Đấu giá trực tuyến xóa “điểm mờ” trong công bố thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Pháp luật về đấu giá tài sản (ĐGTS) của Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài từ năm 2005, giờ đây mới tiệm cận được hình thức đấu giá tiên tiến - đấu giá trực tuyến. 
Đấu giá trực tuyến là hình thức đã được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới
Đấu giá trực tuyến là hình thức đã được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới

Luật ĐGTS ra đời năm 2016 chính thức công nhận “đấu giá trực tuyến” là một trong những hình thức được pháp luật bảo hộ. Song, để triển khai được thành công đấu giá trực tuyến tại Việt Nam, vẫn còn chặng đường dài phía trước.

Hướng tới công khai, minh bạch

Pháp luật về đấu giá từng bước được xây dựng, hoàn thiện và quy định trong nhiều văn bản luật và dưới luật, khởi đầu tại Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Thương mại năm 2005, Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đến năm 2016, Luật ĐGTS được Quốc hội khóa XIV thông qua là dấu mốc quan trọng trong tiến trình công khai các thông tin đấu giá. Ngoài các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, Luật ĐGTS đã chính thức công nhận hình thức đấu giá trực tuyến là một trong những hình thức đấu giá được pháp luật bảo hộ bên cạnh những hình thức truyền thống.

Thời gian qua, hoạt động đấu giá tài sản theo phương thức truyền thống ở Việt Nam luôn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, đấu giá trực tuyến ra đời được nhiều người đón đợi. Hình thức giao dịch này mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế và pháp lý, được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động đấu giá tài sản trở nên minh bạch, cạnh tranh hơn. 

Cần lan tỏa rộng hơn

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty CP Bán đấu giá Lạc Việt cho biết, vấn đề lớn nhất đối với đấu giá trực tuyến là đầu tư cho công nghệ. Bởi để tổ chức cùng một lúc cho nhiều khách hàng tham gia đấu giá trực tuyến, doanh nghiệp cần có nền tảng công nghệ tốt, sản phẩm hàng hóa phong phú và bảo đảm chất lượng. Cùng với đó là hạ tầng khác như thanh toán, các quy định pháp lý, kho bãi và quy trình chống gian lận, bảo mật... phải được đầu tư bài bản.

Tháng 5/2020, Công ty Đấu giá số 5 - Quốc gia là tổ chức ĐGTS đầu tiên tại Việt Nam được phê duyệt đủ điều kiện thực hiện đấu giá trực tuyến theo Luật ĐGTS. Tại thời điểm đó, còn 4 tổ chức đấu giá tài sản khác đang trình đề án đề nghị Sở Tư pháp Hà Nội phê duyệt. Với xu thế hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, công nghệ số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian tới, sẽ có thêm nhiều tổ chức đấu giá tài sản nộp đề án.

Trao đổi tại một tọa đàm giao lưu về hình thức đấu giá trực tuyến, một số tổ chức đấu giá, chủ tài sản trên địa bàn TP. Hà Nội cũng bày tỏ quan tâm và cũng muốn triển khai thực hiện các phiên ĐGTS bằng hình thức đấu giá trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam ủng hộ việc triển khai đấu giá trực tuyến và cho rằng đây là xu hướng tất yếu của xã hội. Theo ông Đính, các giao dịch trong hoạt động bất động sản sẽ trở nên công khai, bài bản hơn nhiều nếu kết hợp với hình thức đấu giá trực tuyến. “Mỗi dự án bất động sản nếu chọn ra 10 căn đẹp nhất để đưa lên đấu giá thì lợi ích cho doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng lên nhiều hơn nữa”.

Lợi ích của triển khai đấu giá trực tuyến là rất rõ ràng, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phạm Vũ, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh 2E HHT Việt Nam, vướng mắc hiện nay trong việc nhân rộng mô hình đấu giá trực tuyến là việc Luật ĐGTS quy định, cấp phép đấu giá trực tuyến cho từng tổ chức ĐGTS có đề án được trình cấp có thẩm quyền đủ điều kiện. Không phải tổ chức ĐGTS nào cũng đủ nguồn lực để xây dựng hệ thống đấu giá trực tuyến. Do đó, cách thức phối hợp, chia sẻ và triển khai đấu giá trực tuyến giữa đơn vị có hệ thống đấu giá trực tuyến và các tổ chức ĐGTS khác cũng là vấn đề cần được quy định cụ thể.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Huy Dương, Chủ tịch Công ty Đấu giá hợp danh Avalue Việt Nam chia sẻ, nhiều tổ chức ĐGTS có thể “e dè” khi thuê nền tảng, hạ tầng của tổ chức ĐGTS đã được cấp phép. Tuy nhiên, trước mắt, ông Dương mong muốn thí điểm việc phối hợp thực hiện đấu giá trực tuyến, về lâu dài sẽ kiến nghị sửa các quy định pháp lý cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho các bên.

Một số tổ chức đấu giá tài sản cho rằng, Luật ĐGTS nên quy định cấp phép cho 1 công ty, doanh nghiệp trung gian đứng ra xây dựng Hệ thống đấu giá trực tuyến. Sau đó, doanh nghiệp này sẽ ký hợp đồng với nhiều tổ chức ĐGTS khác nhau để cho thuê, dùng chung hạ tầng công nghệ. Như vậy sẽ tránh việc tất cả các cuộc đấu giá trực tuyến đều dồn về 1 tổ chức đấu giá tài sản, phương thức đấu giá tài sản trực tuyến sẽ được lan rộng ra nhiều đơn vị, địa phương hơn”.

Có thể nói, việc triển khai đấu giá trực tuyến là một bước tiến dài hướng tới sự công khai, minh bạch. Theo ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, sự thành công của hình thức đấu giá trực tuyến sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: sự chuẩn bị tốt về công nghệ, nguồn nhân lực, vấn đề pháp lý…, nhưng trong đó, yếu tố con người sẽ là quyết định. Do đó, đấu giá trực tuyến cần nhận được sự ủng hộ, quyết tâm thực hiện từ người có tài sản, tổ chức đấu giá… và hình thức này cần phải được truyền thông rộng rãi cho cả xã hội biết và cùng thực hiện.

Tin cùng chuyên mục