Ảnh minh họa: Internet |
Chi phí vẫn đắt đỏ
Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics: Vấn đề và kiến nghị chính sách”, diễn ra sáng 29/10 tại Hà Nội, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, năm 2018, thứ hạng của ngành logistics Việt Nam trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của WB đã có sự tiến bộ. Hiệu quả logistics có sự cải thiện tốt và được xếp vào nhóm trên (vị trí 39/190 quốc gia). Thuận lợi hóa thương mại của Việt Nam thuộc nhóm giữa của toàn cầu. Trong khu vực ASEAN, hiệu quả của ngành từ vị trí thứ 5 vươn lên vị trí thứ 3 (sau Singapore và Thái Lan).
“Tuy nhiên, áp lực về ngành dịch vụ có chi phí đắt đỏ chưa giảm”, bà Thảo nhấn mạnh và dẫn chứng, thời gian thông quan còn dài, chi phí cao, thủ tục quản lý chuyên ngành vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động logistics. Năng lực cạnh tranh của ngành vẫn còn nhiều trở ngại.
Theo nghiên cứu của CIEM, chi phí vận tải vẫn chiếm gần 60% chi phí logistics. Trong các loại hình vận tải thì vận tải đường bộ vẫn là chủ yếu (chiếm hơn 77%), với mức chi phí đắt đỏ khi chi phí xăng dầu chiếm 30 - 35%, chi phí BOT chiếm 10 - 15%...
Bên cạnh chi phí chính thức, chi phí không chính thức vẫn chiếm tới 5 - 10% chi phí vận tải của DN.
Mặt khác, các DN logistics còn bị gây khó dễ do các quy định về cảnh báo trọng tải của cầu đường bộ và hàng loạt rào cản về điều kiện kinh doanh.
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta bổ sung, chi phí cao là do chúng ta thiếu những trung tâm logistics phục vụ cho các thị trường mục tiêu bên cạnh các trung tâm lớn để kéo giảm chi phí giao hàng chặng cuối.
Giải pháp nào xóa rào cản?
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), nhìn vào việc ứng dụng công nghệ của các DN logistics Việt Nam, đại diện CIEM không khỏi sốt ruột. Bà Thảo chia sẻ, số lượng DN logistics áp dụng công nghệ có tăng, nhưng vẫn ở mức thấp. Một số DN lớn trong ngành đã đầu tư kho ngoại quan, áp dụng phần mềm quản lý trực tuyến như mã vạch, robot…, nhưng hầu hết các DN nhỏ và vừa lại dè dặt. Đây là nguyên nhân khiến các DN logistics không thể vận hành hiệu quả, cắt giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Về nguyên nhân của hạn chế, bà Thảo lý giải là do chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ ban đầu lớn.
Trái với quan điểm của bà Thảo, ông Nghĩa nhận xét: “Rào cản lớn nhất trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của DN logistics không phải là chi phí đầu tư mà là rào cản về nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT trong quản lý ngành”.
Đồng tình với quan điểm của ông Nghĩa, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, thách thức lớn nhất là các cơ quan công quyền không muốn ứng dụng nhiều CNTT bởi sẽ khiến họ mất đi quyền và lợi. “Đây không chỉ là cản trở về tư duy mà còn cả lợi ích”, ông Cung nhìn nhận.
Để loại bỏ được các rào cản nêu trên, các ý kiến đề xuất nhấn mạnh giải pháp thay đổi tư duy trong quản lý ngành logistics để Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vươn lên trong cuộc CMCN 4.0. Theo đó, ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp về công nghệ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của ngành, giảm chi phí của DN. Cụ thể là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý hoạt động dịch vụ logistics như: Hệ thống minh bạch (thời gian thực); ứng dụng hợp đồng thông minh thay thế thủ tục giấy tờ; ứng dụng sàn giao dịch giảm tình trạng chở container rỗng… Cùng với đó, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử và ngành công nghiệp tự động hóa logistics, ứng dụng Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo.
Cũng để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm yêu cầu về cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh, cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đảm bảo thực chất và hiệu quả.