Bản tin thời sự sáng 2/2

(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khởi công cao tốc nối TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước; Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vượt tiến độ, khai thác đúng dịp 30/4/2025; Bình Dương thu hút 1,2 tỷ USD vốn FDI trong dịp đầu năm 2025; ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 29 tỷ USD trong năm nay…

Khởi công cao tốc nối TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước

52 km thuộc cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua địa bàn Bình Dương với vốn đầu tư 17.500 tỷ đồng được khởi công sáng 1/2.

Phối cảnh Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Phối cảnh Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua Bình Dương bắt đầu từ Đường tỉnh 743 qua TP. Thuận An đến đoạn giáp ranh Bình Phước dài 52 km. Trong đó, có 45,6 km cao tốc đầu tư mới và 6,5 km đường dẫn cao tốc giữ nguyên theo hiện trạng đi trùng Đường tỉnh 743.

Dự án được quy hoạch với quy mô 6 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h. Trong giai đoạn 1, tuyến đường được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), quy mô 4 làn xe cao tốc, làn dừng xe khẩn cấp liên tục toàn tuyến, bề rộng nền đường 25,5 m, tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng.

Công trình do Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) - Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC) - Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex Bình Phước - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đầu tư xây dựng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng gần 8.300 tỷ đồng do ngân sách nhà nước chi trả.

Trước đó, 6,6 km qua Bình Phước được khởi công vào cuối năm 2024. Trong khi đoạn qua TP.HCM dài 1,7 km với vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng đang được rà soát bố trí nguồn vốn thực hiện.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, tuyến cao tốc khi khai thác sẽ kết nối từ đường Vành đai 3 TP.HCM đến thị xã Chơn Thành (Bình Phước), tạo động lực phát triển cho khu vực Đông Nam Bộ, mở rộng không gian đô thị và công nghiệp, liên kết vùng.

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vượt tiến độ, khai thác đúng dịp 30/4/2025

Chiều 1/2 (tức mùng 4 Tết Ất Tỵ), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới động viên, tặng quà Tết cán bộ, công nhân trên công trường và kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy tiến độ Dự án Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Thủ tướng lưu ý các cơ quan tính toán kỹ việc khai thác các nhà ga T1, T2, T3 của sân bay Tân Sơn Nhất hợp lý, hiệu quả nhất, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không

Thủ tướng lưu ý các cơ quan tính toán kỹ việc khai thác các nhà ga T1, T2, T3 của sân bay Tân Sơn Nhất hợp lý, hiệu quả nhất, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không

Trong những ngày đầu Xuân, Thủ tướng Chính phủ đang có chương trình công tác khởi công, kiểm tra các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Phạm Minh Chính tới công trường để kiểm tra, đôn đốc dự án này (không tính lần khởi công Dự án).

Dự án Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 10.986 tỷ đồng; quy mô xây dựng 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, diện tích 112.500 m2 với lưu lượng vận chuyển 20 triệu hành khách/năm, tương ứng với 7.000 hành khách/giờ cao điểm. Nhà ga T3 được kết nối bằng 11 cầu ống lồng dẫn khách.

Dự án được khởi công tháng 8/2023, đến thời điểm hiện nay, các công việc chính đã cơ bản hoàn thành, tổng khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 83%; phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình, đưa nhà ga vào khai thác đúng dịp 30/4/2025 (vượt tiến độ khoảng 3 tháng).

ACV báo cáo, việc triển khai thi công Dự án kiểm soát được tiến độ, không có khó khăn, vướng mắc. Các cơ quan liên quan đang hướng dẫn, kiểm tra các thủ tục nghiệm thu công trình, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, cấp phép khai thác công trình.

Dự kiến hạng mục cầu tầng hoàn thành ngày 20/2/2025; hệ thống thang máy, thang cuốn hoàn thành lắp đặt toàn bộ trong tháng 2/2025; hệ thống cầu ống lồng hoàn thành trong tháng 1/2025; hệ thống băng tải hành lý hoàn thành trong tháng 2/2025; hệ thống máy soi dự kiến hoàn thành trong tháng 2/2025.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất là một trong 50 công trình của Thành phố chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025).

Bình Dương thu hút 1,2 tỷ USD vốn FDI trong dịp đầu năm 2025

Trong những ngày đầu năm mới, Bình Dương đã thu hút được 1,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nâng tổng vốn FDI năm 2024 và trong tháng 1 năm 2025 lên hơn 3 tỷ USD.

Lũy kế đến thời điểm hiện tại, Bình Dương có 4.400 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 42,5 tỷ USD

Lũy kế đến thời điểm hiện tại, Bình Dương có 4.400 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 42,5 tỷ USD

Bình Dương tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư ngay từ những ngày đầu năm mới. Trong khuôn khổ Lễ khởi công Dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ trao giấy phép đầu tư cho nhiều dự án quan trọng.

Cụ thể, tỉnh Bình Dương đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 9.240 căn hộ, tổng mức đầu tư lên đến 8.468 tỷ đồng. Trong số đó, có 4 dự án do Tổng công ty Becamex IDC thực hiện và 3 dự án nhà ở xã hội khác gồm: Khu nhà ở xã hội Toàn Mỹ, Khu nhà ở xã hội Thái Dương và Chung cư - nhà ở xã hội Thanh Bình.

Bên cạnh đó, Tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án có vốn FDI tiêu biểu với tổng vốn đăng ký hơn 1,2 tỷ USD. Với khoản đầu tư này, tổng vốn FDI vào Bình Dương trong năm 2024 và tháng 1/2025 đã vượt mốc 3 tỷ USD. Song song đó, tổng vốn đầu tư trong nước đạt 90.236 tỷ đồng, tương đương 3,6 tỷ USD.

Lũy kế đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Dương có 4.400 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 42,5 tỷ USD. Đồng thời, Tỉnh cũng có hơn 74.000 doanh nghiệp trong nước hoạt động với tổng vốn đầu tư lên đến 812.000 tỷ đồng.

Ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 29 tỷ USD trong năm nay

Năm 2025, ngành da giày đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD.

Trong chuỗi cung ứng da giày thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 3 về sản xuất với 1,4 tỷ đôi/năm

Trong chuỗi cung ứng da giày thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 3 về sản xuất với 1,4 tỷ đôi/năm

Hiện trong chuỗi cung ứng da giày thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 3 về sản xuất với 1,4 tỷ đôi/năm, sau Trung Quốc và Ấn Độ; đứng thứ 2 về xuất khẩu với 1,3 tỷ đôi/năm, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2024, các thị trường xuất khẩu của ngành da giày đều có sự tăng trưởng tốt.

Một số thị trường lớn như Mỹ, EU giữ được mức tăng hơn 10%. Theo các chuyên gia, cơ hội và tiềm năng phát triển ngành da giày và túi xách Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, xuất khẩu da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn bởi xu hướng “xanh hóa” trên thế giới ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu.

Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong ngành da giày, bao gồm lực lượng lao động dồi dào với chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là việc thu hút được doanh nghiệp FDI. Tuy vậy, doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế để đáp ứng các yêu cầu về “xanh hóa”, tiếp cận các nguồn năng lượng bền vững, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Theo Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách đạt 38 - 40 tỷ USD vào năm 2030.

Ngành rau quả Việt Nam hướng tới mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD năm 2025

Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe là những yếu tố giúp xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 7,2 tỷ USD trong năm 2024.

Ngành rau quả Việt Nam cần khắc phục điểm yếu về chất lượng và sự an toàn của sản phẩm

Ngành rau quả Việt Nam cần khắc phục điểm yếu về chất lượng và sự an toàn của sản phẩm

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường quốc tế đang mở ra cơ hội lớn cho ngành rau quả trong năm 2025.

Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD năm nay, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, bên cạnh khắc phục những điểm yếu về chất lượng và sự an toàn của sản phẩm, cần tìm kiếm những công nghệ sau thu hoạch tốt nhất nhằm giảm bớt thiệt hại, hạ giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Bình đề xuất: “Nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho ngành rau, quả tiếp tục phát triển và phát triển mạnh hơn. Thứ hai là đẩy mạnh đàm phán để nhiều mặt hàng rau, quả khác của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn, truyền thống và thúc đẩy mở rộng thêm thị trường mới cho rau, quả. Thứ ba là tiếp tục hỗ trợ người sản xuất xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số để tăng năng lực xuất khẩu của ngành rau, quả Việt Nam. Thứ tư là xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia đối với các loại rau, quả xuất khẩu chủ lực”.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm Hà Nội tăng 16%

Nhóm ngành F&B mở rộng hoạt động, nguồn cung hạn chế khiến giá thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm Hà Nội tăng 16% trong năm ngoái.

Trung tâm mua sắm, giải trí Lotte Mall West Lake Hanoi

Trung tâm mua sắm, giải trí Lotte Mall West Lake Hanoi

Trong báo cáo thị trường mới đây, hãng dịch vụ bất động sản CBRE cho biết, mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội tiếp tục tăng trưởng về nguồn cung và giá thuê. Năm ngoái, thị trường đón gần 25.000 m2 diện tích cho thuê mới đến từ hai trung tâm thương mại mới gồm The Linc Park City, quận Hà Đông và The Diamond Plaza, quận Thanh Xuân.

Giá thuê trung bình ở các quận trung tâm Hà Nội đạt gần 173 USD (khoảng 4,3 triệu đồng) mỗi m2 một tháng, tăng 16,2% so với 2023. Tương tự, khu vực ngoài trung tâm cũng tăng giá thuê thêm 10% theo năm, trung bình 37,3 USD mỗi m2.

Ghi nhận diễn biến tương tự, đơn vị nghiên cứu Avison Young cho biết, hiện nay, tổng diện tích bán lẻ tại Hà Nội đã vượt 1 triệu m2, trong đó trung tâm thương mại chiếm ưu thế với 85% thị phần. Bên cạnh dự án quy mô lớn, không gian bán lẻ cũng có xu hướng mở rộng tại khối đế tòa chung cư và văn phòng.

Tính đến quý IV/2024, giá thuê mặt bằng bán lẻ ở Thủ đô dao động 37 - 140 USD mỗi m2 với khu vực trung tâm. Còn khu vực ngoài trung tâm nằm trong khoảng 20 - 88 USD mỗi m2. Tỷ lệ lấp đầy cả hai khu vực giữ ở mức 86% và 78%. So với năm 2023, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy trung bình trong năm tăng trưởng tích cực, thậm chí tăng đến 5% tại một số khu vực ngoài trung tâm.

Giá chung cư khu Đông tăng cao nhất TP.HCM

Tốc độ tăng giá căn hộ khu Đông đạt trung bình 18,3%, cao hơn 3,2% so với mức tăng trưởng của toàn thị trường TP.HCM.

Bất động sản khu đô thị Thủ Thiêm, khu vực ven sông Sài Gòn

Bất động sản khu đô thị Thủ Thiêm, khu vực ven sông Sài Gòn

Báo cáo từ đơn vị nghiên cứu thị trường One Housing (Techcombank) cho thấy, năm qua, giá bán sơ cấp căn hộ toàn TP.HCM trung bình khoảng 84 triệu đồng mỗi m2, tăng 15% so với cùng kỳ 2023. Riêng khu Đông (TP. Thủ Đức, nơi đang có tốc độ tăng giá cao nhất toàn khu vực), trung bình đạt trên 100 triệu đồng mỗi m2, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2023.

Theo One Housing, trong giai đoạn 2021 - 2023, căn hộ TP.HCM luôn duy trì mức tăng giá trung bình là 12%, còn khu Đông là 13 - 15% tùy khu vực. Tuy nhiên, năm 2024, cả Thành phố nói chung và khu Đông nói riêng đều ghi nhận tốc độ tăng đột biến do thiếu hụt nguồn cung và chịu ảnh hưởng từ sự bùng nổ mạnh mẽ của rổ hàng bất động sản hạng sang và siêu sang.

Theo đó, năm qua, TP.HCM có khoảng 5.200 căn hộ chào bán mới (mở bán lần đầu), 90% là hàng cao cấp. Khu Đông chiếm 72% tổng nguồn cung và hơn 40% trong đó là sản phẩm thuộc phân khúc hạng sang và siêu sang, giá 120 - 450 triệu đồng mỗi m2, còn lại hầu hết cũng là nhà cao cấp, giá trên 55 triệu đồng mỗi m2. Dù giá cao nhưng tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới các dự án tại khu Đông vẫn đạt 100% trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung, đặc biệt các dự án khu vực Quận 2 (cũ) còn ghi nhận tốc độ tiêu thụ nhiều dự án trên 146%.

Cũng theo đơn vị này, năm qua, khu Nam TP.HCM là địa bàn có tốc độ tăng trưởng giá nhà thấp nhất Thành phố, với mức tăng vào khoảng 5,6%, tiếp theo là khu Tây với mức tăng 8,2% so với năm trước.

Khách Trung Quốc đến Việt Nam dịp Tết tăng 35%

Lượng khách Trung Quốc đặt vé đến Việt Nam dịp Tết Nguyên đán tăng gần 35% so với năm ngoái và gần 70% so với năm 2019.

Đoàn khách Trung Quốc đến thăm Ninh Bình ngày mùng một Tết

Đoàn khách Trung Quốc đến thăm Ninh Bình ngày mùng một Tết

Theo dữ liệu từ Công ty phân tích hàng không VariFlight, dịp Tết Nguyên đán, lượng khách Trung Quốc đặt vé đến Việt Nam tăng gần 35% so với cùng kỳ 2024 và tăng 70% so với 2019. Nhật Bản, Malaysia là các quốc gia có lượng khách Trung Quốc đặt vé tăng nhiều nhất so với năm ngoái, với con số lần lượt là 86% và 79%.

Tuy nhiên dịp cận Tết, các nước Đông Nam Á chứng kiến lượng khách Trung Quốc sụt giảm, hủy đặt vé mạnh do ảnh hưởng vụ diễn viên Vương Hưng được giải cứu khỏi tổ chức lừa đảo ở biên giới Thái Lan - Myanmar. Theo số liệu đặt vé từ ngày 13/1 đến 20/1, lượng đặt phòng của khách Trung Quốc đến Thái Lan dịp Tết Nguyên đán giảm gần 16% so với một tuần trước đó.

Hậu quả cũng lan sang các quốc gia khác ở Đông Nam Á khi du khách Trung Quốc hủy nhiều kỳ nghỉ tới Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, theo dữ liệu từ Công ty phân tích hàng không VariFlight. Theo đó, lượng khách đặt vé đến Việt Nam dịp Tết trong tuần trước Tết giảm 7,7%.

Theo dữ liệu của Công ty tiếp thị China Trading Desk, lượng đặt vé máy bay đến Việt Nam tăng gần 70%, Singapore tăng 14,2% và đến Malaysia tăng 6,2% so với mức năm 2019. Hàn Quốc cũng dự kiến lượng khách du lịch Trung Quốc phục hồi hoàn toàn trong kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, Nhật Bản, điểm đến hàng đầu cho du khách Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, giảm 10% so với năm 2019.