Cầu Cần Giờ có thiết kế hình cây đước

Công trình nối trung tâm TP HCM với huyện đảo Cần Giờ được thiết kế dây văng, hình dáng cây đước, với tổng mức đầu tư 5.300 tỷ đồng.
Một phương án thiết kế cầu Cần Giờ được đề xuất trước đây.
Một phương án thiết kế cầu Cần Giờ được đề xuất trước đây.

Theo phương án thiết kế kiến trúc vừa được UBND TP HCM chọn, Cần Giờ sẽ là cầu dây văng một trụ tháp với ý tưởng phác họa hình tượng cây đước đặc trưng của huyện Cần Giờ (khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ).

Cầu có lan can hình sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua. Công trình cũng có hệ thống chiếu sáng nghệ thuật về đêm.

Chính quyền thành phố yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục xác định quy mô, thông số của cầu cho phù hợp định hướng điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giờ và có thể được điều chỉnh khi có căn cứ xác đáng.

Nằm trên tuyến đường 7,4 km, cầu Cần Giờ dài 3,4 km với 4 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55 m, sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm và các khu vực lân cận. Từ đây hình thành tuyến giao thông trực tiếp với khu vực ven biển phía Nam thành phố.

Cầu có điểm đầu tại nút giao đường 15B với Đường số 2 (Khu đô thị Phú Xuân, Nhà Bè). Điểm cuối kết nối đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8 km về phía Nam (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ).

Hướng tuyến cầu trùng với đường 15B, vượt đường Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè) và sông Soài Rạp sang huyện Cần Giờ. Sau đó cầu rẽ sang hướng Đông, đi song song với đường dây điện 220 KV, tiếp tục vượt sông Chà và nối với đường Rừng Sác.

Dự án được UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho xây dựng theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) kết hợp BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn dự kiến 5.300 tỷ đồng.

Tháng 8/2016, Thủ tướng đồng ý chủ trương, giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát, bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 để làm cơ sở triển khai.

Tin cùng chuyên mục