Do độc quyền nên giá trúng thầu các gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục đều sát giá gói thầu được phê duyệt. Ảnh: Hoài Tâm |
Đi đâu cũng gặp chiêu cài cắm
Báo Đấu thầu tiếp nhận văn bản về việc đề nghị làm rõ HSMT Gói thầu: Thiết bị phục vụ nhu cầu dạy và học thuộc dự án: Trường Tiểu học thị trấn Thủ Thừa (Long An) của nhà thầu Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh thiết bị giáo dục Thành Kiên. Theo văn bản này, nhiều nội dung của HSMT đã lộ rõ tính định hướng cho một nhà sản xuất cụ thể, các hãng khác trên thị trường đều không thể đáp ứng. Cụ thể, về tính năng máy vi tính trang bị cho phòng vi tính và phòng lab: “Case mATX front USB 3.0 With PSU 450W có tính năng khóa mở thùng máy tính từ xa bằng cảm biến điện tử.” Qua tìm hiểu thị trường của Nhà thầu Thành Kiên thì đây là sản phẩm độc quyền của một nhà sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó HSMT yêu cầu phải có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất thì Nhà thầu Thành Kiên không thể có được giấy phép đó do nhà sản xuất đã cấp cho nhà thầu khác và không cấp cho nhà thầu này.
Nhà thầu Thành Kiên đặt câu hỏi, tính năng này có phù hợp cho môi trường giáo dục không? Có tác dụng gì? Để tính năng này có tác dụng thì phải cấp nguồn điện 220V liên tục, nếu không có điện thì thiết bị hoàn toàn bị vô hiệu hóa, vậy có lãng phí tiền điện không?
Qua trao đổi với Báo Đấu thầu, rất nhiều nhà thầu cung cấp thiết bị trường học tại TP.HCM và một số tỉnh tại Tây Nam Bộ cho biết, hiện nay, tình trạng này đang quá phổ biến, đã xảy ra tại các tỉnh như An Giang, Long An, Tiền Giang... HSMT “nhan nhản” những tiêu chí độc quyền, nhắm đến một hãng sản xuất cụ thể. Do độc quyền nên giá trúng thầu các gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục đều sát giá gói thầu được phê duyệt.
Đi ngược lại tinh thần của Luật Đấu thầu
Theo ông Từ Văn Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh thiết bị giáo dục Thành Kiên, trong môi trường giáo dục thì các sản phẩm thiết bị là hàng hóa thông thường, thông dụng, có sẵn trên thị trường, đã được các nhà sản xuất tiêu chuẩn hóa cho ngành Giáo dục và được bảo hành, bảo trì theo quy định của nhà sản xuất nên không cần phải có giấy phép bán hàng hoặc ủy quyền bán hàng.
Trong khi đó, Khoản 7 Điều 12 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định: “Chỉ yêu cầu nhà thầu nộp Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác (GCNQHĐT) trong trường hợp hàng hóa là đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế”.
Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) quy định chi tiết lập HSMT, mua sắm hàng hóa (Thông tư 05) cũng quy định cụ thể tại Điều 6: “(1) Đối với hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc GCNQHĐT hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương. (2) Đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế và các dịch vụ liên quan khác thì trong HSMT có thể yêu cầu nhà thầu tham dự thầu phải cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc GCNQHĐT hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương…”.
Việc những gói thầu mua sắm hàng hóa trang thiết bị giáo dục đơn giản, thông dụng ở các địa phương hạn chế nhà thầu bằng cách loại bỏ những tiêu chí cạnh tranh, minh bạch trong HSMT đã làm giảm hiệu quả, tiết kiệm thấp ngân sách đầu tư cho giáo dục thông qua đấu thầu.