Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định, doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Ảnh: Lê Tiên |
Một trong những nội dung quan trọng tại báo cáo là khái niệm doanh nghiệp nhà nước. Tại Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), khái niệm doanh nghiệp nhà nước được sửa đổi lại bao gồm cả doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần, phần vốn góp chi phối. Theo đó, Khoản 8 Điều 4 Dự thảo Luật quy định: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.”
Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ cho rằng có 2 loại ý kiến. Một là tách riêng 2 loại khái niệm doanh nghiệp của Nhà nước, bao gồm: “doanh nghiệp nhà nước” là doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và “doanh nghiệp có sở hữu chi phối của Nhà nước” là doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Hai là sử dụng trực tiếp các khái niệm là: “doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ” và “doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết’’.
Tuy nhiên, so với phương án Chính phủ đã trình Quốc hội, cả 2 loại ý kiến nêu trên đều có ưu điểm và hạn chế. Do đó, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép bảo lưu nội dung trong Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).