Nhiều doanh nghiệp đã biến thách thức từ dịch bệnh thành “bàn đạp” cho tiến trình tự động hóa, phát triển thương mại điện tử… Ảnh: Lê Tiên |
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 (PCI 2019) vừa được công bố, khoảng 67% số DN được khảo sát đã thực hiện tự động hóa một phần công việc trong 3 năm qua, trong khi 75% số DN có dự định sẽ tự động hóa các công việc mới trong 3 năm tới. Riêng các DN dân doanh đã thực hiện tự động hóa khoảng 10% khối lượng công việc và dự định tự động hóa hơn 25% công việc hiện tại do con người thực hiện trong 3 năm tới. Trong khi đó, mức độ tự động hóa ở các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhỉnh hơn, chiếm 10,6% khối lượng công việc và dự kiến sẽ tự động hóa 28% công việc trong tương lai.
GS.TS Edmund Malesky - Đại học Duke (Hoa Kỳ) cho rằng, có 4 động lực khiến DN dịch chuyển sang tự động hóa là cơ hội hội nhập toàn cầu thông qua việc kết nối các chuỗi cung ứng, sử dụng công nghệ để tăng khả năng bán hàng; tiết kiệm chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động có tay nghề phù hợp; giảm nguy cơ đình công gây gián đoạn sản xuất kinh doanh; và giảm tác động của biến đổi khí hậu lên môi trường bằng cách sử dụng các công nghệ xanh.
Tuy nhiên, tác động của tự động hóa luôn có tính hai mặt. Một số ngành nghề sẽ có nhu cầu tăng tuyển dụng lao động có tay nghề cao và giảm lao động không có tay nghề hoặc tay nghề thấp. Do đó, lao động và việc làm sẽ là những thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, đại dịch toàn cầu Covid-19 đang tạo nên một bước ngoặt rất lớn về sự phát triển theo xu hướng tự động hóa. Đứng trước thách thức duy trì sản xuất, kinh doanh và vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, chỉ trong vòng hơn 4 tháng, nhiều DN đã chuyển hướng tổ chức hoạt động kinh doanh trên nền tảng tự động hóa, phát triển tài chính số, ngân hàng số, Fintech, thương mại điện tử, đào tạo trực tuyến, thanh toán điện tử (gồm cả mobile money), giải trí số, làm việc từ xa (tại nhà), khám chữa bệnh từ xa, định vị hành trình cá nhân… Sự chuyển hướng này kéo theo sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ hỗ trợ như: kho vận (logistics), giao hàng nhanh, đóng gói, cung ứng nền tảng (platforms), tổ chức sự kiện trực tuyến, an ninh mạng, phân tích dữ liệu, tư vấn phát triển kinh doanh số… Rõ ràng, đây là tín hiệu rất tích cực để tiếp tục đẩy mạnh tự động hóa trong thời gian tới.
Trong giai đoạn này, GS.TS Edmund Malesky cho rằng, đào tạo về kinh doanh và nâng cao trình độ quản trị DN có vai trò cực kỳ quan trọng. Lao động Việt Nam cũng cần có những kỹ năng mới để có thể tồn tại trong thị trường lao động công nghệ cao. Do đó, Chính phủ cần cải thiện lĩnh vực đào tạo nghề bằng cách tham khảo ý kiến của DN về nhu cầu tuyển dụng trước khi lên kế hoạch đào tạo, giúp nâng cao khả năng được tuyển dụng của người lao động.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu rõ, để bắt kịp xu hướng tự động hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xem là “chìa khóa” đắc lực. Muốn vậy, cải cách giáo dục phải được gia tốc mạnh mẽ hơn, phải tăng cường vai trò của DN trong đầu tư và định hướng các chương trình đào tạo. Cùng với việc nâng cao kỹ năng của người lao động, một chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân để nâng cấp, quốc tế hoá và số hoá DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa theo định hướng phát triển có trách nhiệm và bền vững phải là một yếu tố cấu thành quan trọng bậc nhất của chương trình quốc gia tái khởi động và phục hồi nền kinh tế.
Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, DN cần chủ động triển khai, tranh thủ những cơ hội đầu tư, kinh doanh mới từ việc tự động hóa, chuyển đổi số để bù đắp sự thiếu hụt động lực tăng trưởng. Sự chuyển hướng này vừa phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, vừa giúp DN tăng năng suất lao động, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và giúp giải bài toán khó về tìm kiếm khách hàng, thị trường, tiếp cận vốn, đất đai và tuyển lựa lao động thích hợp.