Nhà ga hành khách T3 - Tân Sơn Nhất sẽ được xây dựng ở phía nam theo đề xuất của Công ty Tư vấn ADP-I (Pháp). |
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, doanh nghiệp này đang tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cao năng lực khai thác tại một số cảng hàng không có lượng khách tăng trưởng cao và tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch. Nhu cầu vốn đầu tư dự kiến giải ngân trong năm nay là 7.567 tỷ đồng. Trong đó, các dự án đầu tư cơ bản và mua sắm trang thiết bị chuyển tiếp từ năm 2017 chiếm khoảng 4.262 tỷ đồng.
Từ năm 2018 trở về sau, ACV lập kế hoạch chia làm hai nhóm gồm các dự án trọng điểm đầu tư mới và các dự án cải tạo, bổ sung. Nguồn vốn đầu tư ước tính khoảng 29.492 tỷ đồng.
Nhóm A gồm sáu dự án, tổng mức đầu tư 21.350 tỷ đồng. Mỗi dự án xây dựng nhà ga hành khách, hàng hoá và các hạng mục kết cấu hạ tầng đồng bộ Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Chu Lai, Cát Bi… ước tính khoảng 2.900 tỷ đồng.
Riêng dự án quy mô lớn nhất là xây mới nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, công suất thiết kế 15 triệu hành khách mỗi năm có tổng mức đầu tư 9.800 tỷ đồng.
Cuối tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định chủ trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đề xuất của Công ty Tư vấn ADP-I (Pháp).
Theo phương án này, đơn vị tư vấn đề xuất lấy 36 ha đất quốc phòng và nhà ga hành khách sẽ được xây dựng thêm ở phía nam với diện tích sàn 200.000 m2. Một số công trình phụ trợ sẽ được xây dựng ở phía bắc. Vốn khái toán cho các công trình này là 18.000 tỷ đồng.
Nhóm B gồm 11 dự án, chủ yếu là mở rộng dây chuyền khai thác nhà ga hành khách hiện hữu, xây dựng thêm sân đỗ máy bay và mua trang thiết bị vụ phục vụ mặt đất.
ACV đặt mục tiêu tăng sản lượng vận chuyển năm tăng 8%, lên gần 102 triệu hành khách. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 16.030 tỷ đồng và 5.665 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 7% và 9% so với năm trước.
Mục tiêu này chưa tính đến ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục vay ngoại tệ, chủ yếu là bằng đồng Yên Nhật.
Lý giải về kế hoạch tài chính thận trọng, ban lãnh đạo công ty cho biết nguyên nhân đến từ việc thị trường nội địa tăng trưởng chậm lại do trước đó các hãng hàng không đã mở quá nhiều đường bay và áp dụng chính sách giá linh hoạt để tăng khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, thị trường hàng không cũng đối nhiều với nhiều thách thức như chi phí sản xuất và nhiên liệu có chiều hướng tăng, tình hình chính trị bất ổn tác động đến nhu cầu di chuyển…
Báo cáo tài chính hợp nhất năm ngoái của ACV ghi nhận 13.870 tỷ đồng doanh thu. Cơ cấu doanh thu biến động không đáng kể khi dịch vụ hàng không và phi hàng không chiếm tỷ lệ áp đảo với hơn 89%. Do giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) xuống dưới 51%, công ty không còn ghi nhận doanh thu hoạt động phòng khách, trong khi năm trước con số này hơn 300 tỷ đồng.
Kết quả này chưa bao gồm doanh thu và chi phí liên quan đến tài sản khu bay gồm đường băng, đường lăn, thiết bị chiếu sáng, định vị… do Bộ Giao thông vận tải yêu cầu công ty tách khỏi báo cáo tài chính cho đến khi hoàn tất quá trình đàm phán. Hiện, công ty ghi nhận doanh thu và chi phí tại khoản mục phải thu và phải trả khác trên bảng cân đối kế toán.
Tài sản khu bay đang là rào cản lớn nhất khiến công ty chưa đủ điều kiện niêm yết trên sàn HoSE. Nếu đàm phán diễn ra suôn sẻ, công ty có thể chuyển sàn trong quý IV và mở ra nhiều cơ hội cho cổ phiếu như được thêm vào rổ VN30, được giao dịch ký quỹ sau 6 tháng niêm yết…
Trước đó, công ty đã đề xuất với Bộ Giao thông hai phương án để xử lý đối với các tài sản khu bay. Thứ nhất, các tài sản trong khu bay sẽ được bàn giao cho Nhà nước và cho công ty thuê lại để phục vụ hoạt động. ACV sẽ nhận toàn bộ doanh thu từ các tài sản này, trả phí thuế 270 tỷ đồng mỗi năm cho Nhà nước và chịu mọi chi phí sửa chữa. Thứ hai, Nhà nước sẽ dùng tài sản này làm vốn góp cho công ty thay cho phần vốn góp khi công ty huy động mới từ cổ đông hiện hữu. Ước tính giá trị tài sản khu bay vào khoảng 8.000 tỷ đồng, trong khi công ty có thể huy động 8.386 tỷ.