Dấu hỏi về hàng nghìn héc - ta đất tại doanh nghiệp nhà nước

(BĐT) - Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang được giao quyền sử dụng những diện tích đất khổng lồ, cũng là nguồn tài sản lớn nhất với nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc định giá, quản lý đất đai có phần lỏng lẻo đã làm phát sinh nhiều hệ lụy. Đã không ít lần dư luận đặt dấu hỏi về việc nguồn lực này bị thất thoát, bốc hơi theo đủ mọi cách khác nhau trong quá trình cổ phần hóa DNNN.
Đối với một số doanh nghiệp nhà nước, đất đai chính là tài sản có giá trị nhất. Ảnh: Lê Tiên
Đối với một số doanh nghiệp nhà nước, đất đai chính là tài sản có giá trị nhất. Ảnh: Lê Tiên

Khi đất vàng lên tiếng

Những ngày cuối năm 2015, thị trường tài chính xôn xao với phiên đấu giá cổ phần Công ty CP Du lịch Kim Liên, đơn vị sở hữu Khách sạn Kim Liên, nằm trên một trong những khu đất đẹp nhất Hà Nội. Từ mức giá khởi điểm 30.600 đồng/CP, kết quả Thaigroup đã bỏ ra trên 1.000 tỷ đồng để sở hữu 3,6 triệu CP Công ty CP Du lịch Kim Liên. Nếu không phải vì lợi thế đất đai, CP của Công ty CP Du lịch Kim Liên chắc chắn không có sức hút đáng kinh ngạc đến vậy.

274.200 đồng/CP vẫn chưa phải là mức giá cao nhất được chi trả cho một CP được chào bán công khai. Nửa cuối tháng 3/2016, phiên đấu giá CP của Công ty CP Sứ Bát Tràng do Hapro nắm giữ đã chính thức thiết lập kỷ lục về mức giá được “chốt”. Chỉ với 120.810 CP được chào bán (tương đương 64% vốn điều lệ của Công ty), mức giá 140.000 đồng/CP khởi điểm đã khiến người ta khó hiểu, đặc biệt với tình hình kinh doanh cực kỳ bê bết của Sứ Bát Tràng. Với mức giá này, nhà đầu tư phải bỏ ra tối thiểu 17 tỷ đồng để sở hữu 64% cổ phần của Công ty. Trong khi đó, do làm ăn thua lỗ, tổng tài sản của Sứ Bát Tràng cuối năm 2015 cũng chỉ ở mức 16,5 tỷ đồng.

Không những mức giá nói trên được chấp nhận, nhà đầu tư còn tranh mua CP Sứ Bát Tràng, mức giá được đẩy lên tới con số 421.600 đồng/CP, phá kỷ lục đấu giá cổ phần công khai từ trước đến nay. Số tiền nhà đầu tư cá nhân này bỏ ra tương đương 51 tỷ đồng. Giới tài chính đánh giá, sức hấp dẫn của Sứ Bát Tràng không phải do tiềm năng mảng kinh doanh chính của Công ty, mà là mảnh đất có diện tích gần 28 nghìn m2 của Công ty tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Lô đất này đã được Công ty sử dụng để hợp tác kinh doanh với một công ty bất động sản và sẽ mang lại lợi nhuận trong nay mai.

Trên đây chỉ là 2 ví dụ điển hình về giá trị đất đai trong các thương vụ chuyển nhượng cổ phần.

Vẫn nhiều kẽ hở

Trong khi nhà đầu tư “giành giật” từng tấc đất trong các thương vụ chuyển nhượng cổ phần, thì hàng nghìn ha đất vẫn đang là dấu hỏi tại các DNNN. Chưa nói đến tình hình hoạt động kinh doanh, đây rõ ràng là một sự lãng phí khó chấp nhận
Năm 2014, theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), các khoản nợ đọng của các DNNN được phát hiện tăng thêm 2.238,5 tỷ đồng, trong đó nợ tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng đáng kể với 1.898 tỷ đồng (84,8%).

Cũng theo KTNN, một số đơn vị chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như Đài Truyền hình Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và một số đơn vị được kiểm toán thuộc Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao. Quan trọng hơn, một số đơn vị chưa xác định giá trị quyền sử dụng đất để theo dõi, quản lý hoặc chưa phản ánh đầy đủ giá trị quyền sử dụng đất trên báo cáo tài chính, chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, chưa xử lý dứt điểm tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm nhiều năm.

Đất đai theo quy định là tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên không phải vì vậy mà giá trị của đất đai, đúng hơn là giá trị của quyền sử dụng đất lại trở nên bé nhỏ. Thực tế cho thấy, đất đai nhiều khi chính là tài sản giá trị nhất trong quá trình cổ phần hóa.

Theo GS. TS. Đặng Hùng Võ, hiện tại giá trị đất đai đưa vào quá trình cổ phần hóa DNNN không bao gồm đất thuê của Nhà nước, kể cả trường hợp thuê đất trả tiền một lần. Hơn nữa còn không tính giá trị lợi thế kinh doanh liên quan tới địa điểm vào giá trị đất thuê. Ông Đặng Hùng Võ cho rằng đây chính là kẽ hở trong việc định giá đất đai.

Kiểm toán tình hình hoạt động các DNNN năm 2014, KTNN thậm chí phát hiện ra một số đơn vị chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý. Có thể kể đến Tổng công ty Mía đường II (Vinasugar II) có 112 ha, Tổng công ty 15 “dư” gầm 398 ha đất tại Lào và 3.503 ha tại Campuchia. Cũng Vinasugar II, KTNN cho rằng đang sử dụng 270,5 ha đất không hiệu quả, bị lấn chiếm, tranh chấp hàng trăm ha đất…

Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha đất hiện cũng chưa được các DNNN hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Đơn cử Tổng công ty Lâm nghiệp vẫn còn hơn 40.200 ha, Tổng công ty 15 có 1.070 ha tại Việt Nam và 21.447 ha tại Campuchia…

Trong khi nhà đầu tư “giành giật” từng tấc đất trong các thương vụ chuyển nhượng cổ phần, thì hàng nghìn ha đất vẫn đang là dấu hỏi tại các DNNN. Chưa nói đến tình hình hoạt động kinh doanh, đây rõ ràng là một sự lãng phí khó chấp nhận. Liệu đến khi các DNNN được cổ phần hóa, hoặc thoái một phần vốn nhà nước, giá trị các mảnh đất có được xác định một cách đúng đắn, tránh tình trạng thất thoát tài sản nhà nước vào tay các cá nhân với mức giá rẻ mạt?

Tin cùng chuyên mục