Điện lực TP.HCM chuyển đổi số để nâng tầm thương hiệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đang triển khai chuyển đổi số toàn diện, phấn đấu đến hết năm 2022 trở thành doanh nghiệp số, với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Tổng công ty Điện lực TP.HCM nhận giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc
Tổng công ty Điện lực TP.HCM nhận giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc

Nhiều kết quả nổi bật

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc EVNHCMC, chuyển đổi số hiện nay tại EVNHCMC là sự tiếp nối quá trình hiện đại hóa - tự động hóa lưới điện và ứng dụng công nghệ thông tin trong các mặt hoạt động của Tổng công ty, được triển khai từ đầu những năm 2000.

Cách đây 20 năm, EVNHCMC đã bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về các công nghệ tự động hóa lưới điện trên thế giới. Đến giai đoạn 2010 - 2015, Tổng công ty tập trung đầu tư hiện đại hóa toàn diện hệ thống điện nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Trong giai đoạn 2015 - 2017, Tổng công ty đã hoàn thành Trung tâm Điều khiển từ xa hệ thống điện đầu tiên của khối phân phối, đồng thời hoàn thành chương trình ứng dụng bản đồ thông tin địa lý lưới điện (GIS) vào quản lý hệ thống điện, qua đó hình thành cơ sở dữ liệu về hệ thống điện toàn Thành phố, mở ra cơ hội khai thác dữ liệu số về lưới điện cho giai đoạn chuyển đổi số sau này.

Trong khâu dịch vụ khách hàng, từ năm 2004, Tổng công ty đã đặt vấn đề xây dựng mô hình giao dịch một cửa, đa dạng hóa các hình thức thanh toán tiền điện thay cho chỉ hình thức thanh toán tại quầy trước đó. Đến giai đoạn 2010 - 2015, Tổng công ty đã xây dựng Trung tâm Chăm sóc khách hàng đầu tiên của ngành điện cả nước, triển khai hóa đơn điện tử, thực hiện số hóa hồ sơ, số hóa dữ liệu khách hàng, tạo tiền đề cho những cải tiến mạnh mẽ hơn trong khâu dịch vụ khách hàng sau này.

Vừa qua, tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ số năm 2022, Tổng giám đốc EVNHCMC Nguyễn Văn Thanh đã được nhận giải thưởng “Lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu năm 2022 - CDO Awards”.

Đây là giải thưởng do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG phối hợp với Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Giải thưởng được tổ chức thường niên từ năm 2005 nhằm tìm kiếm và vinh danh những cá nhân tiêu biểu, người có trách nhiệm về quản trị công nghệ thông tin và an ninh thông tin, đảm bảo sự vận hành liên tục, giảm thiểu tối đa nguy cơ và mở rộng cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, tổ chức chính phủ cũng như các tổ chức dân sự.

Từ năm 2017, Tổng công ty tập trung chuyển đổi từ hệ thống lưới điện vận hành theo phương thức thủ công sang phương thức vận hành từ xa: 100% các trạm biến áp 110 kV đã chuyển sang vận hành theo chế độ không người trực; 100% các tuyến lưới điện trung thế được giám sát, điều khiển từ xa.

Từ năm 2020 đến nay, Tổng công ty đã xúc tiến xây dựng lưới điện thông minh cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện doanh nghiệp. Đầu năm 2022, Tổng công ty đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển xa thứ hai, độc lập và dự phòng cho Trung tâm Điều khiển xa thứ nhất theo đúng chuẩn quốc tế. Đồng thời đưa vào hoạt động các phòng trực vận hành hiện đại tại 15 công ty điện lực trực thuộc, góp phần nâng cao năng lực quản lý và vận hành lưới điện trên địa bàn TP.HCM.

Đến nay, Tổng công ty đã triển khai chức năng vận hành tự động (không cần người điều khiển) cho 100% lưới điện trung thế công cộng, giúp tự động phát hiện và xử lý sự cố với thời gian từ 1 - 2 phút. Trong khâu dịch vụ khách hàng, 100% dịch vụ điện được giải quyết trực tuyến ở mức độ 4, thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt xấp xỉ 100%, đã quản lý số hoá 100% hồ sơ khách hàng, gắn công tơ đo đếm từ xa cho hơn 99% số hộ khách hàng, giúp khách hàng có thể theo dõi tình hình tiêu thụ điện hàng ngày. Tổng công ty cũng đã tự xây dựng nhiều phần mềm để áp dụng vào quản lý, quản trị doanh nghiệp, điển hình như Phần mềm quản lý độ tin cậy cung cấp điện (OMS) được công nhận là sản phẩm “make by EVN” vào đầu năm 2022, hiện được áp dụng chung cho ngành điện cả nước.

Nâng tầm thương hiệu, nâng chất lượng dịch vụ

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, chuyển đổi số là quá trình tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đối với EVNHCMC, trước tiên là giúp bảo đảm cung cấp điện cho Thành phố với chất lượng tốt nhất cả nước. Thứ hai là thay đổi thói quen của khách hàng sử dụng điện. Khách hàng đã quen với việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến và tương tác với ngành điện trên môi trường số. Thứ ba là năng suất lao động tăng cao. Thứ tư là xây dựng được đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao gồm hơn 70 chuyên gia với những chuyên môn về lưới điện thông minh, sửa chữa điện nóng, công nghệ thông tin, thị trường điện, quản lý dự án, quản trị doanh nghiệp và quản trị nguồn nhân lực, live line (sửa chữa trên đường dây đang mang điện); 260 công nhân lành nghề; 184 kỹ sư ASEAN (chiếm gần 46% trong tổng số 402 kỹ sư ASEAN của cả nước). Thứ năm là nâng cao uy tín thương hiệu của Tổng công ty. EVNHCMC được đánh giá có lưới điện thông minh xếp thứ 2 trong các công ty điện lực khu vực ASEAN, sau Tập đoàn Điện lực Singapore (SP Group) và được nhận giải thưởng “Thương hiệu vàng TP.HCM năm 2021”.

Tổng công ty đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt mức phát triển ngang tầm các công ty điện lực hàng đầu của các nước tiên tiến trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phấn đấu trở thành một doanh nghiệp chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ tốt nhất nhu cầu về điện của khách hàng với phương châm “3M: Mọi việc - Mọi lúc - Mọi nơi”.

Trong tương lai, với việc sở hữu Trung tâm dữ liệu (Data Center) đạt tiêu chuẩn quốc tế, có nguồn dữ liệu khổng lồ (Big Data) và ứng dụng sâu rộng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý vận hành hệ thống điện và dịch vụ khách hàng, ngành điện TP.HCM sẽ không chỉ làm tốt công tác sản xuất kinh doanh, mà còn kỳ vọng sẽ phối hợp cùng các ngành khác cung cấp dịch vụ cộng thêm, dịch vụ điện sau công tơ, góp phần phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục