Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế, ngành du lịch và thị trường khách sạn của Việt Nam. Ảnh: Internet |
Thường những chủ sở hữu/chủ đầu tư ở các phân khúc 4 và 5 sao là những tập đoàn lớn có đủ dự trữ vốn để vượt qua đợt khủng hoảng nên nhu cầu bán là rất ít. Thế nhưng, các đơn vị đang gặp khó khăn về dòng tiền đang tìm kiếm đối tác để bán lại cũng khá nhiều.
Ông Robert McIntosh, Giám đốc Điều hành của CBRE Hotels Asia Pacific cho rằng, khi tình hình hoạt động trong ngắn hạn của thị trường khách sạn giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi không có sự chắc chắn về việc phải mất bao lâu để thị trường phục hồi hoàn toàn, kỳ vọng về giá trong các thương vụ khách sạn sẽ giảm xuống.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế, ngành du lịch và thị trường khách sạn của Việt Nam. Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính thiệt hại cho ngành du lịch trong giai đoạn tháng 2 đến tháng 4/2020 có thể lên đến 5,9-7,7 tỷ USD.
Vì vậy, Tổng cục Du lịch Việt Nam dự kiến một sự phục hồi chậm cho ngành du lịch sau đại dịch và đưa ra 2 kịch bản chính cho du lịch Việt Nam trong năm 2020.
Theo đó, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 6/2020, thì lượt du khách quốc tế trong năm 2020 dự kiến giảm 70% so với năm 2019. Còn nếu dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 9/2020, lượt du khách quốc tế trong năm 2020 dự kiến giảm 75% so với năm 2019.
Trong bất kỳ trường hợp nào, năm 2020 sẽ chứng kiến sự sụt giảm chưa có tiền lệ về lượng khách du lịch, dẫn đến việc suy giảm trầm trọng công suất phòng ở thị trường khách sạn. Ngoài ra, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc CBRE Hotels Việt Nam, nhận xét: “Những biến động lớn cũng mang đến cơ hội cho những biến đổi lớn. Đây sẽ là giai đoạn quan trọng để sàng lọc những chủ đầu tư có thực lực và có khả năng thích ứng, giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ hơn khi đại dịch kết thúc".