Cơ chế đặc thù cho địa phương: Tạo điều kiện bứt phá song có kiểm tra, giám sát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát biểu tại Hội trường Quốc hội ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quan điểm về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố là tạo điều kiện cho địa phương bứt phá, song đề cao tính tự lực, tự cường, năng động, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước (NSNN), tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với xác định trách nhiệm cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc để cho các địa phương được quyền điều chỉnh phí, lệ phí có thể làm giảm sức cạnh tranh đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, đặc biệt tại các cảng lớn như Hải Phòng, Nghi Sơn. Ảnh: Lê Tiên
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc để cho các địa phương được quyền điều chỉnh phí, lệ phí có thể làm giảm sức cạnh tranh đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, đặc biệt tại các cảng lớn như Hải Phòng, Nghi Sơn. Ảnh: Lê Tiên

Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế), một số điểm được đại biểu Quốc hội tập trung là dư nợ vay của địa phương, bổ sung ngân sách địa phương (NSĐP) từ nguồn tăng thu, chính sách phí và lệ phí được áp dụng tại địa phương.

Theo quy định hiện hành của Luật NSNN, mức dư nợ vay của NSĐP không được vượt quá 20% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp, nhưng trên thực tế nhiều địa phương chưa sử dụng hết định mức hiện tại. Trong khi đó, con số này tại Dự thảo là 40% đối với Huế, Nghệ An và 60% đối với Hải Phòng, Thanh Hóa. Do đó, theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), cần làm rõ cơ sở xây dựng hạn mức dư nợ vay, phương án sử dụng vốn vay, dự kiến hiệu quả kinh tế, nguồn trả nợ vay và điều quan trọng là cần tính toán thêm dựa trên mức độ cần thiết, phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương đang nhận trợ cấp của Trung ương.

Đại biểu Đoàn Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, cần bổ sung các nguyên tắc về vay nợ của chính quyền địa phương, cơ chế chịu trách nhiệm cam kết trả nợ, hiệu quả vốn vay, có hiệu ứng lan tỏa vùng, quốc gia và tránh tăng trần nợ công.

Bên cạnh đó, bà Mỹ Hương cũng băn khoăn về cơ chế phí, lệ phí của các tỉnh, thành phố được hưởng cơ chế đặc thù. “Nên xem xét tính tuân thủ và nhất quán về pháp luật khi thực hiện chính sách phí và lệ phí này. Tránh tình trạng các địa phương điều chỉnh quá mức, gây khó cho người dân và doanh nghiệp. Nên chăng quy định tỷ lệ % nhất định được điều chỉnh theo quy định hiện hành”, bà Hương nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho rằng, việc để cho các tỉnh, thành phố được quyền điều chỉnh phí, lệ phí có thể tạo rào cản với hoạt động đầu tư, làm giảm sức cạnh tranh đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, đặc biệt tại các cảng lớn như Hải Phòng, Nghi Sơn.

Bên cạnh đó, ông Minh đề xuất cần làm rõ quy định bổ sung ngân sách trung ương cho NSĐP. Dự thảo quy định, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thừa Thiên Huế và Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng giao, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Đối với Thanh Hóa, ngân sách trung ương bổ sung không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn. Đối với Hải Phòng, ngân sách trung ương bổ sung không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách Thành phố. Một số khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xác định tỷ lệ dư nợ vay được nghiên cứu theo hướng phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển, khả năng hấp thụ vốn, khả năng vay và trả nợ của từng địa phương. Do đó, mức dư nợ khác nhau tùy theo từng tỉnh, thành phố. Đồng thời, việc tăng dư nợ vay của các địa phương được kiểm soát trong giới hạn bội chi NSNN, trần nợ công của cả nước và được Quốc hội xem quyết định hàng năm.

“Một số địa phương những năm qua chưa dùng hết dư nợ là thực tế. Song nếu chúng ta có cơ chế về dư nợ này, các địa phương có thể chủ động tính toán nhu cầu, thu xếp nguồn vay, tính toán hiệu quả dự án và sử dụng khi có nhu cầu. Các khoản vay này đều dùng cho chi đầu tư phát triển”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Về bổ sung NSĐP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các tỷ lệ này được thực hiện với điều kiện cụ thể về tăng thu của địa phương và ngân sách trung ương không hụt thu. Đây là cách thức để bảo đảm vai trò chủ đạo, khả năng thực tế hỗ trợ của ngân sách trung ương, đồng thời tránh tình trạng địa phương đưa ra dự toán thu ngân sách không sát thực tế.

Về chính sách phí, lệ phí, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc phân cấp nhằm tăng tính chủ động, linh hoạt và phù hợp với thực tế từng địa phương và thống nhất là cần có lộ trình thực hiện để tránh ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân.

Tin cùng chuyên mục