Chỉ số khởi sự kinh doanh có thể tiến thêm hàng chục bậc

(BĐT) - Năm 2018, Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam tăng 19 bậc so với năm 2017, lên vị trí 104/190 nền kinh tế trong Bảng xếp hạng Doing business của Ngân hàng Thế giới (WB). 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Đây là bước tiến đầy khích lệ, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn chỉ ra rằng, chỉ số này hoàn toàn có thể cải thiện thêm hàng chục bậc trong Bảng xếp hạng, và quan trọng hơn sẽ tiết kiệm khoản chi phí rất lớn cho người dân, doanh nghiệp (DN). 

Giúp DN dễ thở hơn

Theo Doing Business, năm 2018 có 10 thủ tục để gia nhập thị trường Việt Nam với tổng thời gian thực hiện là 20 ngày. “Tuy chúng ta có cải thiện về xếp hạng, song đây vẫn là mức vị trí thấp với thời gian thực hiện còn dài”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét.

Điển hình, thủ tục mở tài khoản ngân hàng còn chéo ngoe mà trên thực tế có thể cộng gộp để bớt được thủ tục cho DN. “Theo quy định hiện hành, trong vòng 30 ngày kể từ ngày DN đăng ký kinh doanh (ĐKKD) thì có muốn hay không muốn kinh doanh DN vẫn phải nộp lại số tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế. Thế nhưng, tại thời điểm ĐKKD, DN không mở được tài khoản ngân hàng vì yêu cầu phải có giấy chứng nhận đăng ký DN sau đó mới được mở tài khoản ngân hàng. Khi DN mở tài khoản xong thì quay lại phòng ĐKKD thông báo số tài khoản để cơ quan ĐKKD cập nhật lên dữ liệu của mình. Ở nhiều nước, thông tin tài khoản được DN cập nhật với cơ quan thuế trong lần phát sinh khai thuế đầu tiên, bất kể là VAT hay hoàn thuế, nộp thuế… để giảm bớt được 1 thủ tục cho DN”, ông Hiếu nêu thực tế và cho rằng thủ tục này chỉ làm phiền DN.

Tương tự với thuế môn bài, theo quy định, trong khoảng thời gian 30 ngày, DN sau khi thành lập phải nộp khoản thuế 2 triệu đồng (đối với DN có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng) cho cơ quan thuế và được WB tính là 1 thủ tục. “DN không ngại nộp số tiền này, song đa số DN muốn đóng ở lần phát sinh nghĩa vụ thuế đầu tiên với Nhà nước, tránh phải đi lại nhiều lần”, ông Hiếu nói.

Về thủ tục đăng ký lao động, chuyên gia cho rằng có thể bỏ bớt. Cũng trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, DN phải đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khai về tình hình sử dụng lao động. Đồng thời, định kỳ 6 tháng và 1 năm DN lại phải cập nhật tình hình sử dụng lao động… Trong quá trình sử dụng lao động, DN cũng phải lập 1 sổ lao động với nội dung như tờ khai ban đầu. Như vậy, thủ tục khai sử dụng lao động lần đầu gần như không có ý nghĩa. Nếu xóa bỏ được thủ tục đăng ký lao động lần đầu và thay vào đó là thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm sẽ giảm bớt được thủ tục cho DN. Ngoài ra, một số thủ tục khác để gia nhập thị trường vẫn có thể cải thiện được…

“Nếu cải cách được như vậy, Chỉ số khởi sự kinh doanh chỉ còn vài thủ tục với thời gian 6 - 8 ngày, chắc chắn Việt Nam sẽ thuộc top 40 - 50 của Bảng xếp hạng chứ không còn là “chỉ số đáng xấu hổ” như có người từng nói và DN thì dễ thở”, ông Hiếu khẳng định. Điều quan trọng hơn theo tính toán của chuyên gia này, nếu bỏ bớt được 1 thủ tục, mỗi thủ tục tính bằng 1 ngày làm việc, mà trong 1 ngày có hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu giao dịch không cần thiết như vậy thì có thể tiết kiệm được cho xã hội hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng…

Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Liên quan đến việc khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN được đề cập lâu nay và đang nóng hổi trong các cuộc họp góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần “mở cửa” để hộ kinh doanh vào Luật DN. Việc chuyển đổi này là cần thiết, đạt được nhiều mục tiêu. Đó là chính thức hóa được hơn 5 triệu hộ kinh doanh thành DN để có khung khổ chính sách phù hợp tạo điều kiện cho họ hoạt động. Khi đó, đất nước sẽ có ngay hàng triệu DN chứ không phải là 1 triệu DN vào năm 2020 như mục tiêu kỳ vọng.

Thậm chí có ý kiến cho rằng cần loại bỏ hộ kinh doanh để chuyển họ thành DN tư nhân hoặc công ty. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự tồn tại và phát triển của hộ kinh doanh là một thực tế khách quan. Hộ kinh doanh chính là lực lượng dự bị lớn nhất của DN, khi nào đủ chín họ sẽ tự lớn thành DN.

Về vấn đề này, ông Hiếu cho rằng, ở góc độ nào đó, việc chuyển hộ kinh doanh thành DN là cần thiết để chuẩn hoá họ về bản chất là những đơn vị kinh doanh chuyên nghiệp và đúng với địa vị pháp lý của các chủ thể kinh doanh. Nhìn về dài hạn, điều này nhằm xoá bỏ sự quá khác biệt giữa hai khu vực kinh doanh, sự bất bình đẳng lớn giữa các loại hình kinh doanh về lao động, hoá đơn, kế toán… Việc này cũng tương tự như chúng ta đã và đang tiếp tục xoá bỏ khoảng cách phân biệt giữa DN nhà nước và dân doanh, giữa DN nước ngoài và trong nước lâu nay.

Hơn nữa, trong các quy định pháp luật hiện hành đã có quy định cổ vũ cho việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN. Dù vậy, hiện các DN vẫn còn không ít rào cản kinh doanh, bởi ngay cả việc cải thiện Chỉ số khởi sự kinh doanh - chỉ số được xem là dễ cải thiện nhất vẫn khó thực hiện, thì xem ra việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN khó mà làm ngay được. Do đó, ông Hiếu cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi, môi trường kinh doanh cần phải thực sự thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn để tạo điều kiện cho hộ chuyển đổi, DN phát triển.

Tin cùng chuyên mục