Bản tin thời sự sáng 21/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bổ sung tần số cho mạng di động 5G, 6G; Việt Nam và Mỹ chính thức đàm phán thuế quan lần 2; TP.HCM lần đầu vào top 5 hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Đông Nam Á; Hà Nội sẽ dùng thẻ vé liên thông đi tàu điện, xe buýt…

Bổ sung tần số cho mạng di động 5G, 6G

Dự thảo Quy hoạch phổ tần Quốc gia bổ sung một số băng tần đang dùng cho dịch vụ truyền hình, vệ tinh để phát triển mạng 5G, 6G.

Một trạm 5G Make in Viet Nam được trưng bày tại sự kiện Ngày Khoa học và Công nghệ 2025

Một trạm 5G Make in Viet Nam được trưng bày tại sự kiện Ngày Khoa học và Công nghệ 2025

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo quy hoạch mới về phổ tần số vô tuyến điện. Quy hoạch phổ tần hiện tại đã có từ năm 2013 và trải qua 3 lần bổ sung, sửa đổi. Tuy nhiên, qua rà soát, một số quy định sau thời gian triển khai bộc lộ bất cập, cần hoàn thiện cho phù hợp thực tiễn.

Theo ban soạn thảo, với sự phát triển nhanh của công nghệ vô tuyến, đặc biệt các mạng di động 5G, 6G, vệ tinh quỹ đạo thấp và wifi thế hệ mới, nhu cầu sử dụng phổ tần số đang gia tăng. Do đó, cần điều chỉnh quy hoạch nhằm sẵn sàng triển khai công nghệ mới, hỗ trợ chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.

Dựa trên sự thay đổi của Thể lệ Vô tuyến điện - một điều ước của Liên minh Viễn thông Quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên, quy hoạch mới sửa đổi theo hướng cho phép di động là nghiệp vụ chính trong băng tần 600 MHz, thay vì truyền hình mặt đất.

Băng tần 3.400 - 3.560 MHz đang dùng cho Vinasat-1, nhưng vệ tinh đã hết hạn sử dụng năm 2023. Trong khi đó, các nước châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore hiện sử dụng rộng rãi băng tần này để triển khai hệ thống 5G. Do đó, dự thảo bổ sung quy định về việc dùng băng tần 3.400 - 3.560 MHz cho thông tin di động.

Tương tự với trường hợp của băng tần 6.425 - 7.125 MHz, hiện dùng cho hệ thống vệ tinh Vinasat và hệ thống truyền dẫn cố định (viba). Các thế hệ vệ tinh Vinasat mới dự kiến không dùng băng tần này nên sẽ được quy hoạch lại để có lộ trình chuyển đổi sang cho mạng 5G, 6G.

Bên cạnh việc quy hoạch lại tần số cho 5G, dự thảo cũng bổ sung tần số cho hệ thống thông tin hàng không, hàng hải qua vệ tinh và tần số cho vệ tinh địa tĩnh, phi địa tĩnh. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ nhận ý kiến góp ý cho dự thảo đến hết ngày 19/7.

Việt Nam và Mỹ chính thức đàm phán thuế quan lần 2

Từ ngày 19 - 22/5, tại Washington D.C (Mỹ), Việt Nam và Mỹ bắt đầu các phiên đàm phán lần hai của Hiệp định song phương về thương mại đối ứng giữa 2 nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ, chủ trì họp với đại diện các thành viên đoàn đàm phán và các bộ phận liên quan trước và sau ngày làm việc đầu tiên

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ, chủ trì họp với đại diện các thành viên đoàn đàm phán và các bộ phận liên quan trước và sau ngày làm việc đầu tiên

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, từ ngày 19 - 22/5 tại Washington D.C, Mỹ, đoàn đàm phán của Việt Nam do Bộ trưởng Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đã bắt đầu các phiên đàm phán với phía Mỹ.

Đoàn đàm phán còn có sự tham gia của đại diện của các bộ, ngành gồm: Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước.

Trong ngày 19/5 (giờ địa phương, tức ngày 19/5 và 20/5 giờ Hà Nội), ngày đầu tiên của phiên đàm phán, đoàn đàm phán Việt Nam và Mỹ đã dành thời gian để thảo luận về cách tiếp cận tổng thể nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản mà hai bên cùng quan tâm và đẩy nhanh quá trình đàm phán.

Bộ Công Thương cho biết, hai bên cũng trao đổi một cách cởi mở, thẳng thắn, mang tính xây dựng đối với các nhóm vấn đề mà hai bên cùng quan tâm theo hướng làm rõ các nội dung về lời văn Hiệp định, cung cấp thông tin cho nhau về các chính sách hiện hành của mỗi bên để từ đó có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo.

Trước đó, ngày 16/5, tại Jeju (Hàn Quốc), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Trưởng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Jamieson Greer đã có phiên đàm phán cấp bộ trưởng trực tiếp đầu tiên về Hiệp định thương mại đối ứng giữa hai nước.

Bộ Công Thương cho biết, phiên đàm phán đã diễn ra trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, thể hiện nỗ lực cao của cả hai phía trong việc xây dựng mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư ổn định, hài hòa lợi ích, tương xứng với mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ.

TP.HCM lần đầu vào top 5 hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Đông Nam Á

Bảng xếp hạng của StartupBlink ghi nhận TP.HCM lần đầu tiên vào top 5 hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á và tăng một bậc lên vị trí 110 thế giới.

Tòa nhà Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM tại số 123 Trương Định, quận 3, chuẩn bị đi vào hoạt động

Tòa nhà Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM tại số 123 Trương Định, quận 3, chuẩn bị đi vào hoạt động

Thông tin được ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết chiều 20/5 khi dẫn bảng xếp hạng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2025 của StartupBlink.

Bảng xếp hạng StartupBlink là công cụ đánh giá uy tín toàn cầu, đo lường hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên nhiều tiêu chí. Một trong số đó là số lượng startup, chất lượng và quy mô của các nguồn lực hỗ trợ như vườn ươm, quỹ đầu tư, không gian làm việc chung, mức độ kết nối toàn cầu, chính sách địa phương, và năng lực đổi mới sáng tạo.

Lần xếp hạng này TP.HCM tăng một bậc, lên vị trí 110 thế giới, mức cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên TP.HCM góp mặt trong top 5 hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á. Thành phố tiếp tục là đầu tàu của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đồng thời được đánh giá có tiềm năng phát triển bền vững và mang tầm khu vực.

Theo StartupBlink, TP.HCM thăng hạng toàn cầu 4 năm liên tiếp, đặc biệt trong lĩnh vực Fintech với tốc độ tăng trưởng cao và hiện đứng Top 30 toàn cầu về Blockchain - hạng 2 khu vực Đông Nam Á. Thành phố là trung tâm khởi nghiệp sôi động và năng động nhất Việt Nam. Những năm gần đây, TP.HCM phát triển mạnh mẽ về hạ tầng hỗ trợ và đang dần trở thành điểm đến đáng chú ý trong khu vực châu Á với cộng đồng startup năng động và sáng tạo.

Ông Lâm Đình Thắng cho biết, việc tăng hạng năm nay không chỉ phản ánh nỗ lực liên tục của thành phố trong việc cải thiện môi trường khởi nghiệp, mà còn là cơ hội để địa phương nhìn nhận, định vị lại vị trí của TP.HCM trong mặt bằng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.

"Việc thăng hạng trên bảng xếp hạng của Startup Blink là một sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM", ông Thắng nói.

Hà Nội sẽ dùng thẻ vé liên thông đi tàu điện, xe buýt

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hệ thống thẻ vé liên thông các loại hình vận tải công cộng như tàu điện, xe buýt ở Thủ đô dự kiến khai trương vào ngày 2/9.

Hành khách đi tàu điện Nhổn - ga Hà Nội

Hành khách đi tàu điện Nhổn - ga Hà Nội

Tại Tọa đàm "Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại" sáng 20/5, ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ năm 2024, UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương triển khai vé điện tử liên thông đa phương thức ở Hà Nội bằng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Thời gian thuê dự kiến từ năm 2025 - 2030.

Theo kế hoạch, ngày 2/9 Sở Xây dựng Hà Nội sẽ khai trương hệ thống thẻ vé liên thông. Hệ thống không chỉ liên thông với vận tải hành khách công cộng mà còn với thu phí tự động, các bến, bãi đỗ xe; hướng tới kết nối nhiều dịch vụ giao thông trên toàn quốc. Thẻ vé liên thông sẽ được tích hợp với các thẻ thanh toán quốc tế như Visa.

Ông Hải cho biết, vấn đề khó khăn là cần tạo thói quen sử dụng thẻ vé điện tử, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi khi tham gia vận tải khách công cộng. Khi hệ thống thẻ vé liên thông vận hành thì khoảng 4.000 lao động trên 2.000 xe buýt dư thừa vì không phải bán vé, cần sắp xếp công việc cho số lao động này.

Ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Metro Hà Nội, chỉ ra bất cập hiện nay là thẻ vé của hai tuyến tàu điện Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông chưa liên thông được với nhau, hành khách đi tuyến nào sẽ phải mua vé riêng tuyến đó. Hai hệ thống thu soát vé tự động của hai tuyến hoạt động đơn tuyến rất tin cậy, xử lý thông tin chính xác và tốc độ đóng mở cửa nhanh.

"Chúng tôi mong là có thể liên thông giữa các tuyến đường sắt đô thị với nhau, liên thông giữa đường sắt đô thị với xe buýt. Công cụ thanh toán thông minh sẽ giúp người dân không phải sử dụng tiền mặt để mua vé", ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho biết, hiện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) là đơn vị chủ lực phối hợp với các thành phố, bộ ngành thực hiện phương án sử dụng VNeID để mua vé tàu điện, dự kiến 15/9 phải đưa hệ thống vào hoạt động.

Cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM - Đồng Nai sẽ khai thác cuối tháng 6/2025

Cầu Nhơn Trạch trên Vành đai 3, nối TP.HCM với Đồng Nai, dự kiến hoàn thành cuối tháng 6, vượt tiến độ ba tháng, mở thêm hướng kết nối liên vùng Đông Nam Bộ.

Hiện trạng cầu Nhơn Trạch

Hiện trạng cầu Nhơn Trạch

Thông tin được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư thuộc Bộ Xây dựng cho biết chiều 20/5. Công trình hiện đạt khoảng 96% khối lượng, đang hoàn thiện các hạng mục cuối để đưa vào sử dụng. Trước đó, từ dịp lễ 30/4 cầu Nhơn Trạch đã thông xe kỹ thuật, hoàn tất thảm bêtông nhựa cùng lắp đặt hệ thống lan can, chiếu sáng...

Phần đường dẫn hai đầu cầu đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục chính, tạo kết nối liên thông từ đầu tuyến phía Đồng Nai sang TP.HCM, nối vào cao tốc Long Thành - Dầu Giây.

"Dù tiến độ dự án đang vượt so với hợp đồng nhưng các nhà thầu vẫn tranh thủ tối đa thời gian còn lại của mùa khô, tập trung thi công các hạng mục khác để hoàn thành toàn bộ công trình cuối tháng 6 tới", đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết.

Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, dài hơn 2 km, rộng 19,5 m, là gói thầu chính của Dự án thành phần 1A thuộc Vành đai 3 TP.HCM. Đây cũng là cây cầu lớn nhất trên tuyến vành đai này. Gói thầu còn lại của Dự án thành phần 1A là đường dẫn hai đầu cầu, tổng chiều dài gần 6 km.

Khởi công tháng 9/2022, Dự án thành phần 1A có tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng, từ vốn vay ODA Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) cùng nguồn đối ứng trong nước.

Trước đó, công trình gặp nhiều khó khăn do vướng giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhưng vẫn thi công vượt tiến độ được xem là điểm sáng. Khi đưa vào khai thác, công trình kết nối Tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM), mở thêm hướng đi mới cho xe qua lại giữa 2 địa phương.

Quảng Ngãi muốn đầu tư 900 tỷ đồng làm đường sắt kết nối Dung Quất

Tỉnh Quảng Ngãi đề xuất đầu tư 900 tỷ đồng xây tuyến đường sắt 14 km, nối ga Trì Bình với cảng Dung Quất để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng.

Một góc Khu kinh tế Dung Quất

Một góc Khu kinh tế Dung Quất

Kiến nghị bổ sung Dự án tuyến nhánh đường sắt Trì Bình - Dung Quất vào Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 vừa được UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi Bộ Xây dựng.

Công trình dài khoảng 14 km, bắt đầu từ ga Trì Bình (xã Bình Nguyên) và kết thúc tại ga cảng Dung Quất (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn). Dự kiến, Dự án sẽ khởi công vào năm 2026 và hoàn thành năm 2028. Tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt quốc gia, bao gồm các hạng mục cầu cạn, cầu vượt sông.

Tuyến đường sắt mới được kỳ vọng sẽ giảm áp lực lên giao thông đường bộ, nâng cao hiệu quả vận chuyển và giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Khu kinh tế Dung Quất đang phát triển nhanh, kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng lớn. Hiện, việc vận chuyển hàng hóa chủ yếu dựa vào đường bộ, sau đó tập kết tại cảng để xuất đi bằng đường biển. Mặc dù tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy gần cảng Dung Quất, nhưng lại thiếu kết nối trực tiếp, gây tăng chi phí vận chuyển và làm hạn chế tính đồng bộ của hạ tầng logistics.

Dự báo đến năm 2030, tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của Tỉnh sẽ đạt 47 - 48 triệu tấn mỗi năm, trong đó riêng cảng Dung Quất chiếm khoảng 80%, tương đương gần 39 triệu tấn. Ước tính, khoảng 2,7 triệu tấn hàng hóa trong số này có thể được vận chuyển bằng đường sắt.

Đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng làm đường nối cao tốc Trung Lương với TP. Gò Công

Đường tỉnh 877C nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương đi TP. Gò Công tổng mức đầu tư hơn 3.550 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 6 năm.

Nút giao Quốc lộ 1, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại ngã tư Lương Phú (Châu Thành) thường kẹt xe vào lễ, tết

Nút giao Quốc lộ 1, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại ngã tư Lương Phú (Châu Thành) thường kẹt xe vào lễ, tết

Dự án Đường tỉnh 877C vừa được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Công trình có điểm đầu kết nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại nút giao Quốc lộ 1 (ngã tư Lương Phú, Châu Thành); điểm cuối giao Quốc lộ 50 và Đường tỉnh 871B tại TP. Gò Công.

Đường dài hơn 38 km, nền đường rộng 12 m đi qua các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây và TP Gò Công. Dự án gồm 2 thành phần, trong đó, kinh phí xây dựng khoảng 2.250 tỷ đồng, còn lại là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng từ nguồn ngân sách trung ương và Tỉnh.

Công trình sẽ được triển khai trong năm nay, dự kiến hoàn thành vào năm 2030.

Hiện, ôtô từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận sau khi qua trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa sẽ theo đường dẫn đến ngã tư Lương Phú rẽ Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 đi TP Gò Công. Vào các ngày lễ, tết đoạn Quốc lộ 1 qua huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho thường xảy ra ùn tắc gây khó khăn cho phương tiện.

Khi Đường tỉnh 877C hoàn thành sẽ góp phần "chia lửa" cho Quốc lộ 1 và Quốc lộ 50. Xe sau khi xuống cao tốc có thể đi thẳng đến TP. Gò Công, rút ngắn khoảng cách khoảng 5 km và tiết kiệm thời gian.

Tin cùng chuyên mục