Giá xăng sẽ giảm mạnh vào ngày 21/3
Các doanh nghiệp dự kiến giá xăng, dầu ngày 21/3 có thể giảm 1.200 - 2.700 đồng/lít. Nếu Liên bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn giá sẽ giảm ít hơn.
Dự kiến giá xăng tại kỳ điều hành ngày 21/3 giảm mạnh |
Ngày 21/3, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17/3 giảm mạnh, khoảng 9 - 12% so với đợt điều chỉnh trước...
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM, sau ngày 21/3, giá dầu thế giới có xu hướng giảm theo những tín hiệu khả quan từ các cuộc đàm phán.
Người này dự báo nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng E5 RON 92 có thể giảm 1.500 đồng/lít, xăng RON 95 có thể giảm 1.700 đồng/lít, còn giá dầu giảm khoảng 2.500 - 2.700 đồng/lít.
Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý tăng trích lập hoặc giảm chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng sẽ giảm ít hơn khoảng 1.200 - 1.400 đồng/lít.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi dư địa Quỹ bình ổn không còn nhiều, doanh nghiệp đầu mối lớn âm quỹ và 7 kỳ điều chỉnh tăng liên tục vừa qua Quỹ bình ổn đã liên tục chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước.
Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Để kìm giá xăng dầu, Chính phủ đề nghị giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. Theo đó giảm 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít/kg với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và 700 đồng/lít với dầu hỏa. Mức này dự kiến có hiệu lực từ 1/4.
Bình Phước kiến nghị xây cầu Mã Đà nối Đồng Nai
Cầu Mã Đà dự kiến kết nối Đồng Nai, rút ngắn khoảng cách từ Bình Phước đến sân bay Long Thành hơn 60 km.
Vị trí cầu Mã Đà nối Bình Phước và Đồng Nai |
Ngày 20/3, UBND Bình Phước đã kiến nghị Chính phủ xem xét đồng ý việc xây cầu Mã Đà với tổng thể quy hoạch giao thông vùng đi qua tỉnh này.
Theo tỉnh Bình Phước, cầu Mã Đà sẽ giúp kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, rút ngắn 60 km so với đi đường hiện tại.
Cầu Mã Đà dự kiến rộng 11 m, dài 90 m, bắc qua sông cùng tên. Công trình này nằm trong Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường ĐT753 có chiều dài 30 km, quy mô cấp III, tổng mức đầu tư là 655 tỷ đồng, sử dụng ngân sách địa phương, được UBND Bình Phước phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 7/2021.
Theo Quy hoạch mạng lưới thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tháng 9/2021, đường ĐT753 sẽ nâng cấp thành Quốc lộ 13C (đi từ TP. Đồng Xoài, Bình Phước đến huyện Trảng Bom, Đồng Nai).
Trước đó, năm 2013, Bình Phước từng triển khai nâng cấp đường ĐT753 và xây cầu với tổng mức đầu tư 173 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án phải dừng lại vì tỉnh Đồng Nai không đồng ý xây cầu Mã Đà. Ngoài ra, phía Đồng Nai cũng chặn đường và cấm phà hoạt động qua lại khúc sông trên do sợ ảnh hưởng đến rừng Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
Bộ GTVT vào cuộc vụ công trình đón đầu đền bù Dự án cao tốc Bắc - Nam
Bộ GTVT cảnh báo xuất hiện tình trạng người dân xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích thuộc phạm vi dự án cao tốc để trục lợi.
Nhiều công trình xây dựng trái phép trong phạm vi dự án cao tốc Bắc - Nam |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, đề nghị các địa phương tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo mặt bằng triển khai cao tốc Bắc - Nam.
Theo văn bản của Bộ GTVT, hiện nay tuyến cao tốc Bắc - Nam đang trong quá trình chuẩn bị dự án nhưng đã xuất hiện tình trạng người dân xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích thuộc phạm vi dự án cao tốc để trục lợi, gây phức tạp cho công tác giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án.
Bộ GTVT đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; tuyên truyền vận động người dân ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc và chấp hành nghiêm các quy định về xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các ban quản lý dự án bàn giao hồ sơ khảo sát và hình ảnh hiện trạng tại thời điểm khảo sát để các địa phương làm căn cứ quản lý, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Cũng theo Bộ GTVT, từ ngày 13 - 15/3, Bộ đã phối hợp bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 của các dự án thành phần với tổng chiều dài 133,8 km và sẽ tiếp tục bàn giao cho địa phương các đoạn còn lại trước ngày 30/6.
Theo kế hoạch, dự kiến đến ngày khởi công dự án, các địa phương sẽ bàn giao khoảng 70% diện tích mặt bằng.
Dự kiến từ tháng 4/2023 đóng cửa sân bay Côn Đảo để nâng cấp
Cục Hàng không đề nghị Bộ GTVT thống nhất với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đóng cửa sân bay Côn Đảo từ tháng 4 đến tháng 12/2023 để nâng cấp, cải tạo.
Dự kiến đóng cửa sân bay Côn Đảo từ tháng 4 đến tháng 12/2023 để nâng cấp, cải tạo |
Báo cáo gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không cho biết, theo quy hoạch sân bay Côn Đảo phải triển khai đồng bộ 4 nhóm dự án thành phần.
Cụ thể, gồm công trình đường cất hạ cánh, đường lăn do Cục Hàng không được giao làm chủ đầu tư; đài kiểm soát không lưu, hệ thống trạm khí tượng hàng không do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm đầu tư; công trình xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách và hạ tầng dùng chung như đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có trách nhiệm đầu tư và kho xăng dầu hàng không triển khai thực hiện theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ACV chưa đưa hạng mục xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay và hạ tầng kỹ thuật dùng chung tại sân bay Côn Đảo vào kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Cục Hàng không, việc ACV chưa triển khai các hạng mục trên sẽ làm ảnh hưởng đến tổng thể các dự án phát triển đồng bộ sân bay Côn Đảo. Theo chủ trương đầu tư dự án được Bộ GTVT phê duyệt, sẽ triển khai xây dựng mới 1 đường lăn song song và 3 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song và sân đỗ tàu bay mới theo quy hoạch...
Nếu ACV không triển khai đầu tư sân đỗ theo quy hoạch dẫn đến việc khi thực hiện dự án, sân bay sẽ không còn sân đỗ tàu bay. Việc khai thác tại Côn Đảo là không thực hiện được.
Vì thế, lãnh đạo Cục Hàng không đề nghị Bộ GTVT làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, yêu cầu ACV đầu tư các hạng mục công trình xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách, hạ tầng kết nối đồng bộ theo quy hoạch được duyệt.
Đáng chú ý, Cục Hàng không cũng đề nghị Bộ GTVT có ý kiến gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thống nhất thời gian đóng cửa sân bay Côn Đảo dự kiến từ tháng 4/2023 đến tháng 12/2023 để cải tạo, nâng cấp sân bay.
Đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt sẽ thông xe từ tháng 4
Tuyến song hành đại lộ Võ Văn Kiệt (TP.HCM) xây gần hầm sông Sài Gòn, Quận 1, đang hoàn tất hạng mục cuối, dự kiến khai thác từ tháng 4 giúp xe đi lại thuận tiện.
Phối cảnh đường song hành Võ Văn Kiệt khi hoàn thành |
Dự án đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt được xây mới, khởi công tháng 5 năm ngoái, kinh phí 54 tỷ đồng. Công trình dài 615 m, rộng 7 m, đi dưới cầu Calmette bên bờ kênh Tàu Hủ kết nối đường Nguyễn Thái Học đến Pasteur, cho xe chạy 40 km/h. Dự án bổ sung hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh...
Tuyến song hành được triển khai nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ, mất an toàn tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con. Bởi đây là nút giao có lưu lượng xe lớn rẽ vào trung tâm thành phố, các hướng đi thường xung đột, dễ xảy ra tai nạn. Tuyến xây xong giúp dòng xe giảm giao cắt tại giao lộ nói trên, di chuyển thuận lợi hơn cũng như tạo thông thoáng cho khu vực.
Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), cho biết hiện công trình cơ bản hoàn tất các hạng mục chính. Trong tuần tới, nhà thầu sẽ thảm nhựa, hoàn thiện vỉa hè cùng các hạng mục phụ trợ khác. Dự kiến đầu tháng 4, tuyến song hành sẽ hoàn thiện toàn bộ.
Dự án đường bộ ven biển đoạn Hải Phòng - Thái Bình chậm tiến độ
Dự án đường bộ ven biển đoạn Hải Phòng - Thái Bình theo kế hoạch thông xe vào đầu năm 2021, nhưng đến nay mới hoàn thành 35% khối lượng.
Cầu vượt qua sông Văn Úc dài gần 2 km đang thi công phía huyện Kiến Thụy, còn phía huyện Tiên Lãng chưa thi công do vướng mắc giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư thiếu vốn |
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hải Phòng - Thái Bình dài 29,7 km, với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, có tổng mức đầu tư hơn 2.460 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (BOT). Trong đó đoạn qua TP. Hải Phòng dài 20,7 km và đoạn qua huyện Thái Thụy (Thái Bình) dài 9 km.
Dự án được khởi công tháng 5/2017, theo kế hoạch thông xe vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, Dự án hiện mới hoàn thành được 35,4% khối lượng xây lắp công trình (tương đương 872 tỷ đồng giá trị hợp đồng).
Ông Huỳnh Văn Hiếu, Trưởng phòng dự án Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng giải thích doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng và gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. 1.523 hộ dân, tổ chức có nhà đất nằm trong diện thu hồi đất phục vụ Dự án đã cơ bản đồng thuận, nhận tiền bồi thường. Tuy nhiên, một số hộ chưa nhận, thậm chí có hộ đã nhận tiền nhưng vẫn làm đơn kiến nghị về giá bồi thường và nguồn gốc đất.
Từ góc độ chủ đầu tư, ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình xây dựng Hải Phòng cho rằng, Dự án không hoàn thành đúng tiến độ đã ký kết do năng lực tài chính nhà thầu yếu, phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Khi ngân hàng siết chặt khoản vay, nhà thầu gần như tạm dừng thi công.