Tiêu chí “hợp đồng tương tự là hợp đồng thi công/mua sắm được ký với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã hoàn thành xong” gây hạn chế cạnh tranh. Ảnh minh họa: Tiên Giang |
Cuối tháng 8 vừa qua, Tư vấn Quang Tùng được UBND phường An Tảo, TP. Hưng Yên giao tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Nâng cấp một số tuyến giao thông trong khu dân cư thuộc khu phố An Dương, phường An Tảo (giá dự toán 12,268 tỷ đồng). Tại gói thầu này, để đạt đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, HSMT quy định nhà thầu phải có “hợp đồng tương tự là hợp đồng thi công công trình giao thông cấp IV được ký với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã hoàn thành”. Ngày 6/9, Gói thầu được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu là Công ty TNHH Kihuta Việt Nam, với giá trúng thầu 12,251 tỷ đồng, giảm giá 17 triệu đồng sau đấu thầu.
Tháng 7/2022, bất cập tương tự cũng xuất hiện tại Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới phường Hồng Châu, TP. Hưng Yên (giá dự toán 18,998 tỷ đồng). Cụ thể, HSMT yêu cầu nhà thầu tham dự phải có hợp đồng tương tự là hợp đồng thi công công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III được ký với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Kết quả mở thầu cho thấy, Công ty TNHH Xây dựng Bình Minh Việt Nam là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu với giá 18,971 tỷ đồng, giảm 27 triệu đồng so với dự toán gói thầu.
Mở rộng khảo sát cho thấy, tình trạng gây hạn chế cạnh tranh bằng cách yêu cầu về hợp đồng tương tự cũng xảy ra tại phần lớn các gói thầu xây lắp do BMT này tổ chức lựa chọn nhà thầu trong gần 2 năm qua, dẫn tới 100% số gói thầu chỉ thu hút một nhà thầu tham dự và trúng thầu, với tỷ lệ tiết kiệm rất thấp.
Bên cạnh “chốt chặn” hợp đồng tương tự, yêu cầu về nhân sự chủ chốt tại nhiều gói thầu xây lắp quy mô nhỏ do đơn vị này làm tư vấn lập HSMT cũng được cho là quá cao so với gói thầu đang xét. Đơn cử như Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Đường vào khu dân cư mới thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động có dự toán 1,7 tỷ đồng, loại công trình giao thông cấp IV, song HSMT quy định chỉ huy trưởng phải đáp ứng hàng loạt điều kiện về bằng cấp, kinh nghiệm như: đã làm chỉ huy trưởng tối thiểu 3 công trình giao thông; có chứng chỉ hành nghề giám sát xây dựng công trình giao thông hạng III trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chỉ huy trưởng công trường; có giấy chứng nhận huấn luyện an toàn lao động - vệ sinh môi trường... Các yêu cầu này cũng được áp dụng để đánh giá đối với các vị trí cán bộ kỹ thuật.
Không chỉ trong lĩnh vực xây lắp, HSMT các gói thầu mua sắm hàng hóa do Tư vấn Quang Tùng lập cũng tồn tại yêu cầu hợp đồng tương tự phải là hợp đồng mua sắm hàng hóa cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đã hoàn thành toàn bộ. Theo đó, chỉ một số nhà cung cấp trên địa bàn tỉnh thường xuyên được trao hợp đồng.
Theo đánh giá của một chuyên gia đấu thầu, đối chiếu các quy định hiện hành về đấu thầu, Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thì việc HSMT bó hẹp phạm vi đáp ứng của hợp đồng tương tự, hay yêu cầu đồng thời nhiều chứng chỉ, chứng nhận đối với nhân sự thi công xây dựng, đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá không phù hợp với quy mô, phạm vi gói thầu như trên là gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng trong đấu thầu.