DNNN trước sức ép công khai, minh bạch

(BĐT) - Công bố thông tin hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được xem là công cụ hữu hiệu để giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, tránh gian lận, thất thoát, lãng phí các nguồn lực. 
Công bố thông tin hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là công cụ hữu hiệu để giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Công bố thông tin hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là công cụ hữu hiệu để giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Tuy vậy, sau hơn ba năm thực hiện quy định của Chính phủ về việc công bố thông tin doanh nghiệp, đến nay, vấn đề minh bạch thông tin của DNNN vẫn mù mịt và còn nhiều bất cập.

Những con số biết nói

Theo quy định của Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của DNNN thì các DN do Nhà nước làm chủ sở hữu, các công ty con do DNNN sở hữu 100% vốn điều lệ phải công bố thông tin trên trang điện tử của DN, đồng thời gửi các báo cáo công bố thông tin về cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) để thực hiện công bố thông tin. Thế nhưng, báo cáo về tình hình công bố thông tin của DNNN nhiều năm qua vẫn cho thấy một bức tranh còn nhiều “màu xám”.

Cụ thể, hết năm 2017, mới có 275/584 DN, chiếm 47,09% DN gửi báo cáo đến Bộ KH&ĐT để thực hiện công bố (tỷ lệ này năm 2016 là 38,87%). Đáng chú ý, trong số 275 DN thực hiện công bố thông tin thì việc công bố cũng không trọn vẹn, trung bình mỗi DN chỉ nộp 5/9 loại báo cáo. Về nội dung công bố thông tin của các DNNN, Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, hầu hết các DN chưa thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP.

Còn theo số liệu của năm 2016, tính đến 31/12/2016, có 241/620 DN (chiếm 38,87% số DN) gửi báo cáo đến Bộ KH&ĐT để thực hiện công bố thông tin. Trong khoảng 380 DN còn lại chưa thực hiện công bố thông tin, chủ yếu là các DN thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương.

Khảo sát mới nhất của Báo Đấu thầu cho thấy, đến hết tháng 5/2019, nhiều DNNN vẫn chưa công khai báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, mà theo quy định là không muộn hơn ngày 31/5/2019.

Theo chia sẻ của một cán bộ thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT, nhiều DNNN đã gửi báo cáo về cho Cục nhưng đa số là gửi bản cứng không kèm theo bản mềm. Để công khai các thông tin này, nhân viên phải scan bản cứng sau đó mới upload lên website. Vì có quá nhiều văn bản với dung lượng lớn gửi về nên việc scan tài liệu cũng gặp nhiều vấn đề và đến giờ vẫn còn nhiều thông tin chưa thể scan.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Cải cách và Phát triển DN thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết có 2 vấn đề. Thứ nhất, pháp luật không quy định đầy đủ về cách thức gửi thông tin. Thứ hai là do bản thân Nghị định 81/2015/NĐ-CP quy định về chế tài xử lý và cách thức xử lý đối với việc không công bố, chậm công bố chưa rõ ràng.

Dứt khoát phải minh bạch

Khảo sát mới nhất của Báo Đấu thầu cho thấy, đến hết tháng 5/2019, nhiều DNNN vẫn chưa công khai báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, mà theo quy định là không muộn hơn ngày 31/5/2019.
Để giải quyết những tồn tại trên, ông Phạm Đức Trung cho rằng, phải quy định rõ ràng hơn công cụ, cách thức và phương thức gửi báo cáo thông tin của DNNN. Đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị định 81, bao gồm việc đánh giá, xử lý kỷ luật, xử lý hành chính đối với các hành vi không công bố thông tin chính xác, kịp thời và cập nhật.

Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào giữa tháng 6/2018, ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ ra tồn tại lớn nhất hiện nay trong báo cáo tài chính của DNNN là chưa trung thực và không chính xác, không phản ánh được tình hình vốn, tài sản nhà nước tại thời điểm báo cáo. Khi báo cáo không trung thực, không đầy đủ mà công khai ra với các nhà đầu tư, nhà quản lý thì hậu quả khó lường.

Cụ thể, qua thanh tra cho thấy, một số đơn vị có xu hướng khi kinh doanh có hiệu quả thì không báo cáo hết, mà giữ lại để làm nguồn dự phòng, do đó báo cáo không chính xác. Đối với trường hợp DN bị lỗ, thất thoát, gây mất mát tài sản, vốn nhà nước thì thường cố tình tạo ra lợi nhuận ảo để che giấu, hòng trốn tránh trách nhiệm, câu giờ để tìm cơ hội khắc phục.

Từ những đánh giá trên có thể thấy, trách nhiệm công bố thông tin chưa được chú trọng. Các DNNN chưa phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm, phân công nhiệm vụ của các cá nhân, bộ phận liên quan thông qua quy chế nội bộ về công bố thông tin; chưa báo cáo đầy đủ, trung thực cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để giám sát, đôn đốc thực hiện công bố thông tin; chưa gửi các thông tin về người đại diện theo đúng quy định pháp luật, người được ủy quyền thực hiện công bố thông tin về Bộ KH&ĐT để phối hợp.

Nhà quản lý DN là người trực tiếp điều hành hoạt động của DN nên họ nắm được các thông tin về hoạt động cũng như “sức khỏe tài chính” của DN. Chỉ khi bản thân người lãnh đạo cao nhất của DNNN ý thức được tầm quan trọng của minh bạch thông tin, xây dựng văn hóa minh bạch thông tin trong DN và chủ động thực hiện công bố thông tin ra công chúng thì khi đó, minh bạch thông tin sẽ trở thành vũ khí để DNNN có thể cạnh tranh với các khu vực DN khác và phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục