Bản tin thời sự sáng 9/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bổ sung hàng chục máy bay phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; Khánh Hòa duyệt quy hoạch khu công nghiệp gần 300 ha; Bộ Tài chính giao các tổng cục đề xuất tinh gọn bộ máy trước 8/12; cấp phép khai thác 200.000 m3 đất phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…

Bổ sung hàng chục máy bay phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Nhằm tăng tải cung ứng, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách những tháng cuối năm, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hãng bay đã liên tục bổ sung thêm máy bay mới.

Vietjet bổ sung thêm máy bay mới phục vụ nhu cầu người dân dịp cao điểm Tết Ất Tỵ

Vietjet bổ sung thêm máy bay mới phục vụ nhu cầu người dân dịp cao điểm Tết Ất Tỵ

Theo kế hoạch, Vietnam Airlines dự kiến bổ sung 5 máy bay (thuê khô và thuê ướt).

Còn hãng hàng không Vietjet, cũng tiếp nhận máy bay thế hệ mới A321neo ACF (Airbus Cabin Flex). Máy bay đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sau hành trình từ nhà máy Airbus tại Hamburg, Đức.

Đây là thành viên thứ 111 gia nhập đội máy bay hiện đại hàng đầu thế giới của Vietjet. Theo kế hoạch, trong tháng 12, Vietjet sẽ nhận thêm 3 máy bay mới.

Bên cạnh các máy bay mới nhận, Vietjet cũng cho biết dự kiến thuê ướt ngắn hạn thêm từ 6 - 10 máy bay trong dịp Tết nhằm phục vụ tối đa cho nhu cầu đi lại mùa cao điểm của người dân và du khách.

Trước đó, vào ngày 5/11, máy bay thân hẹp A320 mang số hiệu JU-1410 đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài, trở thành máy bay mới nhất gia nhập đội bay Bamboo Airways trước thềm cao điểm cuối năm.

Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam xây dựng và triển khai phương án phục vụ Tết Ất Tỵ từ sớm, kể cả phương án khai thác ban đêm nhằm phục vụ tốt nhất cho nhân dân về quê và đi lại dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Theo thống kê, trong giai đoạn cao điểm Tết, từ ngày 14/1 - 12/2/2025, các hãng hàng không Việt Nam sẽ cung ứng hơn 6,9 triệu ghế trên các đường bay quốc tế, nội địa với bình quân 227 nghìn ghế/ngày, tăng 4% so với Tết Nguyên đán 2024.

Tổng ghế cung ứng trên các đường bay nội địa xấp xỉ 4,8 triệu ghế (bình quân 160 nghìn ghế/ngày), tăng khoảng 3,5% so so với cùng kỳ năm 2024. Tổng ghế cung ứng trên các đường bay quốc tế đạt hơn 2,1 triệu ghế (bình quân gần 71 nghìn ghế/ngày), tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Khánh Hòa duyệt quy hoạch khu công nghiệp gần 300 ha

Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng nằm trong Khu kinh tế Vân Phong vừa được duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 1/2.000.

Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng nằm trong Khu kinh tế Vân Phong có tổng vốn đầu từ hơn 1.800 tỷ đồng
Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng nằm trong Khu kinh tế Vân Phong có tổng vốn đầu từ hơn 1.800 tỷ đồng

Theo đồ án quy hoạch, Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng thuộc xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh và xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa do Công ty CP Phát triển khu công nghiệp Viglacera Yên Mỹ làm chủ đầu tư. Dự án có một mặt giáp núi Đại Hàn, một mặt giáp đường gom theo quy hoạch, Quốc lộ 1A.

Quy mô Dự án gần 288 ha, trong đó, gần 204 ha là diện tích đất sản xuất công nghiệp, kho bãi với mật độ xây dựng tối đa 70%, cao tối đa 5 tầng. Khu dịch vụ hơn 4 ha gồm công trình thương mại, y tế, thể thao, nhà lưu trú công nhân, khu trưng bày sản phẩm, công viên...

Trong đó, khu dịch vụ, lưu trú, tiện ích cho chuyên gia, người lao động dự kiến bố trí phía Đông giáp đường ven biển và trục chính Đông - Tây.

Khu công nghiệp hoạt động 50 năm, dự kiến thu hút khoảng 16.000 lao động. Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng vốn đầu tư Dự án khoảng 1.800 tỷ đồng.

Khánh Hòa là một trong những thủ phủ du lịch nghỉ dưỡng ở duyên hải Nam Trung Bộ. Thị trường bất động sản khu vực này phát triển mạnh trong nhiều năm qua.

8 tháng đầu năm, Khánh Hòa thu hút được 14 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký hơn 10.600 tỷ đồng.

Bộ Tài chính giao các tổng cục đề xuất tinh gọn bộ máy trước 8/12

Bộ trưởng Tài chính giao các tổng cục trưởng nghiên cứu, đề xuất đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế của đơn vị trước ngày 8/12.

Bộ Tài chính giao các tổng cục đề xuất tinh gọn bộ máy trước 8/12

Bộ Tài chính giao các tổng cục đề xuất tinh gọn bộ máy trước 8/12

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng vừa có chỉ thị về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ này.

Trước đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 đã giao sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính, đồng thời kết thúc hoạt động của một số ủy ban, chuyển một số nhiệm vụ về Bộ Tài chính.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng cần nghiên cứu, đề xuất kết thúc mô hình tổng cục thuộc Bộ, trong đó có các đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan..., cũng như tiếp tục sắp xếp mô hình tổ chức một số đơn vị bên trong Bộ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong chỉ thị mới ban hành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần triển khai thực hiện ngay. Do đó, thủ trưởng, lãnh đạo và cấp ủy các đơn vị cần khẩn trương phổ biến, quán triệt ngay đến toàn thể đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và thực hiện nghiêm theo chủ trương của Đảng, Chính phủ.

Thủ trưởng và cấp ủy các đơn vị cần xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương, song song với việc xây dựng tinh thần đoàn kết, đồng thuận và nắm bắt tư tưởng của các công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị khi tiến hành sắp xếp để có giải pháp kịp thời.

Bộ trưởng Tài chính giao các tổng cục trưởng và tương đương thuộc Bộ rà soát, nghiên cứu, đề xuất đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế của đơn vị theo đúng chủ trương, báo cáo Bộ trước ngày 8/12.

Vụ Tổ chức cán bộ sẽ là đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức.

Cơ quan này cũng có trách nhiệm rà soát các nhiệm vụ liên quan của các đơn vị tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhiệm vụ chuyển giao từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về Bộ Tài chính để đề xuất phương án tổ chức các đơn vị vụ, cục và tương đương thuộc Bộ sau khi sắp xếp để kịp thời báo cáo Bộ trước ngày 12/12.

Cấp phép khai thác 200.000 m3 đất phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Sau nhiều tháng triển khai các thủ tục, đến nay đã có 200.000 m3 đất được phê duyệt khai thác để phục vụ thi công cao tốc qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang đối mặt với tình trạng thiếu đất đắp

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang đối mặt với tình trạng thiếu đất đắp

Liên quan đến việc cấp phép khai thác đất đắp cho Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh này đã cấp phép cho nhà thầu khai thác đất đắp ở một vị trí. Đó là tại phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa với trữ lượng khoảng 200.000 m3.

Cũng theo UBND Tỉnh, các nhà thầu đang tiếp tục rà soát vị trí khác để xin bổ sung vào hồ sơ dự án, xin cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù.

Theo tính toán, đối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhu cầu đất đắp là hơn 5,4 triệu m3. Trong đó, Dự án thành phần 1 cần gần 2,3 triệu m3, Dự án thành phần 2 cần hơn 3,1 triệu m3.

Để có nguồn đất đắp phục vụ thi công Dự án, các nhà thầu đã rà soát, đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai 3 vị trí khai thác tại thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành.

Vị trí tại xã Phước Bình (huyện Long Thành) có diện tích hơn 16 ha, trữ lượng 3,5 triệu m3. Tại trí tại phường Tam Phước và Phước Tân, thành phố Biên Hòa có diện tích hơn 15 ha với trữ lượng 1,18 triệu m3.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc qua huyện Long Thành cơ bản giải quyết được mặt bằng nhưng vẫn thiếu đất đắp.

Nhiều vị trí đã có mặt bằng sạch nhưng vẫn phải thi công cầm chừng. Do đó, Ban QLDA mong lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sớm phê duyệt các vị trí đất khác để khai thác vật liệu phục vụ cao tốc.

Nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội yêu cầu bồi thường 79 tỷ đồng

Theo cáo trạng, đại diện 56 người tử nạn và 44 người bị thương đã yêu cầu bồi thường tổng hơn 79 tỷ đồng, bao gồm thiệt hại về tài sản.

Vụ hỏa hoạn đêm 12/9/2023 khiến 56 người tử vong, 44 người bị thương

Vụ hỏa hoạn đêm 12/9/2023 khiến 56 người tử vong, 44 người bị thương

Trong vụ hỏa hoạn tại chung cư mini phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) khiến 56 người tử vong, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội truy tố 7 bị can về 2 tội danh Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, từ những sai phạm của 7 bị can, vụ cháy xảy ra vào đêm 12/9/2023 đã khiến 56 người tử vong, 44 người bị thương.

Với những người tử nạn, đại diện hợp pháp của họ yêu cầu bồi thường tổng cộng hơn 19,7 tỷ đồng, còn các nạn nhân bị thương yêu cầu bồi thường với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Về thiệt hại tài sản, những người cư trú tại tòa chung cư mini yêu cầu bồi thường tổng cộng hơn 56,6 tỷ đồng, gồm toàn bộ giá trị căn nhà, tài sản có trong căn hộ như tiền, vàng...

Tổng cộng, theo cáo trạng, các khoản bồi thường liên quan đến vụ việc là hơn 79 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, Nghiêm Quang Minh (chủ tòa nhà) đã cố tình xây dựng tòa nhà không đúng với giấy phép, tự ý thay đổi thiết kế công trình từ 6 tầng, tầng lửng và tum thang lên thành 9 tầng và 1 tum, vượt 3 tầng so với giấy phép, nâng tổng số phòng từ 33 lên 45.

Việc xây dựng này không được Minh lập hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu, quản lý về phòng cháy chữa cháy theo quy định.

Trong khi đó, 6 bị can còn lại là cựu cán bộ quản lý Nhà nước, từng có trách nhiệm và thẩm quyền trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý... các vi phạm về xây dựng, phòng cháy chữa cháy tại tòa chung cư mini trên.

Họ bị cáo buộc thiếu trách nhiệm, không kịp thời ngăn chặn và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng sau vụ hỏa hoạn.

Theo cáo trạng, từ tháng 10/2015 - 4/2016, Minh bán xong 45 căn hộ bằng hình thức ký các văn bản thỏa thuận. Đến cuối năm 2016, toàn bộ 45 căn hộ đều có người ở. Tính đến ngày 12/9/2023, có 147 cư dân sinh sống tại tòa chung cư mini này.

Cáo trạng cho biết, sau khi bán toàn bộ 45 căn hộ, Minh không cư trú tại tòa nhà, xác định quyền quản lý, sử dụng là của toàn bộ cư dân và không có trách nhiệm đối với việc cư dân sinh sống và sự vận hành của tòa nhà…

Cựu Tổng Giám đốc VEAM bị cáo buộc mua hàng trăm bộ máy về nhưng "đắp chiếu"

Ông Nguyễn Thanh Giang (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM) bị cáo buộc tự quyết định mua 305 bộ khuôn dập các chi tiết của cabin ô tô từ nước ngoài nhưng để "đắp chiếu" không có giá trị sử dụng.

Hai bị can Nguyễn Thanh Giang, Hồ Mạnh Tuấn và các thiết bị máy móc bị "đắp chiếu" của VEAM

Hai bị can Nguyễn Thanh Giang, Hồ Mạnh Tuấn và các thiết bị máy móc bị "đắp chiếu" của VEAM

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) vừa hoàn tất Kết luận điều tra, đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Giang (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM); Hồ Mạnh Tuấn - cựu Trưởng phòng kỹ thuật VEAM về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Theo Kết luận điều tra, VEAM là đơn vị có vốn nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương. Căn cứ quy định của pháp luật và điều lệ của VEAM thì việc đầu tư mua tài sản cố định phải có trong kế hoạch kinh doanh hàng năm, hoặc xây dựng kế hoạch đầu tư trình HĐQT quyết định phê duyệt.

Mặc dù vậy, trong các năm 2005 và 2011, bị can Nguyễn Thanh Giang đã tự quyết định mua 305 bộ khuôn dập các chi tiết của cabin ô tô từ nước ngoài, chỉ đạo Hồ Mạnh Tuấn hợp thức hóa hành vi vi phạm.

Kết quả điều tra xác định, 305 bộ khuôn dập được mua về để tại Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa từ năm 2004 đến nay không có giá trị sử dụng. Hành vi này gây thất thoát, lãng phí cho VEAM số tiền gần 27 tỷ đồng.

Phía cáo buộc còn cho rằng, bị can Nguyễn Thanh Giang liên quan đến những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng khu đất gần 9.000 m2 tại số 220 đường Bình Thới, Phường 14, Quận 11, TP.HCM.

Trước đó vào tháng 5/2022, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử và tuyên phạt cựu Chủ tịch HĐTV của VEAM là bị cáo Trần Ngọc Hà mức án 11 năm tù; cựu Tổng giám đốc VEAM Lâm Chí Quang mức án 8 năm tù. Những bị cáo này bị xác định có những sai phạm, gây thiệt hại cho công ty 180 tỷ đồng.

Cưỡng chế Công ty CP Đất hiếm Lai Châu trả nợ thuế hơn 140 tỷ đồng

Theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh Lai Châu, đơn vị vừa ban hành Quyết định về việc cưỡng chế nợ thuế đối với Công ty CP Đất hiếm Lai Châu do nợ thuế số tiền hơn 140 tỷ đồng.

Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - Vimico - đơn vị bị cưỡng chế thu hồi nợ thuế

Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - Vimico - đơn vị bị cưỡng chế thu hồi nợ thuế

Cụ thể, Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - VIMICO có địa chỉ tại bản Thác Cạn, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường (Lai Châu), có mã số thuế 6200010849, bị cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản để thi hành thông báo tiền thuế nợ hơn 140 tỷ đồng. Lý do doanh nghiệp nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Cục Thuế tỉnh Lai Châu yêu cầu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Lai Châu; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Lai Châu; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Tam Đường trích tiền từ tài khoản đối với Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - VIMICO để nộp vào tài khoản số 7111 mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Lai Châu.

Trường hợp số tiền trên tài khoản của Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - VIMICO tại các ngân hàng nhỏ hơn số tiền trên quyết định cưỡng chế thì các ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của người nộp thuế trong thời gian quyết định có hiệu lực. Quyết định này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày 27/11/2024.

Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - Vimico được thành lập từ năm 2008, là công ty con của Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin, có nhiệm vụ chính là thăm dò, khai thác, chế biến quặng đất hiếm mỏ Đông Pao tại huyện Tam Đường (Lai Châu). Sau hơn 6 năm thành lập, Công ty đã hoàn thành Đề án thăm dò bổ sung đánh giá toàn bộ trữ lượng mỏ đất hiếm Đông Pao - Tam Đường - Lai Châu. Ngoài ra, đơn vị này cũng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giao quản lý toàn bộ mỏ đất hiếm Đông Pao để làm cơ sở xin cấp phép khai thác mỏ và đạt được thỏa thuận hợp tác với đối tác Nhật Bản theo chủ trương của Chính phủ về việc khai thác, chế biến thân quặng F3 mỏ đất hiếm Đông Pao nhằm phát triển ngành công nghiệp đất hiếm Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục