Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phản ứng nhanh nhạy với thị trường nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều giải pháp, nhưng chưa có hành động cụ thể
Nhấn mạnh yêu cầu về rà soát, cắt giảm TTHC, chi phí cho DN ứng phó dịch Covid-19, tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành và địa phương khẩn trương thực hiện. Đó là, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm TTHC, giảm chi phí logistics... Các bộ, ngành, địa phương, trong phạm vi và lĩnh vực quản lý, rà soát để ban hành theo thẩm quyền việc giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc đề xuất phương án giảm phí, lệ phí gửi về Bộ Tài chính trước ngày 15/3/2020 để tổng hợp, xử lý. Thủ tướng cũng chỉ đạo chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của DN do Nhà nước định giá; tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các TTHC theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Thực hiện chỉ đạo, ngày 11/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành công thương trước những diến biến mới của dịch Covid-19. Theo đó, chưa thực hiện tăng giá điện đến hết quý II năm nay. Đồng thời, Bộ yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, đề xuất phương án cắt giảm phí, lệ phí với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong phạm vi và lĩnh vực quản lý; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC…
Bộ Giao thông vận tải cũng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg với việc yêu cầu các đơn vị trực thuộc chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh cắt giảm TTHC, giảm chi phí logistics… Bộ này cũng đề nghị các đơn vị chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II/2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của DN do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý; tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh…
Dù các bộ, ngành nhanh chóng vào cuộc với việc đưa ra các giải pháp thực hiện, tuy nhiên, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cần hành động cụ thể, tích cực hơn nữa từ các bộ, ngành, địa phương.
Trong một văn bản công bố ngày 16/3/2020 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện nay, phí chuyển tiền ngoài hệ thống ngân hàng đang rất cao. DN đề nghị cần thiết phải giảm các thủ tục, quy trình, điều kiện tiếp cận vốn, giảm lãi vay, miễn, giảm phí, gia hạn nợ cho DN.
Chậm trễ là thất bại
Cấp bách yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước các cấp phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất lúc này là thực hiện nghiêm Chỉ thị với tinh thần “quyết liệt chống dịch như chống giặc” bằng việc thực hiện đủ và đúng thời hạn giải pháp Thủ tướng đề ra thì mới có tác dụng hỗ trợ DN. Nếu chậm trễ hành động là thất bại”.
Theo ông Hiếu, ảnh hưởng của Covid-19 cho thấy nền kinh tế nước ta bộc lộ những điểm yếu và đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế ở 2 khía cạnh. Một là, phải tích cực cải cách để làm cho nền kinh tế linh hoạt hơn. “Tái cơ cấu nền kinh tế không phải đợi 5 năm hay 10 năm mới thực hiện, mà phải là việc thường xuyên, liên tục để có thể linh hoạt ứng phó rất nhanh trước các biến động của thị trường, từ đó giảm thiểu tối đa rủi ro cho nền kinh tế”, ông Hiếu phân tích.
Ông Hiếu lấy ví dụ: Ngay trong tác động của dịch bệnh đã có những ngành, nghề kinh doanh mới xuất hiện và đã có DN biết nắm bắt thời cơ. Theo đó, DN đã có ngay đơn hàng mới. Song họ phàn nàn, xin giấy phép xuất khẩu mất 3 - 4 tháng, trong khi đơn hàng đòi hỏi phải nhanh. “Thực tế này đặt ra yêu cầu phải thay đổi tư duy về quản lý và phải thấy rằng cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh đặc biệt quan trọng”, ông Hiếu nhận định. Covid-19 đang chứng minh rằng thể chế tốt thì DN mới có thể phản ứng nhanh nhạy nhất với thị trường, còn ngược lại, nếu thể chế chậm cải cách, không phản ứng nhanh được thì DN sẽ thất bại.
Khía cạnh thứ hai là DN cũng phải chuẩn bị nền tảng tốt nhất để khi dịch bệnh qua đi, có thể bắt tay vào hoạt động kinh doanh để phục hồi và phát triển.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số ý kiến khác cũng cho rằng, cắt giảm thủ tục, chi phí cho DN là những việc không thể không làm kể cả khi không có dịch bệnh. Do đó, trước tác động bất lợi của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc rà soát, cắt giảm thủ tục, chi phí cho DN lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn nhằm chung tay giúp DN chống dịch hiệu quả.