Trong khi gặp khó khăn về vốn, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ngoài. Ảnh: Nhã Chi |
Lo khó hoàn vốn
Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Tân Phú chia sẻ, các DNNVV ở lĩnh vực CNHT, nhất là ở khâu chế tạo sản phẩm thiết bị mới, đang gặp khó khăn khi vừa thiếu nguồn nhân lực (đang có xu hướng dịch chuyển nhân công có tay nghề sang doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) vừa rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.
Ngoài ra, ông Toàn cũng băn khoăn, ngoài nhà xưởng, máy móc, công cụ được hình thành từ vốn vay thì các DNNVV có còn loại tài sản nào để thế chấp vay vốn? Và nếu như có thì tỷ lệ đó là bao nhiêu phần trăm trong tổng vốn vay?
Còn theo lưu ý của một chủ DN đúc gang và đúc thép, thử thách đối với ngành đúc trong việc sản xuất phục vụ xuất khẩu là rất lớn. Cho nên, khi vay vốn để đầu tư thì thời gian ân hạn cần dài hơn, vì thiết bị ngành đúc làm ra được hàng hoá chất lượng cao có giá rất đắt.
Chẳng hạn, đầu tư một dây chuyền đúc tự động của Đan Mạch tốn khoảng 3 triệu Euro là điều không thể với một DNNVV. Phía nhà sản xuất Đan Mạch có giải pháp khác là họ sẽ sản xuất dây chuyền tại Trung Quốc nhưng vẫn mang “mác” Đan Mạch thì giá giảm đi 1/3. Dù vậy, đây vẫn là mức đầu tư quá sức đối với DN nêu trên.
Với một DN nhỏ, nếu vay vốn đầu tư dây chuyền máy móc như vậy thì phải mất nhiều năm để hoàn vốn, đó cũng là khó khăn chung của các DNNVV trong lĩnh vực CNHT hiện nay. Nhất là trong bối cảnh mà DN nội phải đối mặt với làn sóng DN FDI trong lĩnh vực CNHT dịch chuyển vào Việt Nam.
Được biết, trong chương trình gói vay 10.000 tỷ đồng đầu tư phát triển CNHT trên địa bàn TP.HCM mà Sở Công Thương TP.HCM và VietinBank ký kết vào tháng 4 vừa qua có nhấn mạnh về sự hỗ trợ lãi suất từ ngân sách TP.HCM áp dụng cho các dự án đáp ứng đủ điều kiện và được UBND TP.HCM phê duyệt hỗ trợ lãi suất. Nhưng, chỉ “đáp ứng đủ điều kiện” cũng là một vấn đề nan giải với rất nhiều DNNVV.
Cần xây dựng lòng tin
Trong vấn đề khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng của DNNVV hiện nay, theo bà Lê Thị Kim Xuân, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng tại TP.HCM, các DNNVV đã tự đánh giá là năng lực tài chính yếu, vốn ít và tài sản của họ có giá trị rất thấp. Vì vậy, thường thì họ không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn ngân hàng.
Trong khi đó, có một hình thức có thể mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DNNVV là “cho vay có bảo đảm” với tài sản là “động sản”. Đây là khuynh hướng theo thông lệ quốc tế, trên thế giới dư nợ cho vay là “động sản” thường chiếm đến 70%, trong khi ở Việt Nam, cố gắng lắm thì đến thời điểm này, dư nợ cho vay với loại tài sản này chỉ chiếm có 30%. Bà Xuân cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nếu các ngân hàng cho vay với các tài sản thế chấp là động sản (như hàng tồn kho, các khoản thu...) thì các DN đều có.
Điều quan trọng là ngân hàng, các cơ quan quản lý cần thay đổi về mặt nhận thức để tạo điều kiện cho các DNNVV trong lĩnh vực CNHT có thể dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng. Bên cạnh đó, các DNNVV phải xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phía ngân hàng và DN cần cùng ngồi lại tính toán đầu vào, đầu ra nhằm tạo lòng tin cho ngân hàng.