Đấu thầu tại Dự án Nhà thi đấu tỉnh Kon Tum: Xuất hiện tiêu chí khu biệt, 1 nhà thầu tham dự

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Nhà thi đấu tổng hợp tỉnh Kon Tum với tổng mức đầu tư 99,5 tỷ đồng đang trong thời gian lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Xây lắp + thiết bị và Gói thầu Tư vấn giám sát. Theo phản ánh của một số nhà thầu, hồ sơ mời thầu (HSMT) 2 gói thầu đều xuất hiện các tiêu chuẩn đánh giá mang tính khu biệt, không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu, hạn chế cạnh tranh.
Hồ sơ mời thầu yêu cầu hợp đồng tương tự là công trình dân dụng có chiều cao công trình ≥ 25m, tổng diện tích sàn ≥ 8.500m2. Ảnh: Nhã Chi
Hồ sơ mời thầu yêu cầu hợp đồng tương tự là công trình dân dụng có chiều cao công trình ≥ 25m, tổng diện tích sàn ≥ 8.500m2. Ảnh: Nhã Chi

Dự án nêu trên sử dụng ngân sách Tỉnh, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Theo đó, Gói thầu Xây lắp + thiết bị có dự toán 80,733 tỷ đồng; Gói thầu Tư vấn giám sát thi công + thiết bị có dự toán 1,728 tỷ đồng, cùng được đấu thầu rộng rãi, qua mạng, phát hành HSMT từ ngày 6 đến 26/10/2021.

Ngay sau khi HSMT Gói thầu Xây lắp + thiết bị được phát hành, một số nhà thầu đã có văn bản kiến nghị Chủ đầu tư điều chỉnh hàng loạt tiêu chí được xem là hạn chế cạnh tranh tại HSMT.

Cụ thể, đối với tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, HSMT yêu cầu nhà thầu tham dự phải đáp ứng tối thiểu số lượng công nhân trên công trường là 100 người, bao gồm: thợ nề 40 người; cốt thép 10 người; cơ khí xây dựng 5 người; thợ hàn 4 người; thợ điện - điện nhẹ; cấp thoát nước... Nhà thầu phải đề xuất danh sách chi tiết các công nhân tham gia thi công trên công trường, trình độ tay nghề, vị trí đảm nhận, kèm theo các tài liệu có liên quan như chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo nghề hoặc bằng trung cấp nghề trở lên; tài liệu chứng minh năng lực kinh nghiệm; tài liệu chứng minh khả năng huy động nhân sự.

Bên cạnh đó, HSMT yêu cầu nhà thầu ưu tiên sử dụng 50% số lượng công nhân là người tại địa phương.

Theo Nhà thầu, trách nhiệm huy động công nhân với số lượng, kinh nghiệm, bằng cấp sao cho phù hợp để thực hiện gói thầu thuộc về nhà thầu, trên cơ sở biện pháp kỹ thuật thi công mà nhà thầu đề xuất trong hồ sơ dự thầu (HSDT). Do đó, việc HSMT quy định công nhân là nhân sự chủ chốt là không phù hợp quy định tại Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT.

Về hợp đồng tương tự, HSMT quy định là công trình dân dụng có chiều cao công trình 25m, tổng diện tích sàn 8.500m2, được thực hiện trên địa bàn Tây Nguyên hoặc địa bàn có tính chất địa lý tương tự. Theo Nhà thầu, Gói thầu đang xét là công trình dân dụng đơn thuần, do đó không nhất thiết phải thêm vào các điều kiện địa phương hóa, dễ gây hạn chế cạnh tranh.

Ngày 26/10/2021, 2 gói thầu cùng được mở thầu. Theo đó, tại Gói thầu Thi công + thiết bị, nhà thầu duy nhất nộp HSDT là Công ty TNHH Hiệp Hòa Phát. Gói thầu Tư vấn giám sát thu hút 2 nhà thầu tham dự, trong đó có Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Kim Minh - đơn vị tư vấn lập HSMT Gói thầu Thi công + thiết bị.

Đáng chú ý, tại mục đánh giá uy tín nhà thầu, HSMT áp dụng đánh giá theo tiêu chí đạt/không đạt. Theo đó, nhà thầu chỉ được đánh giá đạt tại nội dung này khi đáp ứng đồng thời 2 điều kiện: (i) đã từng thi công ít nhất 2 công trình dân dụng trong lĩnh vực thể thao trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hoặc địa bàn có tính chất địa lý tương tự; trong đó có ít nhất 1 hợp đồng có giá trị 35 tỷ đồng, có hạng mục thảm sàn nhựa hoặc phủ nhựa tổng hợp; và (ii) đã hoặc đang thi công ít nhất 3 công trình dân dụng cấp II trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hoặc địa bàn có tính chất địa lý tương tự, có chiều cao công trình 25m và tổng diện tích sàn 8.500m2.

Theo Nhà thầu, việc đánh giá uy tín nhà thầu được thực hiện thông qua xem xét khả năng và mức độ hoàn thành các hợp đồng tương tự trong quá khứ và hiện tại. Có nghĩa rằng, trường hợp nhà thầu không có các hợp đồng bị chậm tiến độ, hoặc để xảy ra vi phạm hợp đồng trong quá trình triển khai, là đáp ứng yêu cầu tại nội dung này.

Trong khi đó, Chủ đầu tư lý giải, do khí hậu và điều kiện địa lý của vùng Tây Nguyên nên đặt ra yêu cầu đặc thù về hợp đồng tương tự. Đồng thời, việc ưu tiên sử dụng lao động địa phương nhằm mục đích vừa góp phần phòng chống dịch, vừa đảm bảo tiến độ dự án.

Bên cạnh Gói thầu Xây lắp, HSMT Gói thầu Tư vấn giám sát cũng vấp phải không ít ý kiến tranh luận xoay quanh yêu cầu về hợp đồng tương tự. Ngoài ra, với Cán bộ giám sát phần đường dây và trạm biến áp, HSMT yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề giám sát trong lĩnh vực tương ứng hạng II trở lên. Theo Nhà thầu, tổng thể Dự án là công trình cấp II, riêng hạng mục xây lắp điện chỉ chiếm một phần nhỏ khối lượng của toàn Dự án, thuộc công trình cấp III, việc HSMT yêu cầu chứng chỉ hạng II đối với nhân sự giám sát phần điện là cao hơn so với yêu cầu thực tế của Gói thầu.

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia đấu thầu, việc HSMT yêu cầu nhà thầu đề xuất công nhân tại HSDT là bất hợp lý. Bên cạnh đó, việc HSMT giới hạn địa bàn thực hiện tại vùng Tây Nguyên và khu vực địa lý tương tự có dấu hiệu hạn chế nhà thầu. Ngoài ra, thay vì quy định các thông số chi tiết về chiều cao và diện tích công trình có thể gây hạn chế cạnh tranh, thì HSMT chỉ nên xây dựng theo hướng quy định tương tự về cấp công trình. “Ví dụ, yêu cầu 2 hợp đồng tương tự cấp III hoặc 1 hợp đồng tương tự cấp II, là đã đáp ứng yêu cầu, đồng thời phù hợp trong tương quan pháp luật xây dựng và pháp luật đấu thầu”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục