Sau cơn sốt đất, Mê Linh ngổn ngang dự án bỏ hoang. |
Trở lại khoảng 7 năm về trước, khi tin đồn khu hành chính quốc gia sẽ được di dời về Ba Vì, giá đất tại đây đã lên cơn sốt. Nhiều đại gia, nhà đầu tư ồ ạt rót tiền triển khai dự án bất động sản và mua đất tại Ba Vì để đón sóng quy hoạch. Tuy nhiên, năm 2011, khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được công bố với trung tâm hành chính - chính trị quốc gia vẫn đặt tại Ba Đình, giá đất Ba Vì đã giảm mạnh. Nhiều người ôm đất ở Yên Bài, Tản Lĩnh (Ba Vì) không thể thoát hàng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho rằng, tình hình mua bán đất trên địa bàn xã ảm đạm từ sau công bố quy hoạch Thủ đô. Hiện tại, không có người mua, đa số vẫn là người địa phương sử dụng. Những trường hợp mua trước đây giờ chấp nhận lỗ một nửa rao bán lại nhưng cũng chẳng có ai mua, nhất là khi có quy hoạch khu trồng chè lại càng ít người quan tâm.
Cũng theo dọc trục đường Láng - Hoà Lạc (Đại lộ Thăng Long), nhiều người ôm đất đang khổ sở vì mua đất chạy theo quy hoạch tại xã Đông Xuân (Quốc Oai), Tiến Xuân (Thạch Thất)...
Còn tại huyện Mê Linh, một thời là tâm điểm của cơn sốt phía Bắc Thủ đô chạy theo thông tin sáp nhập về Hà Nội và quy hoạch các con đường lớn được triển khai, nay cũng chỉ còn lại các khu đô thị ma.
Theo số liệu thống kê của phóng viên, trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có 46 dự án đầu tư phát triển nhà ở và khu đô thị, trong đó có 16 dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và đang đầu tư xây dựng, 16 dự án giải phóng mặt bằng dở dang và 14 dự án chưa giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, tất cả đều có chung một số phận là đang “chết lâm sàng”, hoặc không có dân về ở.
Trước thực trạng trên, chính quyền huyện Mê Linh đã đề nghị UBND TP. Hà Nội thu hồi 8 dự án nhà ở/khu đô thị chậm tiến độ trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết, trên địa bàn huyện có 46 dự án đầu tư phát triển nhà ở và khu đô thị, với tổng diện tích khoảng 1.650 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 85%, còn lại là đất UBND xã quản lý. Diện tích đã giải phóng mặt bằng khoảng 758 ha, diện tích chưa giải phóng mặt bằng khoảng 892 ha (14 dự án).
Trong 14 dự án chưa giải phóng mặt bằng, có 3 dự án có mức đầu tư lớn là Khu đô thị Golf Vinashin do Công ty cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải làm chủ đầu tư (217,6 ha); Khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh 1 do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư (141,8 ha), Khu đô thị mới Vinalines do Công ty cổ phần Bất động sản Vinalines - Vĩnh Phúc (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) làm chủ đầu tư (114,9 ha).
Cũng theo UBND huyện Mê Linh, nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ là sau khi huyện sáp nhập về Hà Nội, nhiều dự án phải điều chỉnh quy hoạch phân khu theo quy hoạch chung của Thành phố (22 dự án). Việc thay đổi chính sách đền bù giải phóng mặt bằng sau khi chuyển về Hà Nội so với Vĩnh Phúc khiến công tác giải phóng mặt bằng khó khăn hơn.
Đối với các dự án mà nhà đầu tư cam kết triển khai, UBND huyện Mê Linh đề nghị Thành phố yêu cầu chủ đầu tư xây dựng lại kế hoạch, chứng minh năng lực tài chính, cam kết tiến độ, bảo đảm thực hiện dự án để Thành phố xem xét cho phép tiếp tục triển khai... Thời gian để nhà đầu tư thực hiện các công trình này chậm nhất là đến hết tháng 12/2017. Trường hợp đến hết thời hạn, nếu nhà đầu tư không thực hiện các yêu cầu nêu trên hoặc không đủ điều kiện để cho phép tiếp tục, UBND huyện sẽ báo cáo Thành phố tiến hành các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án.
Tương tự, mới đây, một trong ba dự án bị chậm tiến độ ở Ba Vì đã bị HĐND TP. Hà Nội đưa vào “tầm ngắm” là Dự án Xây dựng khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên thuộc Khu du lịch Hồ Suối Hai.
Theo UBND TP. Hà Nội, nếu lúc đó nhà đầu tư không hoàn thành thì cần xem xét trách nhiệm, năng năng lực chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư, đơn vị thi công không đảm bảo năng lực thì sẽ kiến nghị xử lý thu hồi.
Đó chỉ là số ít trong số những câu chuyện buồn về thị trường bất động sản phía Bắc và cũng là bài học để đời cho việc “cầm đèn chạy trước ô tô” của nhà đầu tư bất động sản.