Theo Alibaba tại Việt Nam, những ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam đang được thị trường EU ưa chuộng là nông sản, thực phẩm, đồ uống, xây dựng. Ảnh Internet |
Chủ đề này được các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các đại diện DN tập trung thảo luận tại Hội thảo Xuất khẩu Việt Nam trước thềm Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và xu hướng chuyển đổi số diễn ra ngày 21/11, tại Hà Nội.
Xu hướng tất yếu
EVFTA đã chính thức được ký kết, mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và các DN xuất khẩu nói riêng. Theo đó, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Trong khi đó, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các DN thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế cũng như việc kết nối kỹ thuật số là những xu hướng phát triển tác động mạnh mẽ đến việc kinh doanh. Đây là xu hướng mà các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa cần phải nắm bắt để nâng cao sức cạnh tranh, từ đó đóng góp vào việc phát triển kinh tế của đất nước.
Theo bà Judy Ke, chuyên gia tư vấn đào tạo và tư vấn về thương mại quốc tế, việc chuyển đổi số sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến lĩnh vực xuất nhập khẩu toàn cầu do đây là phương thức không cần quá nhiều vốn mà vẫn có thể tiếp cận được thị trường toàn cầu.
Một trong những nội dung của chuyển đổi số, theo bà Judy Ke, là ứng dụng nền tảng thương mại trực tuyến. Thông qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa có thể xuất khẩu và tiếp cận được những đối tác mua hàng trên toàn cầu.
Sự sẵn sàng kết nối của doanh nghiệp
Muốn tăng cường xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới bằng hình thức TMĐT, ông Đào Mạnh Khôi - Giám đốc kinh doanh của Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB (đại lý ủy quyền chính thức của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam) cho rằng, các DN cần nâng cao nhận thức về hiệu quả của công cụ số, tập trung đầu tư nhiều hơn cho đội ngũ nhân sự triển khai TMĐT, giao tiếp bằng ngoại ngữ và chuẩn bị sản phẩm có tính cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã cũng như giá cả.
Qua khảo sát của Alibaba, ông Khôi cũng cho biết, nhu cầu mua hàng của thị trường EU đối với hàng hóa Việt Nam hiện nay là rất lớn. Những ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam đang được ưa chuộng tại thị trường này có thể kể đến: nông sản, thực phẩm, đồ uống, xây dựng.
Mặc dù đã và đang thực hiện nhiều giao dịch xuyên biên giới như xuất nhập khẩu hàng hóa từ các nước EU và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc..., nhưng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (HAPULICO), DN chưa từng tham gia các sàn giao dịch TMĐT. Bởi lẽ, lâu nay, HAPULICO vẫn có suy nghĩ là các sàn giao dịch TMĐT chỉ dành cho các sản phẩm tiêu dùng, chứ không phải các sản phẩm công ích như hệ thống chiếu sáng công cộng... phục vụ cho mua sắm công của Chính phủ với khối lượng đơn hàng lớn.
Nhận định xu hướng chuyển đổi số là tất yếu, ông Tuấn cho rằng, trong thời gian tới, DN sẽ mạnh dạn chuyển đổi số để nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm trong thị trường mua sắm công ở các nước thành viên EVFTA, CPTPP... Là DN có vốn nhà nước, rào cản lớn nhất là rủi ro mất vốn, nhưng khi hoàn thành việc cổ phần hóa vào năm 2020, HAPULICO sẽ chủ động hơn, chấp nhận rủi ro để có được cơ hội lợi nhuận tốt hơn. Thực tế cho thấy, DN đã tiết giảm được khá nhiều thời gian, chi phí tiền bạc, nhân sự cũng như có thêm nhiều cơ hội cung ứng sản phẩm, thiết bị trực tiếp và gián tiếp nhờ việc tham gia đấu thầu điện tử ở trong nước thời gian qua.
Nhưng sự sẵn sàng của DN là chưa đủ. Để DN có thể tận dụng được các cơ hội nêu trên, một DN cho rằng, Chính phủ cần phải cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là chính sách pháp luật phải ổn định. Thực tế, trong 1 năm trở lại đây, DN này đã gặp phải khó khăn trong việc xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hồ sơ phải sửa đi sửa lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian. Do đó, DN mong muốn Nhà nước sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để rút ngắn thời gian cho DN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.