tỉnh cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND Tỉnh) ký và ban hành.

Sau khi có báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản phê bình trực tiếp Chủ tịch UBND các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi. Đến nay, huyện Bình Sơn còn gần 140 hồ sơ đất đai của dân bị chậm trễ, Sơn Tịnh còn 38 hồ sơ và thành phố Quảng Ngãi 37 hồ sơ.

Theo ông Trần Hoàng Tuấn, vấn đề chậm trễ trong phối hợp giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Tỉnh cần phải chấn chỉnh. Cán bộ, công chức các đơn vị liên quan cần quyết liệt hơn trong giải quyết, không gây phiền cho người dân. Nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ do việc phối hợp giữa các phòng chuyên môn UBND huyện và UBND các xã phường chưa kịp thời. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nêu trên cần tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và công chức, viên chức có liên quan. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu lãnh đạo 6 địa phương bị phê bình khẩn trương chỉ đạo phối hợp giải quyết dứt điểm hồ sơ chậm trễ, báo cáo UBND Tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 31/5.

Thi công trở lại đường vào Cục Đường bộ Việt Nam sau nhiều năm ngưng trệ

Dự án Xây dựng và Đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D20 Khu đô thị mới Cầu Giấy (lối vào Cục Đường bộ Việt Nam) có tổng mức đầu tư hơn 38 tỷ đồng, đang chuẩn bị được thi công trở lại sau nhiều năm ngưng trệ.

Tuyến đường hơn 38 tỷ đồng sẽ được hoàn thành trong quý II/2024

Tuyến đường hơn 38 tỷ đồng sẽ được hoàn thành trong quý II/2024

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy thông tin, vừa qua, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua kế hoạch bố trí nguồn vốn cho Dự án xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D20 Khu đô thị mới Cầu Giấy.

Theo đó, Thành phố cho phép quận Cầu Giấy tạm thời sử dụng nguồn vốn ngân sách của Quận để triển khai Dự án, sau đó hoàn thiện hồ sơ để lấy nguồn ngân sách đã được phê duyệt bù vào số tiền mà quận đã bỏ ra.

"Hiện, quận Cầu Giấy đã làm việc với nhà thầu, đơn vị thi công để thanh toán số tiền mà doanh nghiệp đã bỏ ra để thực hiện Dự án. Đồng thời, đơn vị thi công đã bố trí nhân lực, máy móc để tái khởi động dự án", đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy thông tin.

Theo kế hoạch, dự kiến trong quý II/2024, Dự án xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D20 Khu đô thị mới Cầu Giấy sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trước đây, Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của TP. Hà Nội. Tuy nhiên, do không bố trí được nguồn vốn, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19… nên tiến độ bị chậm so với kế hoạch đề ra.

Khởi công tháng 10/2020, Dự án xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D20 Khu đô thị mới Cầu Giấy có tổng vốn đầu tư hơn 38 tỷ đồng, trong đó, giá trị xây lắp là 11,9 tỷ đồng.

Ban đầu, Dự án có kế hoạch hoàn thành sau 1 năm, nhưng đến nay đã 3 năm, công trình vẫn còn dang dở khi đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng.