Công ty CP In khoa học kỹ thuật được UBND TP. Hà Nội cho phép thuê khu đất tại 101A Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa) từ năm 2011. Ảnh: Ngọc Linh st |
Mức giá khởi điểm được đưa ra lên đến 130.000 đồng/cổ phần, gấp 21,6 lần thị giá cổ phiếu IKH. Nếu phiên đấu giá diễn ra thuận lợi, SCIC sẽ thu về số tiền tối thiểu là 98 tỷ đồng. Vậy In khoa học kỹ thuật có gì hấp dẫn?
Những chuyển biến “bên trong”
Công ty CP In khoa học kỹ thuật tiền thân là Nhà in Minh Sang trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, phục vụ in các loại ấn phẩm cho nhu cầu phát triển khoa học của cả nước. Năm 2006, Công ty bắt đầu tiến hành cổ phần hóa và đến đầu năm 2018, cổ phiếu của Công ty mới được chính thức giao dịch trên sàn UPCoM.
Lúc này, cổ đông của Công ty mới dần lộ diện. Tại thời điểm tháng 10/2017, ngoài cổ đông lớn SCIC nắm giữ 50,97% vốn điều lệ, còn có 2 cá nhân là Phan Thị Thu Hương và Bùi Thị Thúy Vân nắm giữ lần lượt 19,1% và 15,37%.
Đến tháng 3/2018, SCIC đăng ký bán toàn bộ số cổ phần trên theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Tuy vậy, SCIC mới chỉ bán được 2,91%. Và bà Bùi Thị Thúy Vân là người mua vào, nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty lên 18,28%.
Đến trước thời điểm SCIC đăng ký bán nốt toàn bộ 48,06% cổ phần In khoa học kỹ thuật vào ngày 14/5/2019, bà Phan Thị Thu Hương cũng đã mua thêm và nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty lên 23,39%. Đồng thời, bà Hương cũng có văn bản đề nghị chào mua công khai cổ phiếu IKH lên HĐQT Công ty.
Đến thời điểm hiện tại, SCIC nắm giữ 48,06%, bà Hương sở hữu 23,39% và bà Vân sở hữu 18,28% cổ phần In khoa học kỹ thuật.
Đáng chú ý, bà Vân và bà Hương lại là những nhà đầu tư song hành tại nhiều doanh nghiệp, đơn cử như Công ty CP Ngọc Bích và Công ty TNHH Dây & Cáp điện Hoàng Sơn.
Đặc biệt, bà Hương cùng chồng là Phan Hưng và bà Vân đang nắm giữ 43,42% cổ phần Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà - doanh nghiệp đang vướng vào cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhóm cổ đông.
Sở hữu khu đất đắc địa
Kể từ sau cổ phần hóa năm 2006, hiện vốn điều lệ của Công ty CP In khoa học kỹ thuật vẫn được giữ nguyên ở mức 15,7 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực in ấn các loại sách báo, tạp chí. Dù gia công in ấn vẫn là nguồn mang lại doanh thu lớn nhất cho Công ty nhưng lợi nhuận chủ yếu lại đến từ việc cho thuê mặt bằng.
Kết quả kinh doanh của Công ty trong những năm gần đây không mấy ấn tượng, với doanh thu và lợi nhuận ròng bình quân từ 2016 - 2017 lần lượt đạt 16,4 tỷ đồng và 0,87 tỷ đồng.
Về thực trạng tài chính, năm 2018, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ với một số khoản mục có số dư lớn trên báo cáo tài chính nhưng chưa có đủ biên bản, hồ sơ xác nhận.
Cụ thể, Công ty đang phát sinh khoản tiền thuê đất và tiền lãi chậm nộp với tổng số tiền 1,18 tỷ đồng phát sinh từ năm 2010 chưa được Công ty ghi nhận vào chi phí của các năm trước đây. Điều này dẫn đến khoản mục “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” tại thời điểm 31/12/2018 đang phản ánh thừa số tiền 1,18 tỷ đồng.
Tổng giá trị tài sản của Công ty tại thời điểm 31/12/2018 cũng chỉ ở mức 22,7 tỷ đồng và gần như không có sự tăng trưởng trong suốt giai đoạn 2016 - 2018.
Điểm hấp dẫn hiếm hoi của In khoa học kỹ thuật đến từ việc công ty này đang sở hữu quyền thuê đất, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số khu đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội.
Trong đó, vào tháng 12/2011, Công ty đã được UBND TP. Hà Nội cho phép thuê 2.547,5 m2 đất tại số 101A Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Bên cạnh đó, Công ty đang sử dụng khu đất 58,5 m2 tại 120 Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu theo hình thức thuê đất nhà nước để kinh doanh và cho thuê cửa hàng.