Toàn cảnh Diễn đàn. VGP |
Đây là ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn DN phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ IV với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức phát triển bền vững” do Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa qua.
Thị trường hàng nghìn tỷ USD nhưng còn lúng túng
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam dẫn Báo cáo “Kinh doanh tốt hơn, Thế giới tốt hơn” do Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững phát hành, đến năm 2030, những cơ hội kinh doanh bền vững nhằm thực hiện các mục tiêu toàn cầu trong 4 lĩnh vực được khảo sát có thể tạo ra một thị trường kinh doanh trị giá ít nhất 12.000 tỷ USD, đem lại thêm 380 triệu việc làm cho nền kinh tế toàn cầu…
Báo cáo cũng khẳng định, châu Á sẽ là khu vực có nhiều cơ hội kinh doanh nhất mà phát triển bền vững có thể mang lại so với các khu vực khác trên thế giới. Đây sẽ là động lực phát triển tuyệt vời cho các doanh nghiệp Việt Nam hướng theo con đường phát triển bền vững và nhân văn hơn. Tuy nhiên, dù cơ hội đem lại từ 12 lĩnh vực phát triển bền vững có thể mang lại giá trị kinh doanh ít nhất là 12.000 tỷ USD, song phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn lúng túng khi tiếp cận các mục tiêu phát triển bền vững; nhận thức trên toàn cầu đối với phát triển bền vững vẫn còn thấp; nhất là ở các đối tượng như người dân, người tiêu dùng, các nhà quản lý...
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (UN) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những điển hình thành công về phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức đến từ việc tăng trưởng có xu hướng ít bao trùm hơn.
Nhấn mạnh về vấn đề tác động của biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, trong giai đoạn 2017 – 2020, khu vực công – tư cần tiếp tục hợp tác để thực hiện thành công các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được phê duyệt. Trong đó, ông Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp và nhận định rằng đây là một trong những lực lượng nòng cốt thực hiện.
Có cùng quan điểm, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lưu ý thêm, bên cạnh thách thức từ biến đổi khí hậu, sự bùng nổ dân số cũng đang gây ra nhiều nguy cơ cho vấn đề an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu. Tuy vậy, trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần thấy rằng, phát triển nông nghiệp xanh, theo hướng bền vững có thể mang lại rất nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng cho Việt Nam - một đất nước có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, cần tiếp tục phát triển những mô hình kinh doanh mới, tiên tiến như: Kinh doanh cùng người thu nhập thấp, nền kinh tế tuần hoàn, DN xã hội, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, thực hiện minh bạch liêm chính trong kinh doanh, áp dụng những công cụ ưu việt trong quản trị công ty…cần được triển khai rộng hơn nữa trong cộng đồng DN và các bên liên quan.
Lãnh đạo VCCI cũng cho biết, trong thời gian tới, VCCI cũng sẽ giao VBCSD chủ trì thành lập Trung tâm Hỗ trợ DN Triển khai Nền kinh tế tuần hoàn (VCCE), qua đó thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của DN trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư tại VN, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá hàng nghìn tỷ USD do kinh tế tuần hoàn mang lại.
Chia sẻ mô hình doanh nghiệp bền vững
Tiếp nối những nội dung chia sẻ của lãnh đạo các Bộ, ngành, VCCI, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và quốc tế như Bảo Việt, Heineken, Coca-Cola, SCG, Pepsico và Vingroup… đã mang đến Diễn đàn những kinh nghiệm, bài học thực tế cũng như các thông lệ tốt tại doanh nghiệp trong việc thực hiện các sáng kiến, triển khai những mô hình kinh doanh mới hướng đến phát triển bền vững.
Với kinh nghiệm 6 năm triển khai “Kế hoạch phát triển bền vững” (USLP), ông Trần Vũ Hoài, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Đối ngoại, Unilever Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn về việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược hoạt động của Tập đoàn này. Cụ thể, có 18 nhãn hàng bền vững của Unilever tăng trưởng nhanh hơn 50% so với các nhãn hàng còn lại và chiếm tới 60% tổng doanh số của Tập đoàn.
Unilever đã tiếp cận hàng trăm triệu người thông qua các chương trình truyền thông sức khỏe, vệ sinh…” Không hề có sự đánh đổi giữa các mục tiêu bền vững lấy tăng trưởng kinh doanh mà ngược lại, hướng đến phát triển bền vững cụ thể là cải thiện sức khoẻ cho người dân và môi trường, chính là động lực cho tăng trưởng” - ông Hoài chia sẻ.
Còn ông Leo Evers, Tổng Giám đốc Điều hành HEINEKEN Việt Nam lại chia sẻ về giải pháp sáng tạo của doanh nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo cũng như tăng tỷ lệ tái chế và tái sử dụng hướng tới hoạt động không thải trong tương lai gần.
Hiện 4/6 nhà máy của HEINEKEN Việt Nam nấu bia bằng 100% năng lượng sinh khối và tới 99% phụ phẩm & phế liệu được tái chế hoặc tái sử dụng. HEINEKEN Việt Nam cũng không ngừng giảm thiểu lượng nước tiêu thụ trong sản xuất và quản lý nước thải. Năm 2016, HEINEKEN Việt Nam đã giảm được gần một nửa lượng nước tiêu thụ so với năm 2008. Nước thải tại các nhà máy luôn đảm bảo tuân thủ, thậm chí vượt trên các quy định của pháp luật, có thể tái sử dụng để trồng cây và nuôi cá.
Đây là một minh chứng cho vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện các mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và Chiến lược Quốc gia về Phát triển Bền vững.
Ông Trần Huy Trung, Phó Giám đốc Khối Quản lý Hoạt động, Thành viên Ban chỉ đạo Thường trực về phát triển bền vững Tập đoàn Bảo Việt cho biết: Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu chiến lược được gắn kết chặt chẽ trong chiến lược kinh doanh mà còn được hiện thực hóa trong các hoạt động thực tiễn của Tập đoàn này hằng ngày. Thông qua việc chia sẻ về thực tiễn gắn kết 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) trong định hướng chiến lược phát triển và kinh nghiệm tiên phong áp dụng Bộ tiêu chuẩn quốc tế về lập Báo cáo Phát triển bền vững (GRI Standards), Bảo Việt mong muốn góp phần chung tay cùng Chính phủ và các cơ quan hữu quan đưa hoạt động phát triển bền vững đi vào thực chất, đồng thời lan tỏa các giá trị bền vững tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Việc lập báo cáo tuân theo tiêu chuẩn GRI giúp Tập đoàn Bảo Việt có thể cung cấp một bức tranh tổng thể về các chủ đề trọng yếu của tổ chức và các tác động có liên quan.
Đại diện VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kiêm đồng Chủ tịch VBCSD cho rằng, kinh tế bền vững không chỉ thân thiện và nhân văn với cộng đồng mà còn tạo cơ hội phát triển cho DN.
“Chúng ta hoan nghênh việc nhiều doanh nghiệp đã giảm tới 99% phát thải khí CO2, nói “không” với xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp, sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng tới 98-99% phụ phẩm và phế liệu, tạo ra nhiều việc làm đàng hoàng cho người lao động… Ngoài các mô hình kinh doanh mới đó, mô hình doanh nghiệp xã hội cũng là một điểm sáng bền vững và nhân văn… Ở Việt Nam, doanh nghiệp xã hội đã trở thành chủ thể kinh tế được pháp luật ghi nhận và khuyến khích. Nhiều doanh nhân Việt đã chọn con đường làm doanh nghiệp xã hội để đóng góp cho phát triển cộng đồng, coi việc mang lại hạnh phúc cho mọi người là mục tiêu tối thượng…” TS Vũ Tiến Lộc cho nói.