Cả nước có 110 thứ trưởng và tương đương, 201 phó chủ tịch tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
Tính đến nay, cả nước có 110 Thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trong đó có 4 bộ vượt số lượng cấp phó so với quy định; có 201 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, giảm 16 người.
Bộ Nội vụ vượt một thứ trưởng là do yêu cầu của công tác cán bộ
Bộ Nội vụ vượt một thứ trưởng là do yêu cầu của công tác cán bộ

Chính phủ vừa báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực Nội vụ.

Hai bộ có ít hơn quy định 2 thứ trưởng

Báo cáo cho biết, kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ ngành đến nay có 249 vụ và tương đương (giảm 12 tổ chức - 4,6%); có 126 cục (tăng 7 tổ chức - 5,88%).

Có 31 tổng cục và tương đương, gồm: 21 tổng cục và 10 tổ chức tương đương tổng cục (tăng 2 tổng cục - 6,9%); nếu tính giảm 6 tổng cục thuộc Bộ Công an thì giảm 4 tổng cục; có 100 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 10 tổ chức, giảm 9,09%).

Về cơ cấu tổ chức của tổng cục và tương đương đến nay có 226 vụ và tương đương (tăng 7 tổ chức, tăng 3,2%); có 419 cục, gồm: 37 cục ở cơ quan tổng cục, 67 cục khu vực, 315 cục ở cấp tỉnh... Tổ chức bộ máy của các cơ quan thuộc Chính phủ đến nay có 52 ban và tương đương (giảm 1 tổ chức - 1,89%).

Về số lượng thứ trưởng và tương đương ở các bộ ngành, báo cáo của Chính phủ cho biết, theo quy định, số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6.

Số thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ tại thời điểm 30/9 là 110 người. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông có 3 thứ trưởng (ít hơn quy định 2).

Bảy bộ ngành có 4 thứ trưởng và tương đương (ít hơn quy định 1) gồm: Bộ Xây dựng; Bộ LĐ-TB&XH; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ GD-ĐT; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc.

Ba bộ có 6 thứ trưởng gồm: Bộ Ngoại giao (bằng số quy định); Bộ Nội vụ (vượt 1); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vượt 1).

Tám Bộ, cơ quan ngang Bộ có 5 thứ trưởng và tương đương (bằng số quy định): Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông vận tải; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ.

Có 2 Bộ có 9 thứ trưởng (vượt 3): Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Số lượng thứ trưởng nhiều hơn so với quy định ở một số Bộ (Quốc phòng, Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ yếu là do sắp xếp tổ chức bộ máy và yêu cầu của công tác cán bộ như thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo từ địa phương về Trung ương.

Theo quy định, số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3; số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4.

Tính đến nay, số lượng phó tổng cục trưởng và tương đương bình quân là 2,8; số lượng phó cục trưởng và tương đương bình quân là 2,9; số lượng phó vụ trưởng và tương đương bình quân là 2,5.

Giảm khoảng 1.431 tỷ đồng từ sáp nhập huyện, xã

Về kết quả sắp xếp tổ chức hành chính ở cấp tỉnh có 1.180 cơ quan chuyên môn (giảm 5 tổ chức - 0,42%). Ở cấp huyện có 8.526 cơ quan chuyên môn (giảm 294 tổ chức - 3,33%).

Về số lượng phó chủ tịch UBND cấp tỉnh cả nước có 201 người, giảm 16 người (7,37%); tổng số phó chủ tịch UBND cấp huyện là 1.554 người, giảm 78 người (4,78%). Số lãnh đạo cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh là 3.011 người, giảm 266 người (8,12%)...

Về kết quả thí điểm hợp nhất, sáp nhập, có 4 tỉnh thí điểm hợp nhất một số sở ngành gồm: Lào Cai, Bạc Liêu, Hà Giang, Cà Mau. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành cũng thực hiện hợp nhất, sáp nhập một số cơ quan chuyên môn cấp huyện...

Kết quả sắp xếp tổ chức bộ mày được Bộ Chính trị đánh giá cao, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, giảm chi thường xuyên, góp phần phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Bộ Chính trị đã chỉ đạo, không mở rộng thí điểm mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh; tiến hành sơ kết, tổng kết việc thí điểm từng mô hình, đánh giá toàn diện tính hiệu quả của việc thí điểm, đề xuất lộ trình, cách làm phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm ở từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngày 10/9/2020, Ban Tổ chức Trung ương đã có văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung tại kết luận số 74.

Ngoài ra, báo cáo Chính phủ cũng cho biết, đến nay các địa phương đã sắp xếp 18 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm được 6 huyện; đối với cấp xã, đã tiến hành sắp xếp đối với 1.027 đơn vị, giảm là 546 đơn vị.

Với kết quả này, dự kiến sẽ giảm chi ngân sách từ giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới (giai đoạn 2020 - 2024) khoảng 1.431 tỷ đồng (gồm giảm chi tiền lương và phụ cấp khoảng 511 tỷ đồng; giảm chi hoạt động khoảng 920 tỷ đồng).

Hiện còn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 là TP.HCM và tỉnh Kiên Giang. Bộ Nội vụ đã chỉ đạo và đôn đốc các địa phương lập hồ sơ, đề án và trình Bộ Nội vụ thẩm định trong năm 2020.

Tin cùng chuyên mục