Ảnh minh họa: Internet |
Tại Hội thảo tham vấn Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) (gọi tắt là Dự thảo Luật Sửa đổi) do Bộ KH&ĐT phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức ngày 22/1, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, một trong những quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công.
Tuy nhiên, liên quan đến thẩm quyền quyết định, nội dung xây dựng, triển khai, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với thẩm quyền tương ứng, danh mục dự án hiện vẫn còn ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, việc xác định ngay từ đầu danh mục dự án trung hạn như hiện nay là không khả thi, không hiệu quả, công tác chuẩn bị đầu tư vội vàng, thậm chí là hình thức, đánh trống ghi tên và rất cứng nhắc, không phù hợp với diễn biến tình hình thực tế của cả nền kinh tế, của từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Ông Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay chưa thống nhất được phương án cấp thẩm quyền nào quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch trung hạn: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành địa phương. Mỗi cấp quyết định đều có ưu nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, theo đại diện Ban soạn thảo, nếu căn cứ vào định hướng quan điểm xây dựng luật là phân cấp, hậu kiểm thì phương án phân cấp triệt để là phù hợp, các cơ quan cấp trên làm công tác hậu kiểm, giám sát.
Từ thực tế giải ngân, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước đồng tình với quan điểm phân cấp mạnh trong xây dựng, triển khai, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công. “Nếu phân cấp theo hướng Quốc hội giao tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm; Thủ tướng Chính phủ giao tổng mức vốn cho từng bộ, ngành, địa phương; mỗi bộ, ngành, địa phương quyết định danh mục dự án, quyết định điều chỉnh trong nội bộ sẽ tạo chủ động hơn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, ông Nguyễn Quang Vinh đề xuất.
Đại diện cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Sửa đổi, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, hiện có một số ý kiến khác nhau, như có ý kiến cho rằng Quốc hội vẫn cần thiết phê duyệt danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn; ý kiến khác đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để linh động hơn trong thực hiện.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết Bộ KH&ĐT ngày 16/1, lãnh đạo nhiều địa phương cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương để giảm bớt các đầu mối và thủ tục, tạo điều kiện đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án.
Trong tham luận gửi tới Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng Luật Đầu tư công hiện tại còn một số vướng mắc, tuy nhiên phần lớn các khó khăn vướng mắc đã được sửa đổi trong Dự thảo Luật Sửa đổi do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo. Ông Nguyễn Văn Thắng đề nghị Bộ KH&ĐT sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua để làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.