Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet |
Tuy nhiên, vẫn còn lo lắng nếu những dự án theo hình thức này bị chi phối bởi lợi ích nhóm, nguồn lực công sẽ bị thất thoát rất lớn.
Rủi ro từ lợi ích nhóm
Khi mà các dự án BOT đang gặp phải nhiều phản ứng từ dư luận, và sự cạnh tranh về thu phí ngày càng gay gắt thì BT đang dần trở thành hình thức được áp dụng nhiều để thu hút vốn đầu tư tư nhân tại nhiều địa phương.
Theo nhiều ý kiến, dự án BT hiện ít vấp phải phản ứng từ dư luận, dù thất thoát nếu có là vô cùng lớn. Bởi vì người dân không phải bỏ tiền túi thanh toán cho dự án BT. Cái phải trả cho nhà đầu tư là quyền sử dụng đất, và người dân thường ít khi để ý đến nguồn lực quốc gia, tài sản quốc gia, coi đó như là của công, không ảnh hưởng gì đến mình.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, TS. Võ Trí Hảo, Phó Trưởng khoa Luật thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM dẫn lại ví dụ được coi là kinh điển về việc một nhà đầu tư thực hiện một dự án BT để được quyền sử dụng một hòn đảo có vị trí rất đẹp về du lịch. Nhà đầu tư đề xuất dự án làm con đường nối liền quốc lộ với đảo theo hình thức BT, và nhà đầu tư tự bỏ vốn gần 100 triệu USD để xây dựng. Sau khi xây dựng xong họ sẽ bàn giao con đường cho Nhà nước, đổi lại nhà đầu tư được quyền sử dụng 4/5 diện tích hòn đảo để phát triển dự án bất động sản cao cấp. Sau đó, giá trị quyền sử dụng đất của 4/5 diện tích hòn đảo không còn là 100 triệu USD nữa, mà được các đối tác thống nhất định giá 1 tỷ USD. Nhà đầu tư đã hưởng khoản chênh lệch 900 triệu USD từ việc định giá đất rẻ trong dự án BT này. Trong khi, theo lẽ thông thường, nhà đầu tư phải tự xây cầu, làm đường vào dự án bất động sản của mình bằng tiền của mình. Để thực hiện được kế hoạch này, nhà đầu tư phải kết hợp với “thân hữu”, cơ quan nhà nước phê duyệt dự án sẽ được chia sẻ lợi ích.
TS. Võ Trí Hảo cho rằng, các dự án BT không sử dụng ngân sách, nhưng Nhà nước phải sử dụng nguồn lực công là đất đai để đánh đổi cho nhà đầu tư. Và rủi ro xuất hiện khi có lợi ích nhóm, sân sau, định giá rẻ nguồn lực công này.
Thực tế thời gian gần đây cũng cho thấy nhiều dự án BT do nhà đầu tư đề xuất, sau đó đưa ra sơ tuyển, không có nhà đầu tư nào khác quan tâm và nhà đầu tư đề xuất dự án được chỉ định thầu. Theo TS. Võ Trí Hảo, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc không có nhà đầu tư khác quan tâm là do họ nhìn thấy dự án đã có chủ, do lợi ích nhóm, “cánh hẩu” chi phối. Không ít dự án BT do nhà đầu tư đề xuất khởi phát từ việc nhà đầu tư nhắm đến một khu đất nào đó, gặp lãnh đạo địa phương, “hai bên” vẽ ra một dự án công nào đó để có cớ dùng khu đất này hoàn vốn. Và khi đó, việc định giá quyền sử dụng đất, cũng như định giá chi phí công trình nếu không chặt chẽ sẽ rất dễ dẫn đến cơ hội kiếm chác cho cả doanh nghiệp và cán bộ nhà nước.
Chặn rủi ro từ gốc
Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT thì cho rằng, quan trọng nhất là phải lập dự toán công trình chính xác và định giá đúng quỹ đất hoàn vốn. Những thất thoát của dự án BT không phải phát sinh từ quy trình đấu thầu, từ bản chất của hình thức hợp đồng đầu tư này, mà từ cách thức thực hiện. Nếu định giá đúng từ đầu thì dù có chỉ định thầu cũng không xảy ra thất thoát.
Điều này cũng giống như anh dự kiến xây một ngôi nhà, anh tính toán rất sát giá theo giá thị trường hết 5 tỷ đồng, nhà thầu xây dựng có làm đúng 5 tỷ đồng thì anh cũng không mất gì. Trong trường hợp khác nếu có nhiều nhà thầu cạnh tranh, họ bắt buộc phải giảm giá để được lựa chọn, chi phí xây dựng có thể giảm xuống 4,5 tỷ đồng thì anh tiết kiệm được 500 triệu đồng. Nhưng ngay từ đầu nếu anh tính toán không sát, chi phí lên tới 7 tỷ đồng, thì dù có cạnh tranh, giảm giá xuống 6 tỷ đồng đi nữa, anh vẫn mất 1 tỷ đồng.
Dù đã có những quy định về lập dự toán công trình, về xác định giá trị đất, thế nhưng vấn đề định giá công trình, giá trị quỹ đất trong dự án BT còn phụ thuộc rất nhiều vào người thực hiện, vào chính cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Lợi ích nhóm cũng từ con người. Cho nên theo TS. Võ Trí Hảo, để giải quyết được tận gốc chính là phải chống được lợi ích nhóm.
Thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa được phát ra là: “Xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm”. Thông điệp này là cần thiết với mọi lĩnh vực kinh tế nói chung, và dự án BT nói riêng khi mà lợi ích và thất thoát nếu có từ những dự án này là không nhỏ.