Bất động sản 2016: Hấp dẫn nhưng lo chính sách không ổn định

Tại Hội thảo “Triển vọng đầu tư 2016: Sự trở lại của bất động sản” diễn ra ở TP.HCM hôm qua (9/3), các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều nhận định bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2016 sẽ sáng sủa hơn, thu hút đầu tư sẽ tăng mạnh.
Bất động sản 2016: Hấp dẫn nhưng lo chính sách không ổn định

Tóm tắt

Nhiều doanh nghiệp BĐS đều có chung một nhận định rằng thị trường BĐS trong nước đang tiếp tục đà tăng trưởng tốt, được ví như cổ xe đang ào ào lên dốc. Một khi chính sách điều tiết thị trường liên quan được ban hành một cách nhanh chóng, sẽ tác động lớn đến thị trường và làm cho doanh nghiệp "khựng" lại.


Trong giai đoạn 2016-2018, lĩnh vực BĐS Việt Nam được đánh giá là sẽ có một năm “cực thịnh” khi mà lượng vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư mới sẽ rót vốn vào.

Các chuyên gia trong nước và nước ngoài cũng nhận định, bất động sản Việt Nam vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn vì niềm tin người tiêu dùng đang ở mức cao. Các phân khúc thị trường đều gia tăng nhu cầu. Luật sư Trương Thị Hòa và ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefied đều dự đoán rằng, nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc có khả năng sẽ đổ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Sỹ Nhân, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Gaw NP Capital, Phó Chủ tịch HĐQT công ty CP BĐS Tiến Phước cho rằng hội nhập sâu rộng với sân chơi toàn cầu là cơ hội rất lớn cho ngành BĐS Việt Nam trong giai đoạn tới. Qua làm việc với nhiều đối tác, sắp tới thị trường sẽ đón nhận nhiều dòng vốn đầu tư mới, bên cạnh các nguồn truyền thống từ nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright chia sẻ: "Từ quý IV/2015, tần suất nhà đầu tư tìm đến chúng tôi để hỏi về về tình hình kinh tế Việt Nam, những chính sách mới, những trào lưu mới, nguy cơ xảy ra bong bóng mới... tăng lên rõ rệt".

Theo ông Thành, trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu, với sự khó khăn của các nền kinh tế phát triển, sự giảm sút của kinh tế Trung Quốc, giá năng lượng và hàng hóa giảm cùng chính sách thắt chặt tiền tệ từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thì Việt Nam lại có được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, chỉ xếp thứ hai sau Ấn Độ trong nhóm các nền kinh tế mới nổi.

Và với tình hình hiện tại, rất có thể Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức 7% trong vài năm tới. Thậm chí vượt xa các nước trong ASEAN. Đây là một viễn cảnh hết sức hấp dẫn.

Ông Thành phân tích các dự án BĐS Việt Nam thường ở quy mô nhỏ, quyền sở hữu và pháp lý chưa rõ ràng… Đó là những nhược điểm. Tuy nhiên, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ hạ tầng nên giá trị BĐS cũng tăng theo.

Số liệu mới nhất cũng cho biết, có đến 36% nhà đầu tư nước ngoài sẽ chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam - cao hơn nhiều so với một số nước khác trong khu vực. Điều này cũng là tín hiệu tốt cho BĐS khi chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam ngày càng thông thoáng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng trên thị trường BĐS thời gian qua nóng quá sẽ để lại nhiều hệ lụy, còn thắt chặt tín dụng thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua việc lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 36 là một tín hiệu phát đi để cảnh báo các tổ chức tín dụng trong việc cho vay bất động sản (BĐS).

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng thời gian qua, hàng loạt chính sách được ban hành theo hướng mạnh dạn hơn, ít rủi ro cho doanh nghiệp hơn, cần tiếp tục ổn định vĩ mô, cải cách vi mô. “Chúng ta nói kinh tế chúng ta đầy tiềm năng, vậy tại sao không bung lên được?”, ông Cung đặt vấn đề. Bất động sản là ngành quan trọng của nền kinh tế do đó phải tạo điều kiện cho BĐS phát triển.

Ông Alex Crane, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefiled, đánh giá cao tiềm năng thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt bước vào năm 2016 với nhiều hứa hẹn sau một thời gian khó khăn và mới phát triển trở lại. Tuy nhiên, để thị trường phát triển ổn định lâu dài, chính sách cần nhất quán, rõ ràng và cần theo thông lệ quốc tế, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

“Các chính sách liên quan đến từng giai đoạn tăng trưởng của thị trường BĐS cần phải được ban hành làm sao đừng tạo ra cú sốc quá lớn, mà phải để cho thị trường hấp thụ từ từ. BĐS chúng ta đang trên đà phát triển tốt, nhưng nếu đưa ra những chính sách điều tiết quá sớm sẽ làm cho thị trường “khựng” lại ngay”, ông Nhân nói.

Tin cùng chuyên mục