Cấn nợ, hoán đổi sản phẩm bất động sản để giảm áp lực nợ nần

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước tình hình tài chính khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã cấn nợ cho nhau bằng sản phẩm bất động sản, hoặc hoán đổi sản phẩm từ dự án này sang một sản phẩm ở dự án khác cho khách hàng. Đây được đánh giá và một cách làm linh động, dù không phải tất cả chủ nợ hoặc khách hàng đều muốn như vậy.
Không chỉ các doanh nghiệp cấn nợ cho nhau, nhiều chủ đầu tư lâu nay còn chọn giải pháp hoán đổi sản phẩm cho khách hàng từ dự án này sang dự án khác thay vì trả lại tiền mặt. Ảnh: Gia An
Không chỉ các doanh nghiệp cấn nợ cho nhau, nhiều chủ đầu tư lâu nay còn chọn giải pháp hoán đổi sản phẩm cho khách hàng từ dự án này sang dự án khác thay vì trả lại tiền mặt. Ảnh: Gia An

Hồi tháng 3 năm nay, một số nhà thầu phụ đã có văn bản thông báo sẽ tạm dừng thi công các dự án do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hòa Bình làm tổng thầu. Lý do dừng thi công vì Xây dựng Hòa Bình chưa thanh toán công nợ.

Là đơn vị tổng thầu, đóng vai trò là người đứng giữa chủ đầu tư dự án bất động sản và nhà thầu phụ, Xây dựng Hòa Bình đành phải chọn giải pháp dung hòa là nhận sản phẩm cấn nợ của chủ đầu tư để lấy các sản phẩm này trừ nợ cho các nhà thầu phụ. Dù khá bất lợi nhưng cuối cùng đã nhận được sự chia sẻ của các nhà thầu phụ.

Những ngày qua, thông tin Công ty CP Đầu tư Q… dùng 40 căn hộ trong một dự án đã hoàn thiện ở TP. Thủ Đức để cấn trừ một khoản nợ cho Công ty CP Đầu tư L… cũng đang gây sự chú ý của giới bất động sản. Chuyện là, trước đó Công ty CP Đầu tư L… đã đặt cọc tiền để mua lại một dự án của Công ty CP Đầu tư Q…, nhưng do pháp lý của dự án này đang vướng, việc mua bán bất thành, trong khi bên bán cạn tiền mặt nên phải chọn giải pháp như vậy.

Trong bối cảnh tiền mặt không có, các dự án đang triển khai xây dựng tạm thời dừng thi công, việc cấn nợ của Công ty CP Đầu tư Q… là một thế khó cho Công ty CP Đầu tư L… Cũng may, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư L… cho biết, hiện đã có một đơn vị mua sỉ lại 20 căn hộ; 20 căn còn lại đang được Công ty đẩy nhanh tiến độ bán, với mức chiết khấu hấp dẫn, để sớm có tiền xoay sở.

Không chỉ các doanh nghiệp cấn nợ cho nhau, nhiều chủ đầu tư lâu nay còn chọn giải pháp hoán đổi sản phẩm cho khách hàng từ dự án này sang dự án khác thay vì trả lại tiền mặt.

Tổng giám đốc của một công ty bất động sản cho biết, Công ty CP Tập đoàn Địa ốc K… từng hoán đổi thành công cho khách hàng mua một dự án ở Đồng Nai sang một dự án ở Bình Dương vì dự án ở Đồng Nai bị vướng pháp lý. Cách làm này đã giúp doanh nghiệp thoát được khó khăn, bảo lưu được dòng tiền kinh doanh, còn khách hàng thì có thể lựa chọn một sản phẩm tương đương với giá tiền đã mua trước đó để sở hữu.

Hình thức này có rất ít rủi ro và thực hiện dựa trên sự đồng thuận của hai bên. Ảnh: Gia An
Hình thức này có rất ít rủi ro và thực hiện dựa trên sự đồng thuận của hai bên. Ảnh: Gia An

Trên thị trường bất động sản, không phải bây giờ mà lâu nay việc hoán đổi này tương đối phổ biến. Nhưng, trong tình cảnh thị trường trầm lắng và kém thanh khoản như vừa qua và hiện nay, hình thức này càng phổ biến hơn.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng chấp nhận sự hoán đổi như vậy. Ông Trương Đại Hiệp, một khách hàng cho biết, ông đã mua một căn hộ tại Bình Dương, đóng được 825 triệu đồng. Do chủ đầu tư - Công ty CP Đầu tư D… triển khai dự án chậm tiến độ, nên ông muốn thanh lý hợp đồng, nhưng Chủ đầu tư đề nghị được cấn trừ qua căn hộ của một dự án khác, song ông không chấp nhận.

Theo Luật sư Trần Khánh Ly, Công ty Luật GLAW, việc các bên tự thỏa thuận để hoán đổi công nợ bằng sản phẩm bất động sản, hoặc hoán đổi sản phẩm từ dự án này sang dự án khác là thỏa thuận dân sự, các bên được phép làm vì pháp luật không cấm. Đương nhiên, tình huống này không phải bên nào cũng muốn, bởi nó chỉ xảy ra khi những giao kết trước đó không thành.

Liên quan đến vấn đề liệu việc cấn trừ và hoán đổi này có gây rủi ro cho “khổ chủ” hay không, ông N.V.Đ, Tổng giám đốc một công ty môi giới bất động sản cho biết, hình thức này có rất ít rủi ro và thực hiện dựa trên sự đồng thuận của hai bên.

“Ở một góc độ nào đó, đây là một cách làm nhân văn, bởi thời gian qua có nhiều dự án khi vướng pháp lý nhưng chủ đầu tư cố tình không trả lại tiền cho khách dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp bị nợ nhưng không còn tài sản để cấn trừ nợ, nên khi chọn giải pháp lấy sản phẩm cũng là cách giảm áp lực nợ nần trong bối cảnh trăm bề khó khăn như hiện nay”, ông Đ. cho biết.

Tin cùng chuyên mục