FONEXIM hoạt động chính trong lĩnh vực gia công, kinh doanh các mặt hàng đường, nông sản, dầu ăn… |
Khó hấp dẫn nhà đầu tư
FONEXIM được thành lập năm 1996 và trực thuộc Bộ Công Thương trước khi được chuyển thành công ty thành viên thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam vào năm 2009. Công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực gia công, kinh doanh bán lẻ các mặt hàng đường, nông sản, dầu ăn…
Sau một thời gian kinh doanh kém hiệu quả, tình hình tài chính của FONEXIM cho thấy nhiều rủi ro khi xuất hiện các khoản nợ vay khó trả. Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã mua lại các khoản nợ “xấu” của FONEXIM và trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu là 65%, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam hiện chỉ còn nắm giữ 30%.
Theo phương án cổ phần hóa, số cổ phần bán đấu giá công khai là 758.900 cổ phần, tương ứng với 3,79% vốn điều lệ với giá khởi điểm là 10.000 đồng/CP. Đây là một khối lượng bán không thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư dài hạn do với tỷ lệ này họ sẽ không có tiếng nói trong doanh nghiệp.
Còn các nhà đầu tư ngắn hạn, những người mua cổ phiếu với mục đích bán kiếm lời, thường tìm kiếm những doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, kinh doanh có lãi. Đối với phiên đấu giá cổ phần của FONEXIM, khối lượng bán ít dẫn đến tính thanh khoản không cao. Thêm nữa, mức giá khởi điểm được đưa ra bằng với mệnh giá, trong khi tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của Công ty đang trong giai đoạn khó khăn. Cụ thể, 3 năm gần đây nhất (2014 - 2016) Công ty chưa biết đến lợi nhuận. Tính đến thời điểm hết quý III/2017, lỗ lũy kế của FONEXIM là 1.291 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.220 tỷ đồng.
Tổng tài sản tính đến hết quý III/2017 đạt 430 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng nợ vay ngắn hạn đã đạt đến 678 tỷ đồng. Điều đó cho thấy những rủi ro lớn về sức khỏe tài chính của FONEXIM. Trong báo cáo tài chính năm 2016, kiểm toán nhấn mạnh khả năng tiếp tục hoạt động trong tương lai của Công ty tùy thuộc vào kết quả của quá trình tái cơ cấu cùng sự hỗ trợ của chủ sở hữu và các bên liên quan.
Tiếp tục vay nợ để tài trợ hoạt động kinh doanh
Để phục vụ cho nhu cầu vốn lưu động trong giai đoạn 2018 - 2020, Công ty dự kiến huy động vốn khoảng 110 - 150 tỷ đồng. Trong đó, số vốn huy động từ bán cổ phần là 10 tỷ đồng và phụ thuộc vào sự thành công của phiên IPO sắp diễn ra tới đây. Số vốn dự kiến vay từ cán bộ công nhân viên trong Công ty là khoảng 30 - 40 tỷ đồng.
Số vốn vay thế chấp tại các tổ chức tín dụng và từ DATC dự kiến là 70 - 100 tỷ đồng. Câu hỏi được đặt ra là Công ty lấy tài sản gì để thế chấp cho các khoản vay dự kiến này? Theo bản công bố thông tin, giá trị còn lại của tài sản cố định của FONEXIM tại thời điểm 30/9/2017 là 18 tỷ đồng và 16 lô đất được sử dụng sau cổ phần hóa là tài sản chủ yếu của Công ty. Trong đó, đáng chú ý là các khu đất tại Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, Công ty sẽ quản lý và sử dụng khu đất số 81 và 14 Mạc Thị Bưởi, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) với diện tích lần lượt là 6.893,4 m2 và 7.545 m2. Khu đất số 81 đang được triển khai dự án xây dựng khu nhà ở và trung tâm thương mại. Tuy nhiên, Dự án đang bị dừng lại do thiếu nguồn để thực hiện. Còn khu đất số 14 đang được sử dụng làm văn phòng và kho chứa hàng. Ngoài ra, còn có khu đất rộng 4.597 m2 tại địa chỉ số 1 Xa lộ Hà Nội, phường Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM. Tuy nhiên, Công ty sẽ phải bàn giao khu đất này lại khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Theo Quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm tháng 7/2016 để thực hiện cổ phần hóa, tổng giá trị tài sản của FONEXIM sau khi được đánh giá lại là hơn 918 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ thực tế phải trả là 1.606 tỷ đồng làm cho giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại FONEXIM là âm gần 689 tỷ đồng.