Cổ phiếu của đại gia Phú Yên rớt giá thảm

Thua lỗ triền miên và nợ vay nghìn tỷ khiến cổ phiếu GTT từ vùng giá 20.000 đồng trong phiên giao dịch đầu tiên giảm sâu xuống còn 400 đồng.
Sau khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM hủy niêm yết, cổ phiếu GTT tiếp tục đà giảm mạnh trên sàn UPCoM.
Sau khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM hủy niêm yết, cổ phiếu GTT tiếp tục đà giảm mạnh trên sàn UPCoM.

Hoạt động kinh doanh trong quý III của Công ty cổ phần Thuận Thảo (mã CK: GTT) – doanh nghiệp “đầu tàu” của tỉnh Phú Yên, tiếp tục lao dốc không phanh và ngày càng chìm sâu vào khoản nợ nghìn tỷ.

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, doanh thu thuần quý này xấp xỉ 13 tỷ đồng và nâng lũy kế từ đầu năm đến nay lên 41 tỷ đồng, giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản lợi nhuận gộp ít ỏi không đủ bù đắp lãi vay ngân hàng, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp khiến công ty lỗ sau thuế hơn 42 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế đến hiện tại đã vượt mức 1.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 600 tỷ.

Tính đến cuối kỳ báo cáo, ngoài khoản vay và nợ thuê tài chính lên đến 660 tỷ đồng, công ty còn nợ nhóm cổ đông sáng lập 47 tỷ đồng tiền vay, cổ tức và thù lao quản trị. Trong số này, khoản nợ của bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT công ty chiếm 40 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh bết bát khiến cổ phiếu GTT phải chịu chung số phận. Thuận Thảo đưa 29 triệu cổ phiếu niêm yết lần đầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM với giá tham chiếu 20.000 đồng. Sau thời gian dài thua lỗ triền miên khiến lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp, cổ phiếu bị hủy niêm yết vào giữa tháng 6/2016.

Cổ phiếu này đang giao dịch ở vùng giá 400 đồng, giảm phân nửa so với giá tham chiếu phiên đầu tiên khi chuyển sang sàn UPCoM. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải mức thấp nhất bởi hồi đầu năm, sau khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 được công bố, cổ phiếu này giảm sâu chỉ còn 200 đồng. Vốn hóa thị trường của công ty tại thời điểm đó chưa đến 9 tỷ đồng.

Dấu hiệu tụt dốc của Thuận Thảo xuất hiện từ khoảng năm 2009, sau khi chuyển từ mô hình doanh nghiệp vận tải lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn và tiếp đến là công ty cổ phần. Đây cũng là giai đoạn hoàng kim khi vốn điều lệ tăng “thần tốc” để mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực mới như dịch vụ lữ hành, chăm sóc sắc đẹp, sản xuất nước uống tinh khiết…

Đặc biệt, mảng bất động sản và nghỉ dưỡng được công ty nổi tiếng bậc nhất miền Trung thời điểm đó chú trọng và kỳ vọng sẽ mang về lợi nhuận khổng lồ khi hoàn thành. Nhờ lợi thế sở hữu quỹ đất 337.000 m2 nằm ngay trung tâm thành phố Tuy Hòa, cộng với việc sáp nhập cùng lúc hai công ty hoạt động trong lĩnh vực địa ốc và du lịch nên công ty nhanh chóng triển khai hàng loạt dự án lớn với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Chính quyết định mạo hiểm vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn khiến Thuận Thảo sa lầy.

Điển hình trong số những dự án từng được công ty "ôm mộng" lãi trăm tỷ là khách sạn 5 sao đầu tiên và duy nhất của Phú Yên hiện nay. Công trình gồm 218 phòng ngủ hạng sang, kèm nhiều công trình phụ trợ như hồ bơi, phòng họp hiện đại… được đánh giá là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sử dụng vốn vay quá lớn và kéo tỷ suất lợi nhuận của công ty trong giai đoạn xây dựng xuống mức rất thấp.

Ngoài ra, khu Resort & Spa Golden Beach có tổng vốn đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, trên diện tích 10 ha cũng từng được đánh giá rất tốt về tiềm năng phát triển và dự báo đóng góp lớn cho doanh thu công ty. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành giai đoạn đầu vào năm 2008 và tiếp tục khởi công giai đoạn 2 từ năm 2010 thì đến nay công trình này vẫn còn dang dở. Hoặc như dự án khu du lịch sinh thái Thuận Thảo liên tục được đầu tư mở rộng nhằm cạnh tranh với các khu vui chơi giải trí trên cả nước, nhưng lượng khách tham quan rất khiêm tốn.

Lý giải về nguyên nhân thua lỗ triền miên, ban lãnh đạo công ty thừa nhận dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng đầu tư với tiêu chuẩn quá tầm so với thị trường địa phương, cộng thêm lượng khách ngoài tỉnh hạn chế do sản phẩm du lịch và các dự án đầu tư vào Phú Yên còn chậm, dẫn đến hiệu quả khai thác không như mong muốn. Các tài sản hoạt động nhiều năm nên xuống cấp trầm trọng, trong khi việc tiếp cận vốn vay để nâng cấp và đầu tư bổ sung đang gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc chưa thật sự mang lại hiệu quả, trong khi công ty vẫn chịu các khoản chi phí bất biến như tiền lương, khấu hao, lãi vay ngân hàng, chậm nộp thuế…

Để xử lý những khó khăn về tài chính, công ty sẽ chuyển nhượng tài sản của các dự án và một số lĩnh vực kinh doanh. Đồng thời, xử lý các tài sản thế chấp đang vay vốn tại ngân hàng theo luật định nhằm tạo nguồn vốn tái cầu trúc, nâng cấp tài sản và tìm nhà đầu tư liên doanh – liên kết.

Tin cùng chuyên mục