Những chiếc tàu thuỷ đầu tiên qua âu tàu Nghĩa Hưng |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ký Quyết định số 1157/QĐ-GTVT về việc công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng.
Cụ thể, luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng gồm luồng đường thủy nội địa có chiều dài 2,104 km (bao gồm chiều dài âu tàu) với điểm đầu tại Km8+300 sông Ninh Cơ thuộc địa phận xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; điểm kết thúc tại Km35+450 sông Đáy, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Cấp kỹ thuật của luồng là cấp đặc biệt (phía sông Đáy có bề rộng đáy 90m, cao trình đáy - 6,3m; phía sông Ninh Cơ có bề rộng đáy 100m, cao trình đáy - 6,7m); tĩnh không thông thuyền tại vị trí cầu vượt âu là 15m tương ứng với cao độ mực nước +1,48 m (hệ cao độ quốc gia).
Công trình âu tàu Nghĩa Hưng có chiều dài âu 279m; chiều dài buồng âu 179m; chiều dài hữu dụng 130 m; chiều rộng 17m; cao trình đáy âu -7 m; cao trình đỉnh âu +3,5m (hệ cao độ quốc gia); kết cấu bê tông cốt thép, tường đứng hình chữ U; trọng tải phương tiện được phép đi qua âu đến 3.000 DWT.
Bộ GTVT giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì, bảo vệ luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng, âu tàu Nghĩa Hưng theo quy định…
Luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng, hay còn được biết đến với cái tên cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ là hạng mục cuối cùng thuộc Dự án Phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc Bộ sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).