Nhiệt điện Thái Bình 2 - một dự án do PVC triển khai |
Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC – mã chứng khoán PVX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2018 với tình trạng thua lỗ tiếp diễn dù đã có cải thiện phần nào trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, theo BCTC của PVC, trong quý IV/2018, tổng công ty này đạt 1.150,4 doanh thu thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2017. Giá vốn hàng bán tuy giảm hơn 14% so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức cao, vượt cả doanh thu.
Tình trạng kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của PVC ở trạng thái âm hơn 43,5 tỷ đồng (cùng kỳ âm 128,2 tỷ đồng).
So với quý IV/2017, PVX cải thiện được một số chỉ tiêu như tăng doanh thu hoạt động tài chính 64,5% lên 10,2 tỷ đồng; chi phí hoạt động tài chính giảm hơn 43% còn 25,2 tỷ đồng (do chi phí lãi vay giảm). Bên cạnh đó, chi phí bán hàng cũng được tiết giảm mạnh gần 78% còn 2,2 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm được gần 65% so với cùng kỳ còn 69,2 tỷ đồng.
Tuy vậy, PVC vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 129,9 tỷ đồng (giảm lỗ gần 66% so với quý IV/2017). Lỗ khác cũng giảm từ hơn 14 tỷ đồng của quý IV năm trước còn hơn 1 tỷ đồng.
Kết quả, trong quý vừa rồi, PVC tiếp tục ghi nhận lỗ thêm hơn 131 tỷ đồng (giảm lỗ đáng kể so với mức thua lỗ 393,7 tỷ đồng của cùng kỳ 2017); lỗ sau thuế 130,8 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 380 tỷ đồng).
Luỹ kế cả năm 2018, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của PVC đạt 3.362 tỷ đồng, bằng 89% kết quả năm 2017. PVC tiếp tục báo lỗ trước thuế 307,8 tỷ đồng, giảm lỗ so với mức 415,3 tỷ đồng của năm trước; lỗ sau thuế 309,9 tỷ đồng (năm 2017 lỗ 416,3 tỷ đồng).
Kết quả này khiến tình trạng lỗ luỹ kế của PVC càng thêm trầm trọng. Tính đến cuối 2018, con số lỗ luỹ kế của PVC đã lên tới 3.562,9 tỷ đồng, bằng 89% vốn điều lệ. Khoản phải thu ngắn hạn của tổng công ty này đã lên tới 4.437,7 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng khó đòi tới 1.200 đồng.
Từng là một trong những doanh nghiệp chủ lực thuộc lĩnh vực xây lắp chuyên ngành dầu khí với hàng loạt công trình, dự án hàng nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, trong vòng 7 năm trở lại đây, tình hình PVC và các công ty thành viên trở nên khó khăn. Đây được xem như “di sản” mà Trịnh Xuân Thanh để lại, bởi sau 2 năm liên tục thua lỗ nặng nề 2012-2013 dưới thời ông Thanh, PVC vẫn loay hoay chưa thể vực dậy nổi.
Lãnh đạo PVC cho biết, quý IV và cả năm 2018 PVC giảm lỗ so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do các đơn vị trong tổng công ty này đã thực hiện tiết giảm tối đa các loại chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, là sự nỗ lực trong công tác tái cơ cấu danh mục đầu tư, quyết liệt trong việc nghiệm thu khối lượng dở dang và tích cực thu hồi các khoản công nợ.
“Ban lãnh đạo PVC nhận thức rõ PVC đang gặp khó khăn và đã từng bước vượt qua”, vị lãnh đạo này cho hay trong bản báo cáo giải trình của PVC gửi Uỷ ban Chứng khoán.
Trong năm 2019, PVC cho biết, vẫn tiếp tục quyết liệt trong công tác rà soát, đối chiếu và thu hồi công nợ, xây dựng kế hoạch chi tiết việc thu hồi và xử lý công nợ cho từng tháng, từng quý nhằm thu hồi vốn đảm bảo hoạt động kinh doanh, giảm tối đa chi phí tài chính do bị chiếm dụng vốn.
Tổng công ty này cũng dự kiến sẽ chủ động và tích cực làm việc với các ngân hàng/TCTD để cơ cấu lại các khoản nợ và thu xếp đủ vốn phụ vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và giải toả các khoản bảo lãnh trong thời gian tới.