Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua sẽ khắc phục nhiều bất cập trong hoạt động đấu giá |
Việc Quốc hội thông qua Luật ĐGTS trong năm 2016 là một bước tiến quan trọng hướng đến mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động bán ĐGTS, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động này.
Cạnh tranh không lành mạnh
Trước khi Luật ĐGTS được Quốc hội khóa XIV thông qua, hoạt động ĐGTS chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tổng kết 4 năm thi hành Nghị định này, Bộ Tư pháp cho biết, các tổ chức bán ĐGTS đã tăng lên đáng kể về số lượng. Theo đó, cả nước có 244 tổ chức đấu giá chuyên nghiệp, trong đó có 63 Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS và 181 doanh nghiệp (DN) bán ĐGTS. Cũng trong thời gian này, các tổ chức ĐGTS đã ký 23.059 hợp đồng bán đấu giá với giá khởi điểm hơn 38.876 tỷ đồng, giá trị tài sản bán được hơn 41.959 tỷ đồng, vượt hơn 3.082 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Về tổng thể, kết quả hoạt động bán đấu giá trong thời gian vừa qua đã từng bước khẳng định hiệu quả của xã hội hóa, chuyên
nghiệp hóa hoạt động bán ĐGTS, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó các Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS giữ vai trò nòng cốt.
Tuy nhiên, các tổ chức bán ĐGTS có sự phân bố không đều, mà chủ yếu tập trung tại các thành phố và các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương... Nhiều địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển (Bạc Liêu, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu... chưa có doanh nghiệp bán đấu giá) thì vẫn chỉ có 1 tổ chức bán ĐGTS (Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS) với số lượng đấu giá viên ít, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp hóa, đôi khi chưa đáp ứng được nhu cầu bán ĐGTS của địa phương.
Thực tế hoạt động bán ĐGTS đã xuất hiện tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh giữa các tổ chức bán ĐGTS. Một số tổ chức bán đấu giá không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục bán đấu giá, trích lại phần trăm phí cho cơ quan, đơn vị có tài sản bán đấu giá để thu hút sử dụng dịch vụ của tổ chức mình. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động bán ĐGTS.
Đánh giá nguyên nhân của những hạn chế, bất cập của hoạt động đấu giá, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cụ thể như: quy định về tiêu chuẩn trở thành đấu giá viên còn đơn giản; điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bán đấu giá còn dễ dãi. Bên cạnh đó, quy định về trình tự, thủ tục bán đấu giá còn chưa chặt chẽ, không phù hợp, điển hình như các quy định liên quan đến việc công khai giá khởi điểm, công khai danh sách người đăng ký tham gia đấu giá, niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá...
Nghị định số 17/2010/NĐ-CP cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc lựa chọn tổ chức bán ĐGTS, dẫn tới có biểu hiện doanh nghiệp “sân sau” trong hoạt động bán đấu giá, nhất là khi bán ĐGTS thi hành án, tài sản nhà nước.
Khắc phục khiếm khuyết
Chính thức được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Luật ĐGTS gồm 8 chương, 81 điều quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục ĐGTS; đấu giá viên, tổ chức ĐGTS; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí ĐGTS; xử lý vi phạm, hủy kết quả ĐGTS, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về ĐGTS.
Đối tượng áp dụng của Luật gồm: đấu giá viên, tổ chức ĐGTS, Hội đồng ĐGTS; tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá; cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động ĐGTS.
Việc cần phải làm trong thời gian tới, theo ông Linh, là hoạt động thanh tra trong ĐGTS cần phải làm minh bạch. Cùng với đó, cần thiết kế website và thực hiện công bố công khai thông tin trên website những đơn vị nào làm tốt, đơn vị nào làm xấu, DN nào bán ĐGTS vượt giá khởi điểm và nếu vượt giá thì vượt nhiều hay ít. “Công khai năng lực DN là việc làm cần thiết để người có tài sản đấu giá có thể lựa chọn được những DN có uy tín, kinh nghiệm trong đấu giá”, ông Linh khẳng định.
Liên quan đến những văn bản ban hành dưới Luật nhằm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện bán ĐGTS, Giám đốc Công ty CP Đấu giá Sài Gòn Hoàng Huy Công cho rằng, một số vấn đề cần chi tiết thì quy định rõ hơn, tuy nhiên nên là văn bản dưới luật do cơ quan trung ương ban hành để có sự thống nhất áp dụng trên cả nước. Không nên để địa phương quy định dẫn tới áp dụng mỗi nơi một kiểu.
Ngoài ra, theo Giám đốc một công ty ĐGTS, một trong những điểm mới tích cực của Luật ĐGTS là Luật đã có những quy định cụ thể trong việc định hướng chuyển đổi trung tâm dịch vụ bán ĐGTS sang các DN ĐGTS và điều kiện đăng ký hoạt động của DN ĐGTS. Đây là những quy định quan trọng tạo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức bán ĐGTS chuyên nghiệp.
Băn khoăn về thời gian chuyển tiếp
Theo quy định của Luật ĐGTS, trong thời gian 2 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (1/7/2017), DN ĐGTS thành lập trước ngày Luật có hiệu lực thi hành mà tiếp tục hoạt động ĐGTS thì phải đáp ứng quy định tại Khoản 3 Điều 23 của Luật và thực hiện việc đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp theo quy định tại Điều 25 của Luật này. Theo đó, DN phải đáp ứng điều kiện là: “DN tư nhân có chủ DN là đấu giá viên, đồng thời là giám đốc DN; Công ty hợp danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc của công ty hợp danh là đấu giá viên; Có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho hoạt động ĐGTS”.
Trường hợp không đáp ứng quy định tại Khoản 3 Điều 23 và không đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 25 của Luật ĐGTS thì DN đó phải chấm dứt hoạt động ĐGTS.
Tuy nhiên, lo ngại về những tiêu cực có thể xảy ra trong giai đoạn chuyển tiếp, Giám đốc một công ty đấu giá cho rằng, cần có những quy định cụ thể trong thời gian chuyển tiếp để tránh việc các DN “làm bậy”, gây thiệt hại, thất thoát cho người có tài sản.