Bất động sản phía Đông Hà Nội có ăn theo dự án khủng?

(BĐT) - Thị trường bất động sản phía Bắc Hà Nội mới đây đón một loạt tin tốt. Trong đó, việc liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) với Tập đoàn BRG động thổ Dự án Thành phố thông minh phía Bắc Hà Nội với tổng vốn đầu tư lên tới 4,2 tỷ USD được đánh giá có tác động rất tích cực tới thị trường bất động sản khu vực này.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Cẩn trọng trong đầu tư 

Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc kinh doanh Savills Việt Nam đánh giá, Dự án có quy mô lớn, nếu được triển khai một cách bài bản chắc chắn đem lại nguồn lợi lớn cho khu vực này. 

Theo ông Hiển, việc định hình một khu đô thị lớn hiện đại giúp cho tốc độ đô thị hoá tăng lên, các nhà đầu tư theo đó cũng kỳ vọng giá đất tăng theo khi có nhiều người về ở, nhu cầu sử dụng dịch vụ nhiều, giá trị thương mại tăng. 

Trước lo ngại về việc cò đất làm giá, thổi giá, gây sốt ảo, ông Hiển cho rằng, đó là nguy cơ có thể xảy ra. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên lưu ý rằng, bất động sản chỉ thực sự tăng giá khi dự án bắt đầu có hình hài. Khi dự án đi vào hoạt động rồi thì bất động sản mới có giá trị thật sự. 

“Nếu anh muốn đón đầu thì đồng nghĩa với việc phải chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, cần tránh việc đầu tư kiểu bầy đàn. Cứ “cắm đầu” vào mua mà không tìm hiểu thì rất dễ ngậm trái đắng”, ông Hiển bình luận. 

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản cũng cho rằng, việc khởi công một dự án đô thị với quy mô cả tỷ USD chắc chắn sẽ có những tác động nhất định đến thị trường nhà đất Đông Anh. 

Tuy nhiên, đối với kỳ vọng đất đai các khu vực dân cư, làng xóm sẽ tăng một cách “chóng mặt”, ông Đính cho rằng khó có chuyện đó xảy ra, cũng tăng nhưng không nhiều. Bởi hiện tại khu vực trong ngõ ngách giá cũng tầm 30 - 40 triệu đồng/m2 là mức giá khá cao. 

Thêm nữa, theo ông Đính, việc tăng giá đột biến không chỉ ở Đông Anh mà ở các khu vực khác đều khó xảy ra. Thứ nhất vì mặt bằng giá không tăng, gần như đi ngang trong nhiều năm nay. Thứ hai, giá đất ở khu vực Đông Anh trải qua nhiều đợt sốt nóng trước đó nên giá cũng tương đối cao. 

Theo số liệu và ghi nhận của vị này, giao dịch ở Đông Anh và các khu vực xung quanh không nhiều, giá đất bị thổi lên quá cao không phản ánh đúng nhu cầu thực tế thị trường khiến các nhà đầu tư không mặn mà. Còn tại các dự án thì chưa có gì để bán vì vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, xây dựng, xin phê duyệt. 

Nhà đầu tư cần làm gì nếu muốn “đón sóng”? 

Theo lời khuyên của vị chuyên gia đến từ Savills Việt Nam, nhà đầu tư nếu có ý định đầu tư đất Đông Anh thời điểm hiện tại nên tìm hiểu kỹ vấn đề quy hoạch, tính pháp lý, giá trị thương mại. 

“Thêm một điều nữa, cần chú ý đến tốc độ phát triển dự án, nếu muốn mua vì đón sóng dự án thì phải xem tiến độ dự án ra sao, liệu có gặp vướng mắc gì không”, ông Dương Đức Hiển cho biết, vì thực tế có nhiều dự án “om” tiến độ đến cả thập kỷ. 

Ông Nguyễn Văn Đính cũng khuyên nhà đầu tư cần cẩn trọng trước khi quyết định đầu tư vào đất khu vực này để “đón sóng”, “chờ thời”. 

Trong đó, điều cần thiết đầu tiên là xem xét kỹ càng tính pháp lý, quy hoạch bất động sản mình dự định tham gia nhằm tránh việc ào ào nhắm mắt mua phải dự án "ma", dự án lừa. 

Thứ hai, xem xét tình hình thị trường khu vực định mua. Tìm hiểu xem giao dịch mua bán chủ yếu của người tiêu dùng hay đầu cơ. Thứ ba, tốt nhất nên lựa chọn những đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, có uy tín để tìm hiểu. Giá trị bất động sản luôn đi theo giá trị hạ tầng, dịch vụ xung quanh.

“Hạ tầng đồng bộ, đầu tư bài bản, giá trị bất động sản mới tăng chứ nghe thông tin thì giá có thể tăng lúc này lúc khác, nhưng sau đó có thể quay đầu bất kỳ lúc nào. Và cuối cùng người đầu tư sẽ mắc kẹt”, ông Đính nhận định. 

Trước đó, theo khảo sát của trang Batdongsan.com.vn, giá đất thổ cư tại Đông Anh hai năm trở lại đây tăng đáng kể từ khi công bố quy hoạch lên quận. Trong đó, các xã như Kim Chung, Hải Bối, Đông Hội nhận được nhiều sự chú ý ở phân khúc dưới 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, thực tế khảo sát trên các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến cho thấy, các lô đất đẹp, giáp mặt đường gần Dự án Thành phố thông minh được rao bán từ 30 - 52 triệu đồng/m2. Vào sâu hơn phía trong làng giá giảm từ 25 - 30 triệu đồng/m2

Nhìn lại lịch sử của thị trường này có thể thấy giá đất tại đây lên xuống rất nhanh. Thời kỳ sau khi thị trường bất động sản đóng băng, từ khoảng năm 2014 - 2015, giá đất liên tục tăng khi hàng loạt công trình giao thông quan trọng ở Đông Anh đi vào vận hành. Cụ thể, cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù chính thức thông xe, nhà ga T2, tuyến đường 5 kéo dài được hoàn thiện. 

Tiếp đó, giai đoạn 2017 - 2018 khi Thành phố công bố quy hoạch huyện Đông Anh lên quận, giá đất Đông Anh thời điểm giữa năm 2017 đã tăng khoảng 40% so với năm 2016, tạo nên cơn sốt đất tại khu vực này.

Tin cùng chuyên mục