Bảo đảm quy chuẩn môi trường trong chế biến thủy sản: Doanh nghiệp "than" khó. Ảnh minh họa: TTXVN |
Nội dung này được nhấn mạnh tại hội thảo “Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) nước thải chế biến thủy sản – nỗ lực tuân thủ của các nhà máy và các khó khăn, bất cập” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức ngày 23/10 tại Tp. Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp gặp khó
Theo VASEP, gần hai năm qua, nhiều nhà máy chế biến thủy sản gặp vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành môi trường khi áp dụng Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 11-MT:2015/BTNMT về nước thải chế biến thủy sản. Các vi phạm chủ yếu ở các nội dung vượt ngưỡng chỉ tiêu phốt-pho (P), ni-tơ (N).
Một trong những khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp là mới đầu tư hệ thống xử lý nước thải đáp ứng theo tiêu chuẩn lại bị “lệch” do có thêm chỉ tiêu phốt-pho, ni-tơ sau khi QCVN 11-MT:2015/BTNMT ra đời.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, gần đây công ty đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng xây dựng hệ thống nước thải đáp ứng các chỉ tiêu, đúng phê duyệt của cơ quan chức năng và được chuyên gia đánh giá rất tốt.
Tuy nhiên, khi so với quy chuẩn mới theo QCVN 11-MT:2015/BTNMT có thêm chỉ tiêu phốt-pho (trước đó không có) khiến công ty "trở tay" không kịp.
Theo ông Quang, để đạt tiêu chí môi trường theo quy chuẩn mới, đáp ứng chỉ tiêu phốt-pho là rất khó khăn.
Thời gian qua, công ty đã thuê các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, xử lý tiêu chí phốt-pho đạt chuẩn nhưng chưa có giải pháp phù hợp.
Hiện nếu để đạt chỉ tiêu này, tính ra công ty phải mất 3.000 đồng cho 1 kg thành phẩm. Hiện mỗi năm công ty xuất khoảng 50.000 tấn thành phẩm thì chi phí quá cao, khó cạnh tranh với các nước.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét, các cơ sở đang hoạt động đều đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đúng theo QCVN 11:2008/BTNMT (không có chỉ tiêu phốt-pho).
Hầu hết doanh nghiệp tham gia chế biến thủy sản, xuất khẩu thủy sản là những doanh nghiệp rất nhỏ, nhỏ và vừa; mới hình thành trong những năm gần đây.
Việc các thiết bị đưa vào hoạt động chưa lâu lại phải đầu tư thay mới làm tăng chi phí, tạo ra giá thành cao cho sản phẩm, điều này là điều bất lợi lớn cho các cơ sở.
Cần thiết nhưng phải có lộ trình
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo QCVN 11:2017/BTNMT dựa trên sửa đổi QCVN 11-MT:2015/BTNMT, trong đó vẫn có các chỉ tiêu về phốt-pho, ni-tơ.
Việc áp dụng các quy chuẩn về môi trường trong chế biến thủy sản là cần thiết để phát triển bền vững. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo ông Phạm Hồng Nhật, Viện Nhiệt đới Môi trường, nước thải thủy sản là nguồn thải công nghiệp chứa phốt-pho quan trọng, cần kiểm soát, nhưng nên có lộ trình và tính toán phù hợp.
Ở một số nước, việc áp dụng 1 tiêu chuẩn mới có thể kéo dài đến 10 năm (như Hoa Kỳ, Nhật Bản), trong đó phân nhóm các nhà máy theo lưu lượng nước thải, hàm lượng phốt-pho, phân vùng lưu vực ưu tiên để áp dụng quy chuẩn.
Giải quyết vấn đề này, ông Phạm Hồng Nhật đề xuất, cần có lộ trình được thông báo (ví dụ 5 – 10 năm nữa sẽ áp dụng chỉ tiêu) và thống nhất với các doanh nghiệp để có thời gian chuẩn bị, đầu tư hệ thống; đồng thời cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi và chính sách khác…
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thí điểm thành công và giới thiệu phương pháp xử lý nước thải thủy sản đạt quy chuẩn trước khi ra quy chuẩn mới.
Để vừa đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và xuất khẩu mặt hàng thủy sản, ông Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, VASEP cần có thêm thông tin và dự báo về hàng rào kỹ thuật nước thải chế biến thủy sản đối với các nước nhập khẩu chính sản phẩm thủy sản để dự báo đầy đủ các tác động kinh tế trong đề xuất thay đổi tiêu chuẩn môi trường.
Ngoài ra, VASEP cho biết, đã khuyến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung thêm nguyên tắc thỏa thuận giữa doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất… vào dự thảo QCVN 11:2017/BTNMT, để tạo sự công bằng giữa các nhà máy chế biến trong và ngoài khu.
Ông Phạm Bảo Quốc, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản NTSF cho rằng, hiện doanh nghiệp chế biến thủy sản trong khu công nghiệp đang áp dụng theo QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp.
Khi doanh nghiệp vào khu công nghiệp phải ký hợp đồng theo QCVN 40:2011 với đơn vị chủ quản khiến chi phí rất cao.
Do vậy, ông Bảo đề xuất, đối với nước thải chế biến thủy sản trong khu công nghiệp, doanh nghiệp cũng phải được áp dụng QCVN 11-MT:2015/BTNMT.