CPTPP: Cơ hội và thách thức với DN đã ở rất gần

 Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Bối cảnh hội nhập APEC 2017 và Hiệp định CPTPP – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam”, tổ chức ngày 29/3 tại TPHCM.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, mặc dù lợi ích kinh tế mà CPTPP đem lại không bằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi không có sự tham gia của Mỹ, nhưng nhiều ngành hàng của Việt Nam như: Thực phẩm, may mặc, giày dép, đồ điện tử… vẫn sẽ được hưởng lợi và dự báo có mức tăng trưởng khá khi các điều khoản Hiệp định CPTPP được thực thi.

Tuy nhiên, kèm theo đó, những “nghĩa vụ” của Việt Nam khi tham gia CPTPP lại không giảm, thậm chí còn có nhiều thách thức hơn.

Ông Ngô Chung Khanh, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, so với Hiệp định TPP, các nội dung cam kết của CPTTP về điều kiện mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư vẫn giữ nguyên, tuy nhiên nếu TPP trước đây cần thời gian khá dài mới có thể có hiệu lực, thì CPTPPP có hiệu lực rất nhanh, nhiều nước cam kết phê chuẩn trong năm nay, do đó rất nhiều cam kết phải thực thi ngay.

“Dự kiến, đầu năm 2019, CPTPP sẽ có tác động tới cộng đồng doanh nghiệp (DN). Vì vậy, chúng ta phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ. Đồng thời, các DN phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn, để có thể tận dụng tốt các lợi thế từ CPTPP. Cần nhìn thị trường không hẳn là 11 nước thuộc CPTPP như hiện nay, mà trong tương lai có thể mở rộng hơn rất nhiều, khi nhiều nước tham gia hơn, trong đó, có thể là cả Mỹ”, ông Khanh nhận định.

Bên cạnh đó, CPTPP được kỳ vọng sẽ tạo động lực tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, là tiền đề để Việt Nam đẩy mạnh cải cách một cách toàn diện từ thể chế-chính trị, đến kinh tế-xã hội.

Theo ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, khi tham gia CPTPP, các DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường mới, tăng trưởng xuất khẩu, từ đó tăng đầu tư và việc làm. Tuy nhiên thách thức từ cạnh tranh cũng tăng lên, điển hình là thách thức về nguồn cung nguyên phụ liệu của ngành dệt may để đáp ứng nguyên tắc xuất xứ từ “sợi trở đi”.

Một khó khăn khác được ông Tùng chỉ ra, các mặt hàng của một số nước thành viên CPTPP có nhiều nét tương đồng với những mặt hàng vốn được coi là lợi thế xuất khẩu của Việt Nam, do đó, các nước này sẽ tìm cách bảo hộ sản phẩm trong nước bằng cách tạo ra các rào cản kỹ thuật, gây khó khăn cho hàng hóa của Việt Nam. Đồng thời, chính hàng hóa nước họ cũng cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt khi cùng xuất khẩu tới một nước thành viên khác của CPTPP, nhất là các mặt hàng như dệt may, giày dép…

Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất trong nước cũng như thu hút các FDI nhằm tạo nguồn cung nguyên vật liệu cho DN sản xuất trong nước, để hàng hóa sản xuất ra khi xuất khẩu có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn theo cam kết trong CPTPP.

“Đoàn đàm phán chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, trả lời cho các DN hiểu và nắm bắt rõ về các nội dung, cam kết của Việt Nam trong CPTPP”, ông Khanh cho biết.

Tin cùng chuyên mục