Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hùng Vương. |
Báo cáo tài chính niên độ 2017-2018 vừa được Công ty cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán: HVG) công bố ghi nhận hàng loạt khoản mục bị thay đổi sau kiểm toán. Điển hình là nợ phải trả tăng thêm 150 tỷ, lên 6.440 tỷ đồng mà nguyên nhân chủ yếu đến từ vay tài chính và các khoản phải trả ngắn hạn như hoàn tạm ứng, cổ tức...
Giảm 3.300 tỷ đồng so với đầu năm nhưng vay ngân hàng vẫn chiếm hơn phân nửa trong cơ cấu nợ phải trả, tương ứng 3.358 tỷ đồng.
Chủ nợ lớn nhất của "vua cá tra" Hùng Vương là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi tổng số dư bằng đôla Mỹ và đồng Việt Nam lên đến 2.146 tỷ đồng. Hai khoản nay lần lượt đáo hạn vào tháng 6 và tháng 8 năm nay.
Công ty do ông Dương Ngọc Minh làm chủ tịch còn vay ngắn hạn 620 tỷ đồng từ Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) với lãi suất 5,3-7% một năm. Đây là khoản nợ có giá trị lớn thứ hai, phát sinh từ giữa tháng 10/2017 và đáo hạn vào cuối tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9 năm ngoái, công ty chưa thanh toán phần vay đến hạn trả 550 tỷ đồng và đang xin ngân hàng chấp thuận giãn thời gian thanh toán trong vòng tám năm tiếp theo.
Một số khoản vay còn lại đến từ Vietinbank, HDBank, Agribank... và đều đáo hạn trước tháng 6 năm nay. Các khoản vay này được thực hiện nhằm bổ sung vốn lưu động và đầu tư vào việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ sau kiểm toán tăng thêm 60 tỷ, lên 8.230 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu không có nhiều biến động khi xuất khẩu thủy sản chế biến vẫn dẫn đầu với hơn 40%, tiếp đến là doanh thu tiêu thụ thức ăn thủy sản nội địa, hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi lên 16 tỷ đồng, nhưng vẫn kém xa kế hoạch lợi nhuận 800 tỷ đồng được ban lãnh đạo công ty đề ra hồi đầu niên độ nhằm xóa sạch lỗ lũy kế kéo dài suốt hai năm.
Tính đến cuối niên độ tài chính 2017–2018, Hùng Vương vẫn còn lỗ hơn 423 tỷ đồng và dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Phía kiểm toán cho biết báo cáo tài chính này được lập với giả định công ty có thể sử dụng tài sản và thanh toán các khoản nợ trong tương lai gần. Khả năng tiếp tục hoạt động phần nhiều phụ thuộc vào khả năng sắp xếp được dòng tiền, kinh doanh có lợi nhuận và được các ngân hàng đồng ý tái cơ cấu nợ vay.
Trước đó vào tháng 3 năm ngoái, trong công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, ông Dương Ngọc Minh cho biết doanh nghiệp này sẽ triển khai bốn phương án khắc phục lỗ. Cụ thể là thoái vốn hai công ty con gồm Thực phẩm Sao Ta và Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Công ty dự kiến thỏa thuận với ngân hàng về việc tiếp tục tài trợ nguồn vốn trung và dài hạn để hoàn thành các dự án dở dang, khoanh nợ và ưu đãi lãi suất đối với các khoản vay hiện tại.
Công ty cũng thanh lý hai khu đất ở Quận 6, TP HCM với tổng diện tích hơn 7.000 m2. Ban lãnh đạo công ty nhận định các khu đất này đều nằm ở những vị trí đắc địa, sẵn sàng phát triển dự án. Trong số này có khu đất trên đường Hồng Bàng từng được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản trái phiếu phát hành bởi BIDV với tổng mệnh giá 700 tỷ đồng.