Lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ
Trong tuần đầu tháng 4, lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại như MB, VPBank... tiếp tục giảm nhẹ.
![]() |
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng |
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã giảm 0,1%/năm đối với lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12 - 18 tháng, đưa mức lãi suất xuống còn 5%/năm cho hình thức lĩnh lãi cuối kỳ.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) cũng giảm 0,1% lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đối với các sản phẩm Tiết kiệm thường, Tiết kiệm/Tiền gửi có kỳ hạn Phát Lộc Thịnh vượng, Tiết kiệm Thịnh vượng linh hoạt và Tiền gửi Prime Savings.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 25/2 đến nay, đã có 26 ngân hàng thương mại trong nước điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1 - 1,05%/năm theo từng kỳ hạn. Danh sách này bao gồm: Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB)...
Mặc dù lãi suất chung trên thị trường đang có xu hướng giảm, một số ngân hàng vẫn duy trì các chương trình lãi suất ưu đãi cho khách hàng gửi số tiền lớn, với mức lãi suất cao nhất lên tới 9,65%/năm. Hiện tại, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đứng đầu với lãi suất 9,65%/năm áp dụng cho khoản tiền gửi từ 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng triển khai lãi suất 9%/năm cho các khoản gửi từ 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn từ 12 - 13 tháng.
Các ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng số Vikki Bank, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)... cũng niêm yết lãi suất trên 6%/năm với các điều kiện cụ thể. Đơn cử, HDBank áp dụng lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng đối với các khoản gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Vikki Bank đưa ra mức lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, yêu cầu số tiền gửi tối thiểu 999 tỷ đồng.
TP.HCM sẽ giải tỏa 61 hộ dân xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
TP.HCM dự kiến sẽ giải tỏa 61 hộ dân để triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, kéo dài 13,64 km qua địa bàn Thành phố.
![]() |
Ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM) nằm gần nút giao An Phú |
Ngày 6/4, theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua địa bàn TP. Thủ Đức (TP.HCM) có tổng chiều dài khoảng 13,64 km.
Điểm đầu của tuyến nằm tại phường Long Phước (TP. Thủ Đức), giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, và điểm cuối tại phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Tuyến đường này sẽ chạy song song với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đi qua nút giao thông An Phú trên đường Mai Chí Thọ trước khi rẽ vào ga Thủ Thiêm.
Dự án sẽ thu hồi khoảng 110,6 ha đất, trong đó khoảng 20,7 ha là đất trồng cây lâu năm, 0,86 ha là đất ở đô thị, và phần còn lại là đất thuộc các mục đích khác. Đặc biệt, Dự án cần giải tỏa 61 hộ dân nằm trên tuyến đường sắt.
Ga Thủ Thiêm sẽ là ga cuối cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ga này có diện tích 17,2 ha, tọa lạc tại phường An Phú, TP. Thủ Đức. Ga Thủ Thiêm được xác định là trung tâm giao thông quan trọng, kết nối ba tuyến đường sắt lớn: tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến Metro số 2 giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm).
Với vị trí chiến lược nằm giữa hai trục đường lớn là đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của, ga Thủ Thiêm không chỉ là điểm giao thương quan trọng mà còn sẽ là biểu tượng mới cho Khu đô thị Thủ Thiêm.
Đây cũng là vị trí đắc địa, ngay đầu tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và gần nút giao thông An Phú, khu vực này sẽ trở thành trung tâm kết nối giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541 km, nối liền thủ đô Hà Nội và TP.HCM.
Tuyến đường này sẽ đi qua 20 tỉnh thành, trong đó điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Hưng Yên có thêm 19 dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động
Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có thêm 19 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động mới.
![]() |
Hưng Yên có thêm 19 dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động |
Tính đến nay, tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt 632 dự án, với tổng số vốn đăng ký hơn 8,56 tỷ USD.
Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như: Công nghiệp công nghệ cao, điện tử, tin học, cơ khí chính xác, công nghiệp nhẹ, các ngành sản xuất, kinh doanh khác phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của Tỉnh.
Các quốc gia có nhiều dự án đầu tư là: Nhật Bản có 180 dự án, Hàn Quốc có 162 dự án, Trung Quốc có 183 dự án…
Theo tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên, năm 2024, Tỉnh thu hút được 180 dự án đầu tư (109 dự án trong nước và 71 dự án nước ngoài), với tổng vốn đầu tư hơn 61 nghìn tỷ đồng và hơn 1,5 tỷ USD, tăng 135% so với năm 2023.
Hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 2.371 dự án còn hiệu lực; trong đó, có 1.755 dự án trong nước và 616 dự án nước ngoài, có tổng vốn đăng ký hơn 370 nghìn tỷ đồng và hơn 8,5 tỷ USD.
Tỉnh Hưng Yên có 17 khu công nghiệp đã được quy hoạch, với tổng diện tích khoảng 4.395 ha; trong đó, có 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp đã cho thuê khoảng 2.596 ha đất để triển khai các dự án đầu tư.
Thu hồi đất của 1.394 hộ để làm 45,6 km đường cao tốc qua tỉnh Bình Dương
Các địa phương đang khẩn trương đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
![]() |
Phối cảnh giai đoạn 1 dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành |
Theo UBND tỉnh Bình Dương, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ dự án thành phần 1 đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Dự án thành phần 1 có tổng mức đầu tư 8.283 tỷ đồng, trong năm 2025 cần bố trí 8.000 tỷ đồng để thực hiện Dự án (4.000 tỷ đồng vốn Trung ương và 4.000 tỷ đồng vốn địa phương).
Nhà đầu tư đề xuất thực hiện Dự án đã hoàn thành bàn giao 100% ranh mốc giải phóng mặt bằng cho các trung tâm phát triển quỹ đất và địa phương để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tổng số trường hợp bị ảnh hưởng phải thu hồi để làm Dự án là 1.394 hộ dân và 17 tổ chức. Dự kiến tái định cư 194 trường hợp. Thành phố Tân Uyên và huyện Phú Giáo là hai địa phương có nhiều trường hợp bị ảnh hưởng và diện tích đất cần thu hồi lớn nhất.
Đoạn đi qua thành phố Tân Uyên có 929 trường hợp ảnh hưởng, diện tích cần thu hồi khoảng 129 ha. Địa phương đang ra thông báo thu hồi đất, tổ chức đo đạc và kiểm đếm các trường hợp bị ảnh hưởng. Dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II/2025.
Đoạn đi qua địa bàn huyện Phú Giáo có 678 trường hợp và 8 tổ chức bị ảnh hưởng, diện tích đất thu hồi khoảng 224 ha. Việc đo đạc kiểm đếm để thu hồi sẽ hoàn thành trong quý II/2025. Các địa phương còn lại cũng đang tiến hành công tác đo đạc, kiểm đếm để giải phóng mặt bằng.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương, có tổng chiều dài khoảng 52 km. Đường cao tốc được quy hoạch với quy mô 6 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Trong giai đoạn 1, Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, với quy mô 4 làn xe cao tốc, làn dừng xe khẩn cấp liên tục toàn tuyến, bề rộng nền đường 25,5 m, tổng mức đầu tư khoảng 17.400 tỷ đồng. Tỉnh Bình Dương đã tổ chức khởi công xây dựng đoạn 45,6km.
Hải Phòng đứng đầu toàn quốc về chỉ số cải cách hành chính
Theo công bố của Bộ Nội vụ ngày 6/4, TP. Hải Phòng đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index 2024), Cao Bằng đứng cuối bảng.
![]() |
Công viên Hải Phòng |
TP. Hải Phòng đạt 96,17/100 điểm, đứng đầu bảng, tăng một bậc so với xếp hạng năm 2023. Đây là lần thứ hai Hải Phòng dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính, sau lần đầu năm 2021. Trong 13 lần xếp hạng, Hải Phòng 12 năm liên tiếp nằm trong top 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính.
Hải Phòng là địa phương duy nhất cả nước đạt tăng trưởng hai con số liên tiếp trong 10 năm qua. Năm 2024, địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 4,7 tỷ USD, gấp 2,35 lần kế hoạch.
Xếp thứ hai là Bà Rịa - Vũng Tàu, tăng ba bậc so với năm 2023. Địa phương có mức độ hài lòng của người dân về chất lượng cung cấp dịch vụ công thuộc nhóm cao nhất cả nước, tiên phong miễn 100% học phí cho học sinh phổ thông. Năm 2024, địa phương tăng trưởng GRDP đạt 11,72%, cao nhất 10 năm qua; thu hút FDI đạt 2 tỷ USD, gấp hơn hai lần năm 2023.
Năm 2024, Hà Nội xếp thứ ba về chỉ số cải cách hành chính; Quảng Ninh thứ tư; Thái Nguyên thứ năm.
Đứng cuối bảng xếp hạng là Cao Bằng, tụt ba bậc so với một năm trước. Nhóm xếp cuối bảng còn có Lâm Đồng, Gia Lai, Bắc Kạn, Bạc Liêu.
Bộ Nội vụ cho hay, chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88,37%. Tất cả địa phương đều đạt chỉ số cải cách hành chính trên 80%.
Bình Thuận có chỉ số cải cách hành chính tăng cao nhất, trong khi đó Lai Châu tăng thấp nhất.
Kết quả nêu trên dựa trên 85.600 phiếu đánh giá được phát ra, trong đó có 36.525 người dân để đo lường mức độ hài lòng; 49.159 phiếu điện tử. Nhóm khảo sát là cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý tại các bộ, địa phương, hội, hiệp hội.
Chỉ số cải cách hành chính được đánh giá trên 8 lĩnh vực, với 38 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần; tổng điểm đánh giá là 100.
Tiêu thụ căn hộ TP.HCM giảm mạnh
Quý I, tỷ lệ hấp thụ căn hộ tại TP.HCM chỉ đạt 16%, giảm sâu so với mức tiêu thụ bình quân 63% ghi nhận trong năm 2024.
![]() |
Bất động sản khu Tây TP.HCM, với các dự án chung cư, nhà phố, đất nền thuộc huyện Bình Chánh |
Theo báo cáo từ hãng tư vấn bất động sản Knight Frank Việt Nam, quý I, thị trường căn hộ TP.HCM ghi nhận sự trầm lắng cả cung lẫn cầu. Nguồn cung mới xuống mức thấp nhất trong 5 năm và thanh khoản cũng sụt giảm so với quý trước đó.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm, toàn Thành phố chỉ ghi nhận 689 căn hộ được bán ra thành công. Tỷ lệ hấp thụ đạt 16%, giảm gần 47% so với mức tiêu thụ trung bình ghi nhận năm 2024 và quay về bằng với sức mua thời điểm đầu năm ngoái (khi thị trường còn trầm lắng).
Không chỉ sức hấp thụ của thị trường thấp, quý vừa qua, TP.HCM cũng có số lượng sản phẩm mở bán mới thấp nhất kể từ năm 2020 đến nay. Thành phố chỉ có 619 căn hộ mở bán mới (chủ đầu tư mở bán lần đầu) cùng với hơn 3.600 sản phẩm tồn kho từ các đợt mở bán trước đó, tổng nguồn cung sơ cấp vào khoảng 4.200 căn hộ.
Diễn biến tương tự cũng được ghi nhận bởi Công ty tư vấn thị trường DKRA Group. Theo đơn vị này, trong quý I, TP.HCM có khoảng hơn 6.800 căn hộ mở bán sơ cấp (gồm sản phẩm mới và hàng tồn kho), nhưng chỉ có khoảng 1.000 căn hộ được chào bán thành công, tỷ lệ tiêu thụ đạt 15% trên tổng nguồn cung. Con số này giảm gần 60% so với lượng tiêu thụ ghi nhận ở quý IV/2024. Phần lớn sức mua rơi vào các dự án mở bán mới, trong khi rổ hàng tồn kho tiếp tục bị "chê" do giá bán cao và phần nhiều là căn diện tích lớn, vị trí không đẹp.
Lý giải yếu tố khiến thanh khoản căn hộ TP.HCM giảm sâu trong quý I, các đơn vị nghiên cứu cho là do rổ hàng mở bán đầu năm kém đa dạng, phần lớn là sản phẩm cũ với giá cao khiến người mua chưa thực sự hào hứng.
Theo Knigh Frank, quý vừa qua 80% sản phẩm bán thành công rơi vào rổ hàng mới, ra mắt lần đầu tiên. Trong khi đó, giỏ hàng tồn kho chỉ tiêu thụ được khoảng 11%. Ngoài ra hơn 90% rổ hàng tồn kho chào bán sơ cấp trong quý thuộc loại trung cao cấp, phân khúc bình dân (dưới 55 triệu đồng mỗi m2) chỉ chiếm 10%.
Dự báo về thị trường căn hộ TP.HCM 3 quý tới, Knight Frank cho biết, Thành phố dự kiến đón thêm khoảng 5.900 căn hộ mới gia nhập.
Thuế Cần Thơ chuyển công an 245 hồ sơ chuyển nhượng nhà đất nghi trốn thuế
Ngành thuế ở Cần Thơ đã chuyển 245 hồ sơ bất động sản nghi trốn thuế sang cơ quan công an; cơ quan công an đã có phản hồi 24 hồ sơ.
![]() |
Thuế Cần Thơ chuyển công an 245 hồ sơ chuyển nhượng nhà đất nghi trốn thuế. Ảnh minh họa |
Theo thông tin từ Chi cục Thuế khu vực XIX (đặt tại TP Cần Thơ), cơ quan thuế đã tiếp nhận 5.817 trường hợp chuyển nhượng bất động sản có chênh lệch giá trị chuyển nhượng giữa hợp đồng và phụ lục hợp đồng do các văn phòng công chứng cung cấp.
Cơ quan thuế cho biết, đây là công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Theo đó, trước đây, cơ quan thuế TP. Cần Thơ phát hiện nhiều trường hợp khai thuế chưa đúng theo giá trị thực tế khi chuyển nhượng bất động sản.
Cụ thể, người chuyển nhượng bất động sản làm hợp đồng và phụ lục hợp đồng có giá trị khác nhau, giá trị phụ lục hợp đồng cao hơn giá trị hợp đồng, nhằm mục đích trốn thuế.
Theo báo cáo, tổng số hồ sơ phải xử lý là 5.806 hồ sơ. Ngành thuế đã xử lý 1.229 hồ sơ. Tổng số thuế, lệ phí, tiền phạt phải nộp hơn 145,4 tỷ đồng.
Các trường hợp vi phạm đã nộp gần 130 tỷ đồng. Số hồ sơ chuyển cơ quan công an là 245, công an đã phản hồi 24 hồ sơ.
Ngành thuế cho biết, sẽ xử lý dứt điểm các hồ sơ chuyển nhượng bất động sản còn tồn động.