CotecCons: Cổ phiếu đang giao dịch trên đỉnh?

(BĐT) - Phiên giao dịch ngày 12/7/2016, cổ phiếu CTD của Công ty CP Xây dựng CotecCons đóng cửa ở mức giá 208.000 đồng/CP, sau khi lập kỷ lục 210.000 đồng hôm 8/7/2016. CTD vẫn giữ vững ngôi vương trên thị trường chứng khoán Việt Nam với thị giá cao nhất thị trường, vượt xa cổ phiếu đứng thứ 2 là BMP của Nhựa Bình Minh (hơn 158.000 đồng/CP).
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Không phải là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn (vốn điều lệ của CotecCons chưa đến 500 tỷ đồng) nhưng CotecCons được đánh giá là một trong những nhà thầu xây dựng uy tín nhất hiện nay. Công ty vừa thắng thầu Dự án Xây dựng tòa nhà The Landmark 81 do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư sau khi vượt qua các đối thủ ngoại giàu tiềm năng là Lotte và SsangYong (Hàn Quốc).

Cổ phiếu CTD được đánh giá cao bất chấp diễn biến thị trường. Trong 3 năm trở lại đây, từ mức giá xung quanh 30.000 đồng/CP, hiện CTD đã tăng gấp 6,5 lần. Với những nhà đầu tư giá trị, CTD quả là món hời. Nếu như chỉ số Vn-Index mới chỉ thể hiện xu hướng tăng tương đối rõ nét trong nửa năm trở lại đây, cổ phiếu CTD đã có xu hướng này trong vòng 3 năm nay.

Kết quả kinh doanh khởi sắc

Năm 2015, CotecCons đã có một năm làm ăn khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận vượt trội so với các năm trước đó. Cụ thể, doanh thu của CotecCons tăng 79%, đạt 13.669 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dành cho công ty mẹ tăng gấp đôi, đạt 666 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ 2011 - 2015, mức tăng trưởng bình quân doanh thu và lợi nhuận của CotecCons lần lượt đạt 35% và 41%. Với doanh thu năm 2015, CotecCons nhanh chóng gia nhập đội ngũ các doanh nghiệp đạt hơn 10.000 tỷ đồng doanh thu, và EPS vượt con số 10.000 đồng/CP (14.770 đồng/CP).

Với giá trị sổ sách của CTD tại thời điểm cuối quý I/2016 đạt 74.333 đồng/CP và mức EPS nói trên, giá trị giao dịch hiện tại của CTD tương ứng với mức P/B (giá/giá trị sổ sách) và P/E (hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu) lần lượt đạt 2,82 lần và 14,2 lần.

Trong một bài viết đăng trên MoneyWeek ngày 26/5/2016, bà Merryn Somerset Webb, chủ biên tờ báo cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang “siêu rẻ” khi có tới gần 400 cổ phiếu có P/E dưới 10 lần và một nửa số cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị sổ sách. Chiểu theo nhận xét của bà Merryn Somerset Webb, cổ phiếu CTD rõ ràng vượt ra khỏi tình hình chung về “cổ phiếu rẻ” của thị trường Việt Nam.

Căn cứ vào diễn biến giao dịch cổ phiếu CTD, có thể thấy rằng các cổ đông lớn của Công ty chưa muốn “chốt lời” mặc dù CTD đã liên tục lập kỷ lục về mức giá. Kỳ vọng về mức giá tốt hơn trong tương lai có thể là ngọn nguồn của việc nắm giữ cổ phiếu CTD.

ĐHCĐ thường niên 2016 của CotecCons đã thông qua phương án chia cổ tức 55% bằng tiền mặt năm 2015. Kế hoạch lợi nhuận năm 2016 được đặt ra là 800 tỷ đồng, tăng 20% sau mức lợi nhuận đột biến năm 2015 vừa qua. Trong riêng quý I/2016, CotecCons lãi ròng 240 tỷ đồng, tương đương 30% kế hoạch đề ra.

Biến động Doanh thu/LNST của CotecCons 5 năm gần nhất (Đơn vị: Tỷ đồng)

Đầu tư giá trị

Rõ ràng CTD là một cổ phiếu uy tín, thích hợp với việc đầu tư và nắm giữ dài hạn. Chiến lược đầu tư của các cổ đông lớn, bao gồm các quỹ cho thấy điều đó. Hiện với mức giá liên tục tạo đỉnh, CTD có thể không còn phù hợp với nhà đầu tư lướt sóng khi việc điều chỉnh có thể diễn ra bất kỳ lúc nào.

Theo kế hoạch, cuối năm nay hoặc đầu năm 2017, CTD sẽ phát hành thêm 14,4 triệu CP cho đối tác chiến lược với mức giá tối thiểu bằng 80% bình quân giá tham chiếu của CTD trong 20 phiên giao dịch gần nhất. Cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng từ 1 - 3 năm kể từ ngày hoàn thành việc chào bán.

Với điều khoản phát hành này, có thể nói, cổ phiếu CTD càng rẻ, Công ty sẽ càng thuận lợi trong việc chào bán CP cho đối tác chiến lược. Cũng cần lưu ý, là một trong những cổ phiếu có giá trị, tốc độ tăng vốn của CTD tương đối chậm chạp. Công ty duy trì vốn điều lệ 422 tỷ đồng trong 3 năm từ 2012 - 2014, đến năm 2015 mới chính thức tăng lên 469 tỷ đồng. Cổ phiếu ít bị pha loãng, cũng là một trong những điểm làm nên sức hút của cổ phiếu CotecCons.

Tin cùng chuyên mục