Đấu giá cổ phần Dệt Đông Nam: Đất vàng về tay ai?

(BĐT) - Vào đầu tháng 6/2019, Tổng công ty CP Phong Phú (Phong Phú Corp) đã bán đấu giá thành công 25% cổ phần nắm giữ tại Công ty CP Dệt Đông Nam - đơn vị đang sở hữu khu đất hơn 5,7 ha tại quận Tân Phú, TP.HCM. Thay vì tổ chức đấu giá tại các sở giao dịch chứng khoán, thương vụ đấu giá này đã được thực hiện một cách khá lặng lẽ thông qua một công ty chứng khoán.
Một nhà đầu tư bí ẩn đã mua toàn bộ 25% cổ phần của Công ty CP Dệt Đông Nam với giá 29,848 tỷ đồng, cao hơn 1,509 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Ảnh: Bùi Triết
Một nhà đầu tư bí ẩn đã mua toàn bộ 25% cổ phần của Công ty CP Dệt Đông Nam với giá 29,848 tỷ đồng, cao hơn 1,509 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Ảnh: Bùi Triết

Đất vàng đã được chấp thuận đầu tư dự án bất động sản

Công ty CP Dệt Đông Nam tiền thân là Nhà máy Sợi Đông Nam, được thành lập từ năm 1967 và chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2005. Tính đến thời điểm trước thương vụ đấu giá trên, cơ cấu cổ đông lớn của Dệt Đông Nam gồm: Phong Phú Corp - Công ty con của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - sở hữu cổ phần chi phối 60,99% và Công ty CP Bourbon Bến Lức nắm giữ 30,18%. Như vậy, có thể hiểu Dệt Đông Nam là một công ty thành viên của Vinatex.

Với quy mô vốn điều lệ hơn 60,33 tỷ đồng, tình hình kinh doanh của Dệt Đông Nam không quá nổi bật với doanh thu và lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm gần nhất (2016 - 2018) lần lượt đạt 221 tỷ đồng và 2,9 tỷ đồng.

Song, điểm nhấn hấp dẫn của Dệt Đông Nam là sở hữu hơn 5,7 ha đất tọa lạc tại vị trí đắc địa 727 đường Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM. Đây cũng là trụ sở chính của Công ty.

Đáng chú ý, lô đất hai mặt tiền trên đã được lập dự án bất động sản và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Cụ thể, ngày 3/3/2015, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 877/QĐ-UBND chấp thuận đầu tư Dự án Khu nhà ở - trung tâm thương mại và siêu thị Đông Nam. Tới ngày 28/8/2015, Dệt Đông Nam được UBND TP.HCM công nhận là chủ đầu tư Dự án theo Văn bản số 5096/UBND-ĐTMT.

Quay trở lại với thương vụ đấu giá trên, thay vì tổ chức đấu giá tại các sở giao dịch chứng khoán Hà Nội hay TP.HCM, lô 25% cổ phần Dệt Đông Nam lại được bán đấu giá một cách khá âm thầm thông qua Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC). Việc thoái vốn được thực hiện theo Quyết định số 246 ngày 13/5/2019 của HĐQT Phong Phú Corp.

Như đã nói ở trên, Phong Phú Corp hiện là công ty con của Vinatex (doanh nghiệp do Nhà nước chi phối với tỷ lệ sở hữu 53%). Do vậy, trước thời điểm đấu giá, cổ đông nhà nước mới là người có tiếng nói quyết định tại Dệt Đông Nam.

Cơ cấu cổ đông hậu thoái vốn

Về kết quả thương vụ đấu giá, đã có 3 nhà đầu tư tổ chức tham gia phiên đấu giá vào ngày 6/6/2019. Trong đó, một nhà đầu tư đã mua toàn bộ 25% cổ phần của Dệt Đông Nam với giá 29,848 tỷ đồng, cao hơn 1,509 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Phiên đấu giá thành công cũng đồng nghĩa tỷ lệ sở hữu của Phong Phú Corp tại Dệt Đông Nam giảm về mức 35,99% vốn, vừa đủ để không còn nắm giữ quyền phủ quyết (tỷ lệ sở hữu 36%). Còn Dệt Đông Nam cũng đã được tư nhân hóa.

Dù danh tính của các nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá không được công bố, nhưng theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, đó là ba cái tên: Công ty TNHH Sơn Tùng; Công ty CP Anh Việt Á, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Song Hoàng.

Nhìn nhận về cơ cấu cổ đông của Dệt Đông Nam hiện tại, một nhà đầu tư đặt vấn đề, tại sao Phong Phú Corp không bán trọn lô 60,99% để hấp dẫn nhà đầu tư thay vì thoái vốn kiểu "nhỏ giọt" với tỷ lệ chỉ 25%? Gộp 25% sở hữu của nhà đầu tư bí ẩn với hơn 30% của Công ty CP Bourbon Bến Lức sẽ giúp họ có tiếng nói quyết định tại Dệt Đông Nam. Liệu 2 nhà đầu tư này có mối quan hệ với nhau hay không? Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.

Tin cùng chuyên mục