Ảnh minh họa: Internet |
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), năm 2018, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu hồi phục tích cực sau khi suy giảm 23% trong năm 2017; M&A xuyên quốc gia tăng 84%, với giá trị lên 1 nghìn tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Đối với Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của hoạt động M&A đang được đánh giá khá tốt. Theo Nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam, quy mô thị trường M&A năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2008. Riêng trong năm 2017, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến thời điểm đó. Trong đó, thương vụ lớn kỷ lục của thập kỷ thuộc về ThaiBev (Thái Lan), thông qua công ty con Vietnam Beverage mua lại 51% của Sabeco, công ty bia lớn nhất Việt Nam, trị giá 5 tỷ USD. Dự báo năm 2018, giá trị M&A tại Việt Nam có thể đạt 6,5 - 6,9 tỷ USD. Trong trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam có thể vượt qua mốc 5 tỷ USD/năm của giai đoạn 2014 - 2016 để ổn định ở mốc 6 - 6,5 tỷ USD/năm.
GS. TSKH. Nguyễn Mại đánh giá, M&A có lợi không chỉ ở khía cạnh thu hút vốn thực, mà ở nhiều mặt, và đây là xu hướng chắc chắn phát triển trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn M&A gần đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động M&A gắn với cổ phần hóa DNNN lớn trong các lĩnh vực, như vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển.
Khuyến nghị cho kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn thời gian tới, tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất diễn ra đầu tháng 12/2018, ông Richard D. McClellan, Công ty Luật McKinsey khuyến nghị cổ phần hóa phải ưu tiên lĩnh vực hấp dẫn nhất về mặt kinh tế. Đồng thời, để có thể song hành với mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, thì cần tìm kiếm phương thức nhằm tăng sở hữu của người Việt Nam trong quá trình cổ phần hóa DNNN.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ KH&ĐT thì cho rằng, về vấn đề cơ cấu cổ đông khi cổ phần hóa DNNN, hiện nay chúng ta rất khuyến khích các cổ đông chiến lược, điều này đúng và cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần khuyến khích các loại cổ đông đại chúng để người dân tham gia đóng góp nhiều hơn, chứ không chỉ là các nhà đầu tư chiến lược, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Như thế cũng sẽ góp phần tạo công bằng xã hội tốt hơn và tăng tính tự chủ của nền kinh tế đất nước.