Bớt “cô đơn” trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp

(BĐT) - Tại Hội thảo Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) và đạo đức kinh doanh diễn ra ngày 18/9, tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng văn hóa là vấn đề then chốt quyết định sự thành bại của doanh nghiệp (DN) trên thương trường. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, VHDN chính là gương chiếu hậu để DN vững bước phát triển.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Để văn hóa doanh nghiệp không còn là khẩu hiệu

Về những bất cập của VHDN trong tiến trình hội nhập và CMCN 4.0, PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện VHDN nhìn nhận, Việt Nam chưa có tư duy hệ thống và thực tiễn quản trị DN theo khoa học đủ dài để trở thành phong cách, văn hóa làm việc trong thời kỳ CMCN 1.0, 2.0 và 3.0. “Đây là một trong những lý do khiến chúng ta đã bỏ lỡ các cuộc CMCN trước”, ông Cương nói và chỉ ra, thời gian qua, các nhà nghiên cứu cùng các DN vẫn tự mò mẫm theo đuổi lối kinh doanh tiên tiến, có đạo đức, văn hóa. Và cũng vì chưa có tầm nhìn và chính sách quốc gia hướng dẫn, hỗ trợ nên quá trình xây dựng, quản trị VHDN của họ không tránh khỏi cảm giác cô đơn, trạng thái mò mẫm cách làm và gặp nhiều trở ngại, vướng mắc.

Trong CMCN 4.0, ông Cương cho rằng, Chính phủ đã nâng tầm việc xây dựng VHDN thành một chính sách và phong trào quốc gia, bắt đầu từ ba hành động thể hiện phương châm Chính phủ kiến tạo sự phát triển, phục vụ người dân và DN của Thủ tướng. Đó là, Thủ tướng đã ban hành quyết định lấy ngày 10/11 hàng năm là Ngày VHDN Việt Nam; phát động Cuộc vận động “Xây dựng VHDN Việt Nam”; đồng thời thành lập Ban Tổ chức Cuộc vận động “Xây dựng VHDN Việt Nam”.

Với nỗ lực nêu trên, nhiều DN Việt Nam đã tiên phong xây dựng VHDN riêng cho mình và đạt được thành công như: FPT, Viettel, Vinamilk, Vietcombank, Vingroup... Thành công này cho thấy, VHDN chính là một nguồn lực, tài sản lớn của DN và đất nước, giúp DN không ngừng nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, phát triển bền vững và thực hiện tốt trách nhiệm với xã hội.

Đánh giá VHDN là một nét đẹp văn hóa của dân tộc, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập mạnh mẽ thì VHDN cần phải trở thành bó đuốc soi đường cho DN. “Vì thế, tôi mong muốn những vấn đề đặt ra đối với VHDN không chỉ là khẩu hiệu”, ông Quốc nhấn mạnh.

Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất

Góp ý cho vấn đề này, PGS.TS Đỗ Minh Cương cho rằng, đạo đức kinh doanh là một chuẩn mực cơ bản để hoạt động kinh doanh có văn hóa. Đó là không làm hàng giả, hàng nhái; đó là xác định rõ giá trị sản phẩm, dịch vụ; cung cấp hàng hóa có chất lượng… Theo đó, việc xây dựng và quản trị VHDN của Việt Nam trong cuộc cách mạng số hiện nay cũng phải được kiến tạo, chuẩn hóa theo 4 nguyên tắc: Tăng cường giao tiếp tương tác; minh bạch thông tin; công nghệ hỗ trợ; phân quyền và ra quyết định.

Ngoài 4 nguyên tắc này, ông Cương cho rằng, cần bổ sung thêm nguyên tắc chỉ đạo về quan điểm, thái độ và cách tiếp cận về sự đầu tư, phát triển công nghiệp và nền kinh tế 4.0, bởi CMCN 4.0 là để phục vụ con người và vì sự phát triển toàn diện của con người. Việc tuân thủ các nguyên tắc này sẽ tạo nền tảng cho DN phát triển bền vững.

Đồng tình với quan điểm trên, một số ý kiến khác tại Hội thảo cũng nêu thực tế, chúng ta cứ đòi hỏi đạo đức kinh doanh nhưng vẫn còn một số đối tượng dựng lên những “rào cản” khiến môi trường kinh doanh chưa thực sự lành mạnh, minh bạch thì khó đòi hỏi đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh.

“Khi vẫn còn những chi phí ngầm, chi phí bôi trơn thì rất khó có thể yêu cầu DN có văn hóa, có đạo đức kinh doanh”, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TeamUp đánh giá và cho rằng, môi trường kinh doanh cần phải tiếp tục được cải cách theo hướng công khai, minh bạch nhằm tạo thuận lợi cho DN yên tâm đầu tư sản xuất.  

Tin cùng chuyên mục