Trở lại sàn chứng khoán vào đầu tháng 6, cổ phiếu BBT của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết có 13 phiên tăng trần liên tiếp, trước khi chững lại ở vùng giá 16.000 đồng. Tuy nhiên, con số này cũng gấp gần 7 lần so với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên ngày 12/6 - 2.300 đồng.
Tương tự, cổ phiếu IFS của Công ty cổ phần Thực phẩm quốc tế - đơn vị sở hữu thương hiệu Wonderfarm, cũng tăng hơn 23% trong ba phiên gần nhất nhờ báo lãi nửa đầu năm 2018 tăng đột biến. Trước đó, cách đây nhiều năm, cả hai cổ phiếu này từng rời sàn chứng khoán do khoản lỗ vượt quá vốn điều lệ.
Sự trở lại của Bông Bạch Tuyết hay ông chủ thương hiệu trà bí đao Wonderfarm đều gắn với những tín hiệu về sự "hồi sinh" trong hoạt động kinh doanh.
Ngày trở lại của Bông Bạch Tuyết trên sàn chứng khoán, không nhiều nhà đầu tư chú ý đến thương hiệu này. Tuy nhiên, cổ phiếu BBT vẫn đi lên và tăng gần 7 lần giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên.
Từng là thương hiệu Việt đình đám một thời khi chiếm tới 90% thị phần bông y tế, nhưng cái tên Bông Bạch Tuyết bị lu mờ bởi kết quả kinh doanh thua lỗ trong quá khứ.
Năm 2004, Bông Bạch Tuyết trở thành cố phiếu thứ 23 niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm, công ty này báo lỗ tổng cộng 14 tỷ đồng cùng hàng loạt khoản nợ quá hạn thanh toán cho ngân hàng và các bên liên quan.
Trong 4 năm từ 2005 đến 2008, nội bộ công ty này thường xuyên xảy ra xung đột. Bên cạnh đó, các quyết định đầu tư không chính xác khiến năng lực sản xuất tăng vọt trong khi khả năng bán hàng không kịp đáp ứng. Liên tục thua lỗ, Bông Bạch Tuyết đã buộc phải ngừng sản xuất từ tháng 7/2008 và cổ phiếu bị huỷ niêm yết sau đó một năm.
Cuối năm 2009, một tháng sau khi huỷ niêm yết, Bông Bạch Tuyết hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vị thế mất đi sau nhiều năm vật lộn trong thua lỗ, cùng các khoản nợ ngân hàng khiến Bông Bạch Tuyết chưa thoát khỏi cảnh khó khăn. Kết quả là kịch bản thua lỗ diễn ra dai dẳng trong nhiều năm kế tiếp.
Dù vậy, hai năm trở lại đây, Bông Bạch Tuyết đang cho thấy những tín hiệu hồi sinh sau quãng thời gian dài chật vật. Doanh thu thuần năm 2017 đạt trên 92 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016. Hai năm liên tiếp 2016 và 2017, công ty cùng báo lãi trên 14 tỷ đồng.
Năm 2018, Bông Bạch Tuyết đặt mục tiêu doanh thu tăng 15% lên 113 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế dự báo chỉ bằng 90% năm trước, xấp xỉ 13 tỷ đồng do không còn được chuyển lỗ. Tuy nhiên, điểm sáng của công ty là việc đàm phán và được một số chủ nợ như Agribank, Ngân hàng Quân đội… đồng ý xem xét miễn, giảm lãi vay.
Với Interfood - ông chủ thương hiệu trà bí đao Wonderfarm, cổ phiếu IFS của công ty này vừa "cháy hàng" sau khi ghi nhận lợi nhuận bán niên kỷ lục. Trong nửa đầu năm 2018, Interfood đạt 112 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 97% cùng kỳ và vượt 12% kế hoạch cả năm được thông qua.
Tương tự Bông Bạch Tuyết, Interfood từng ngụp lặn trong thua lỗ nhiều năm liền và bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ.
Năm 2007, hai năm sau khi ký hợp đồng sử dụng thương hiệu Wonderfarm, công ty này bất ngờ rơi vào vòng xoáy thua lỗ từ việc thay đổi nhà máy sản xuất, cùng với sự vươn lên của nhiều thương hiệu nước giải khát.
Kể cả khi Kirin - một trong những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm lớn nhất châu Á, trở thành công ty mẹ chi phối hoạt động của Interfood, đà thua lỗ cũng không chấm dứt. Kết quả này khiến toàn bộ cổ phiếu IFS trên HoSE bị hủy niêm yết vào đầu năm 2013, do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ.
Nhưng cũng như Bông Bạch Tuyết, công ty này đang trở lại với tốc độ ngày càng nhanh trong hai năm gần đây. Nút thắt kinh doanh được giải quyết với tỷ lệ biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhanh chóng. Con số này đến nửa đầu năm 2018 đạt hơn 40%, tương đương với những doanh nghiệp hàng đầu như Tân Hiệp Phát hay Coca-Cola.
Con số lợi nhuận trăm tỷ trong 6 tháng đầu năm không chỉ kéo lại hy vọng cho sự phục hồi của Interfood, mà còn thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trở lại với công ty này. Chỉ trong ba phiên gần nhất sau khi công bố báo cáo tài chính, cổ phiếu IFS của Interfood đã tăng hơn 23% lên gần 11.000 đồng.